Không để người dân nào không có Tết
- Dược liệu
- 04:58 - 10/01/2017
Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động
Thông tin về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH năm 2016, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, về lĩnh vực lao động, việc làm, ước cả năm 2016 cả nước tạo việc làm cho khoảng 1.641 nghìn người, đạt 102,5% kế hoạch và tăng 1% so với thực hiện năm 2015; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2016 là 2,30%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%
Về xuất khẩu lao động: Bộ đã đàm phán, ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) sau 4 năm tạm ngừng; trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam - Malaysia và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận lao động Việt Nam - Thái Lan
Trong năm qua, Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhất là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Theo dõi, cập nhật, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Tập trung hướng dẫn Luật an toàn lao động, triển khai Chương trình quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tọa đàm
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, Bộ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 số 76/NQ-CP ngày 03/9/2016 của Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Ước cả năm tuyển sinh dạy nghề được 1.974,84 nghìn người (đạt 91,8% kế hoạch năm và bằng 99,7% so với thực hiện năm 2015). Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53%.
Trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Bộ đã xác định mục tiêu ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ; xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An);
Tiếp tục thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương. Ước đến cuối năm 2016 có 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với năm 2015
Trong lĩnh vực xã hội, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2016, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai thực hiện chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016.Hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 (lần đầu tiên đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước). Theo kết quả tổng điều tra, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,14%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% (tương ứng với 2.338.569 hộ nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,22% (tương ứng với 1.235.784 hộ cận nghèo); tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 64 huyện nghèo là 50,43% (tương ứng với 371.990 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,83% (tương ứng với 94.611 hộ cận nghèo).
Ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58 - 8,38%); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%), đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đã ban hành cho trên 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí gần 15.000 tỷ đồng. Năm 2016 cơ bản bảo đảm các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 81% người cao tuổi, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội trên phạm vi cả nước.
Lãnh đạo các Vụ, Cục và phóng viên báo chí tham gia buổi tọa đàm
Ngoài ra, ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cả giai đoạn 2016 – 2020 như: Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020... Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Làm tốt công tác tư vấn, truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Ước đến cuối năm 2016 có 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 5,5% trên tổng số trẻ em.
Ngoài ra, các mặt công tác khác như bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, cải cách hành chính, thanh kiểm tra, hợp tác quốc tế… cũng đạt được nhiều kết quả tích cực
Chung tay chăm lo Tết cho người có công, người nghèo
Về vấn đề chăm lo tết cho người có công, Ông Đào Ngọc Lợi- Phó Cục trưởng Cục người có công cho biết, đây là vấn đề được Đảng nhà nước và ngành LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm. Ngày 3/1 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định về việc tặng quà cho đối tượng chính sách nhân dịp Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho với hai mức là 400.000 nghìn/ suất và 200.000 nghìn đồng/ suất với tổng kinh phí là hơn 431 tỷ đồng. Sau khi có quyết định, Cục Người có công cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ hướng dẫn các địa phương và xây dựng kế hoạch thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách tại địa phương trên toàn quốc
Về vấn đề chăm sóc Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Cục đã rà soát, tổng hợp số người thiếu đói, thiếu lương thực trong dịp Tết, chủ động lên kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, đồng thời thực hiện chi trả kịp thời chế độ cho các đối tượng bảo trợ kịp thời, đúng đối tượng trong dịp Tết. Bộ cũng yêu cầu các địa phương gửi kế hoạch tặng quà Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội và ngày 10/1 là ngày cuối cùng các địa phương phải gửi báo cáo về Bộ. Đến thời điểm này, đã có 40 tỉnh đã xây dựng kế hoạch tặng quà, chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội và các địa phương dự kiến kế hoạch huy động khoảng 431 tỷ đồng để hỗ trợ, tặng quà, thăm hỏi cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã nhận được văn bản của 15 tỉnh đề nghị hỗ trợ gạo 12.800 tấn gạo cho các hộ khó khăn.
“Đảng, nhà nước sẽ làm mọi việc để đảm bảo Tết cho người nghèo, mục tiêu là không để người dân nào không có Tết”- Ông Nguyễn Ngọc Toản nhấn mạnh.
Nhóm tác giả: Hà Thị Thanh Huyền và Cù Thị Hòa của Báo Lao động- xã hội và Báo điện tử Dân sinh đoạt giải Ba cuộc thi viết về nghề công tác xã hội năm 2016
Kết thúc buổi tọa đàm, Ban tổ chức cuộc thi báo chí viết về nghề công tác xã hội năm 2016 đã trao giải cho 11 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải trong cuộc thi. Nhóm tác giả Hà Thị Thanh Huyền và Cù Thị Hòa của Báo Lao động- xã hội và Báo Dân sinh đã vinh dự nhận giải Ba của cuộc thi với tác phẩm: Lấp Lánh tình người trong thế giới tâm thần.