Không để người dân “tự xử” trong tranh chấp dân sự
- Tây Y
- 15:19 - 27/10/2015
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, quy định trên là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND.
Ông Nguyễn Văn Hiện phân tích: “Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục TTDS chung do Bộ luật này quy định”. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định về giải quyết các vụ việc dân sự, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các điều 4, 43, 44 và 45 của dự thảo Bộ luật.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) góp ý dự thảo BLTTDS.
Tán thành với quy định trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) cho rằng, đây là nội dung rất mới. Đáp ứng đòi hỏi thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay. Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ xã hội biến đổi liên tục, thì quy định này góp phần mở đường cho việc hình thành án lệ, phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án năm 2014. “Bảo đảm công dân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ lẽ phải và lợi ích chính đáng của mình. Đó cũng là căn cứ Tòa án nhận đơn, thụ lý vụ việc. Không để người dân tự xử ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói. Tuy nhiên, để phòng ngừa xu hướng đương sự lạm dụng quy định này để khởi kiện ra tòa, ông Nghĩa đề nghị luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ, phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cũng cho rằng việc mở rộng thẩm quyền xét xử của TAND trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quy định tại Khoản 2, Điều 4 của dự thảo bộ luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), nói: Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án là phù hợp. Liên quan đến vị trí, vai trò của Viện KSND trong TTDS, nhiều ý kiến cho rằng trong TTDS, Viện KSND không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên Viện KSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng. Ý kiến khác lại cho rằng, Viện KSND là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên Viện KSND là cơ quan tiến hành tố tụng...
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, quy định tại khoản 1 Điều 107 của Hiến pháp năm 2013, thì Viện KSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 4 và Điều 27 của Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014. Từ phân tích trên, ông Hiện đề nghị tiếp tục xác định Viện KSND là cơ quan tiến hành TTDS.
Thống nhất với phân tích của ông Nguyễn Văn Hiện, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói: Quy định KSV có thẩm quyền đề nghị HĐXX về hướng giải quyết vụ án sẽ giúp cho HĐXX có thêm cơ sở để tham khảo, đánh giá vụ án khách quan đầy đủ, toàn diện, tuyên án đúng pháp luật, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị không cần thiết.