CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:00

Không để người nào đang cách ly, tự điều trị COVID-19 tại nhà không có Tết

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây là nội dung Thông báo 349/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy; phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thông báo nêu rõ, về công tác phòng, chống ma túy, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực, song công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn vô cùng khó khăn, phức tạp. Ngay trong thời kỳ giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, các đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để tổ chức sử dụng và vận chuyển trái phép chất ma túy; số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp vẫn tiếp tục gia tăng. Các lực lượng chức năng cần tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ cả giảm cung và giảm cầu ma túy, phù hợp với các quy định của pháp luật, vì lợi ích chung của nhân dân, đất nước, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

Phòng, chống ma túy không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an, y tế, lao động mà cần có sự vào cuộc, tham gia tích cực, trách nhiệm của các bộ, ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và chính quyền các cấp. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống ma túy cần kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ với các phong trào thi đua, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an cơ sở, dưới chỉ đạo chung của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (i) Bố trí nguồn kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước bảo đảm cho các hoạt động về phòng, chống ma túy, trong đó ưu tiên cho công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy; (ii) Tổ chức quán triệt chuyên sâu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành; (iii) Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm các cấp phù hợp với điều kiện của địa phương.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2.

Trong dịp Tết Nguyên đán, tổ COVID-19 cộng đồng, công an, dân quân, y tế và các lực lượng ở địa phương cần tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vét vaccine, phát hiện, hỗ trợ người bệnh, không để người nào đang cách ly, tự điều trị tại nhà không có Tết.

Trong mọi trường hợp phải quản lý chặt chẽ các yêu cầu về an toàn thực phẩm

Về công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm ở nước ta đã có nhiều tiến bộ, nhất là đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã tích cực thúc đẩy các vùng chuyên canh, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm… Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm yêu cầu: Mặc dù đã mạnh mẽ chuyển đổi cơ chế quản lý, song trong mọi trường hợp phải quản lý chặt chẽ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đồng thời tiếp tục có cơ chế đối thoại, trao đổi nhằm tiếp tục hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách quản lý ngày càng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2022, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Từng địa phương phải luôn chú trọng việc bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người dân trong các khu phong tỏa, cách ly; sẵn sàng năng lực y tế ứng phó hiệu quả việc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, nhất là tại vùng đang có dịch.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh