THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Không để người dân nào đói và không được ăn Tết

 

Đảm bảo người người, nhà nhà đều có Tết đầm ấm, an vui

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần không để người dân nào không có tết, không để người nào đói trong dịp Tết, nhất là đời sống bà con vùng thiên tai, bão lũ. Bộ trưởng nhấn mạnh, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 16; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 48 và Công điện số 1882, trong dịp Tết, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... để người dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm, không ai bị đói và không được ăn tết. Thị trường hàng hóa Tết cần phải phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng với giả cả ổn định.

 

Thủ tướng khẳng định không để người dân nào đói trong dịp Tết

 

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội... Chấn chỉnh quyết liệt các lễ hội trong mùa lễ hội năm nay, quyết tâm xóa bỏ những lễ hội nhạy cảm, lợi dụng kinh doanh, không đúng thuần phong mỹ tục.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong dịp Tết cần đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; an ninh biên giới; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm, nạn đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, đánh nhau và tệ nạn xã hội…. Đặc biệt, phải chủ động làm tốt công tác an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, ùn tắc giao thông; đảm bảo phương tiện đi lại thuận tiện để mọi người dân được về nhà sum họp, đón Tết an toàn, đầm ấm bên gia đình.

Ngay sau Tết, các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay những ngày làm việc sau Tết bảo đảm chất lượng và tiến độ; không tổ chức du xuân, liên hoan lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc.

Bên cạnh đó, quản lý tốt các lễ hội sau Tết, tránh tình trạng lộn xộn, các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội, gây bất bình trong dư luận.

Không lơ là, thỏa mãn với kết quả đạt được

Tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định, mở đầu năm mới tốt hơn cùng kỳ năm 2017 với ấn tượng mạnh mẽ về một số chỉ tiêu, nhất là những trung tâm kinh tế lớn. Tiếp đà của năm 2017, với sự chỉ đạo chủ động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội có chuyển biến tích cực tháng đầu năm 2018. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP. Khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người. Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, trong đó có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ có gần 9.000 doanh nghiệp), và có thêm trên 4.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỷ USD. Văn hóa, xã hội, được đặc biệt quan tâm thời gian qua, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng thiên tai.

Năm 2018 đã đi qua tháng đầu tiên với nhiều tín hiệu vui. Kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5%. Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15.400 doanh nghiệp. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD. Cũng trong tháng 1, Đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam làm nên kỳ tích, giành ngôi Á quân tại Giải vô địch U23 châu Á. Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm cũng như thành công của Đội tuyển U23 Việt Nam là ý chí kiên cường, quyết tâm cao và tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, và cho rằng, điều này không chỉ cho bóng đá mà cho cả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mỗi bộ, ngành, địa phương. Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc, chủ động Nghị quyết 01 của Chính phủ, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện cần tích cực, trách nhiệm hơn nữa, tránh tình trạng như chúng ta thường mắc phải “đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng”.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, có một số chỉ tiêu cần lưu ý, như tỷ lệ hàng Việt Nam tiêu thụ thấp so với hàng nhập khẩu. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu/GDP đến 190% nên mọi sự biến động của toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, nhất là những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… Do đó, không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018. Tinh thần của U23, tinh thần và cách làm như những tháng cuối năm 2017 phải được thể trong quý đầu năm 2018.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, một số nội dung quan trọng khác tại phiên họp là Chính phủ đã thảo luận về thể chế, như sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục; sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học; cho ý kiến về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018… Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ xem xét đề xuất 1 trong 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, phương án 1 giữ như hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 (tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình), áp dụng từ ngày 1/1/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết khuyến nghị phương án 2 vì liên quan đến các giải pháp về già hóa dân số, cân đối quỹ bảo hiểm, tính toán vấn đề lao động vì tuổi thọ bình quân hiện nay là 73-74 năm. Nếu chúng ta không chủ động các giải pháp sớm sẽ ảnh hưởng đến già hóa dân số, cân đối các quỹ…

THANH HUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh