Không để người lao động nào bị “bỏ rơi” khi làm việc ở nước ngoài
- Bài thuốc hay
- 01:25 - 18/04/2017
Báo cáo sơ kết năm thứ 4 triển khai, giám sát, đánh giá việc thực hiện CoC- VN của các doanh nghiệp ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS cho biết, trong năm qua, Hiệp hội đã lựa chọn, vận động thêm 22 doanh nghiệp mới bổ sung vào danh sách đánh giá, nâng tổng số doanh ngiệp trong diện đánh giá lên 88 doanh nghiệp. Hiệp hội đã tập huấn cho cán bộ nhân viên các doanh nghiệp về CoC-VN và về các công ước ILO liên quan đến phòng chống lao động cưỡng bức, buôn bán người.
Về hoạt động phỏng vấn lao động trước khi xuất cảnh, một điểm mới trong hoạt động này là trong một số buổi khảo sát lớp học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh đã có sự tham gia của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Cục quản lý lao động ngoài nước, Điều phối viên Quốc gia Dự án “Tam giác” ILO Hà Nội, góp phần nhìn nhận một cách khách quan hơn trong đánh giá thực trạng của hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động của các doanh nghiệp.
Qua hoạt động phỏng vấn người lao động trước khi xuất cảnh, có thể thấy, các doanh nghiệp đều có chuyển biến khá rõ nét trong công tác đào tạo, giáo dục định hướng trước khi đi. Chất lượng đào tạo cho người lao động đã tốt hơn, nội dung đào tạo đã gắn với yêu cầu của thị trường, qua đó chất lượng người lao động trước khi đi đã được cải thiện, người lao động tự tin và chủ động hơn khi sống và làm việc tại môi trường mới.
Hội nghị đánh giá năm thứ 4 thực hiện CoC-VN
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lương Trào cũng cho biết, 100% người lao động được phỏng vấn đề trả lời là họ biết các khoản phí cần nộp khi tham gia các khóa học trước khi đi. Tuy nhiên, khi phỏng vấn sâu nội dung này thì người lao động lại cho biết, họ chưa rõ được cơ cấu từng loại chi phí theo quy định như phí nào doanh nghiệp sẽ thu, phí nào thuộc NLĐ tự chi trả Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp cần quán triệt đầy đủ hơn cho mọi người lao động trong các khóa đào tạo. Bên canh đó, không ít người lao động còn lúng túng về một số nội dung liên quan đến quy định về các khoản khấu trừ vào lương của chủ sử dụng lao động theo quy định của pháp luật nước sở tại như thuế thu nhập, thuế định cư dối với Nhật Bản, việc thụ hưởng các loại BHXH của các thị trường tiếp nhận hoặc quy trình khiếu nại đối với người lao động tại thị trường Đài Loan … “Rất ít doanh nghiệp xây dựng được kịch bản hoặc các bài tập tình huống cho các nội dung này trong quá trình đào tạo người lao động. Thực trạng này đã được Ban giám sát của Hiệp hội góp ý trực tiếp cho lãnh đạo các doanh nghiệp để nhanh chóng khắc phục và bổ sung thêm nội dung trong giáo dục định hướng người lao động”- Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Lương Trào nhấn mạnh.
Đối với hoạt động phỏng vấn người lao động khi trở về cho thấy, chất lượng dịch vụ của các công ty phái cử đã được người lao động đánh giá theo hướng tích cực. Tuy nhiên, kết quả trên mới chỉ phản ánh một phần người lao động tại hai thị trường Nhật bản và Đài Loan, nơi mà trong thời gian qua đã có sự đầu tư khá tích cực và được giám sát khá chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Sự phân bố phiếu khảo sát có thể chưa phản ảnh thật sự khách quan một số yêu cầu đặt ra, nhất là một số thị trường khu vực Trung Đông và Bắc Phi với hai lĩnh vực giúp việc gia đình và lao động xây dựng. Tuy nhiên, một điểm khá rõ có thể cần rút kinh nghiệm thêm là cần làm tốt và đầy đủ hơn công tác tư vấn về việc làm cho người lao động về nước để làm sao cho 100% số lao động nhận được sự hỗ trợ này trong thời gian tới và có được các thông tin về hiệu quả của hoạt động này.
Về kế hoạch giám sát, đánh giá CoC-VN năm 2017, năm thứ 5, ông Nguyễn Lương Trào cho biết, VAMAS sẽ mở rộng diện giám sát đánh giá đến 106 doanh nghiệp, gồm 86 doanh nghiệp cũ và 20 doanh nghiệp mới.; tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ công nhân viên 20 doanh nghiệp mới và các doanh nghiệp tập huấn lại do thay đổi nhiều nhân sự về CoC- Vn và các công ước quốc tế liên quan đến lao động di cư; bổ sung thêm nội dung về trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới trong di cư lao động
Một buổi tập huấn của VAMAS tại công ty ESUHAI
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao hoạt động của VAMAS trong những năm qua và cho rằng, việc VAMAS cho ra đời Bộ quy tắc CoC-VN có ý nghĩa rất quan trọng góp phần bảo vệ tốt hơn cho người lao động. Qua 4 năm triển khai, Bộ quy tắc và được đánh giá có chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, những năm gần đây, thị trường lao động ngoài nước ngày càng được mở rộng, số người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng nhiều, doanh nghiệp cũng nhiều hơn, cơ cấu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có sự thay đổi, chất lượng lao động được nâng lên, chi phí đi giảm, các doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật trong nước cũng như nước sở tại tốt hơn. Có được điều đó một phần có đóng góp của Bộ Quy tắc ứng xử CoC-VN cũng như vai trò của Hiệp hội xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn không ít những hạn chế về công tác tuyển chọn, công tác đào tạo ở một số doanh nghiệp, công tác quản lý hỗ trợ người lao động ở nước ngoài cơ bản là tốt nhưng vẫn còn một số ít doanh nghiệp chưa hỗ trợ kịp thời cho người lao động, ‘bỏ rơi’ người lao động ở nước ngoài. Số lượng đó không nhiều nhưng mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp là không một lao động nào bị bỏ rơi, không người lao động nào không được hỗ trợ kịp thời khi họ ở nước ngoài
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng không phải chất lượng các doanh nghiệp đều tốt. Hiện chúng ta có gần 300 doanh nghiệp được cấp phép, tuy nhiên, nếu tính bình quân thì một năm mỗi doanh nghiệp đưa được khoảng 400 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đây là con số rất thấp. Nếu chất lượng doanh nghiệp được nâng lên, doanh nghiệp đưa đi được số lượng nhiều hơn, họ sẽ đầu tư bài bản hơn về công tác tuyển chọn, đào tạo và chăm lo cho người lao động tốt hơn.
“Chúng tôi đánh giá rất cao VAMAS đã xây dựng Bộ quy tắc CoC- VN và mong muốn tất cả các thành viên thực hiện tốt bộ quy tắc này. Kết quả xếp hạng trong việc thực hiện CoC-VN đã phản ánh được mặt bằng của các doanh nghiệp. Về một số kiến nghị của Hiệp hội, Bộ LĐ-TB&XH đã lắng nghe và tinh thần của Bộ là sẽ sửa luật, sẽ cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, VAMAS đã công bố kết quả xếp hạng việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử CoC-VN của doanh nghiệp XKLĐ trong năm thứ 4. Theo đó có 37 doanh nghiệp được xếp hạng 5 sao, 41 doanh nghiệp được xếp hạng 4 sao và 8 doanh nghiệp được xếp hạng 3 sao.