Không có tên trong sổ đỏ, phụ nữ “trắng tay” sau ly hôn
- Y học 360
- 23:40 - 09/09/2016
Không chốn dung thân
Hơn 20 năm về trước từ một cô gái vùng đất Cao Bằng xinh đẹp, nét na, chị Nông Thị Trinh, huyện Trùng Khánh về làm dâu xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Cuộc sống khó khăn hai vợ chồng chị dắt nhau vào Lâm Đồng làm ăn. Khi đã có chút vốn liếng trong tay, vợ chồng chị về lại quê nhà mua đất dựng nhà sinh sống. Nhưng công việc đồng áng chỉ bận bịu vào những lúc mùa vụ, thu nhập thấp, nên chị đành để 2 con chồng chăm sóc lên thành phố làm giúp việc, thỉnh thoảng mới về nhà.
Đến năm 2012, chị phát hiện chồng chị từ lâu đã đi lại với một người phụ nữ trong xóm và đã có con riêng. Không chấp nhận cảnh chồng chung, chị Trinh lên tiếng đòi ly hôn, thì lúc này chị mới ngã ngửa mảnh đất hai vợ chồng chung sức mua nhưng trong sổ đỏ chỉ có mỗi tên chồng. Đến nay sau gần 4 năm tài sản phân chia vẫn chưa được thi hành. Không thể sống chung nhà với người chồng phụ bạc nên chị đành lang bạt khắp nơi làm thuê, làm mướn mưu sinh kiếm sống.
Còn với chị Nguyễn Thị Nga, ở thành phố Thái Nguyên lại rơi vào một tình cảnh khác. Nhờ gia đình chồng đất đai rộng rãi, nên sau khi kết hôn nên hai vợ chồng chị đã được bố mẹ chồng cho ra ở riêng trong một ngôi nhà cấp 4, trên mảnh đất 150m2 mà bố mẹ chồng làm sẵn.
Khi họ có với nhau một con thì phong trào xuất khẩu lao động ập đến như cơn lốc. Vốn có mộng làm giàu, anh vay mượn tiền cho chị xuất ngoại. Hơn 4 năm mưu sinh kiếm sống nơi xứ người chị chắt chiu từng đồng gửi về nhà cho chồng nuôi con và xây lại ngôi nhà thành 2 tầng. Đến ngày hết hạn hợp đồng về nước, chị cứ tưởng mình sẽ được sống vui vẻ, hạnh phúc cùng chồng nuôi con khôn lớn trưởng thành, nhưng nào ngờ từ khi về nhà anh sinh tính ghen tuông bóng gió. Suốt ngày anh uống rượu rồi kiếm cớ gây chuyện chửi bới đánh đập chị. Không chịu nổi người chồng nát rượu, vũ phu, chị Nga đưa đơn ly hôn ra tòa. Lúc này, chị mới chết lặng khi biết 6 năm qua mình vẫn ở nhờ trong nhà đất mang tên bố mẹ chồng, cho dù số tiền chị gửi về nhà cho chồng gần 400 triệu đồng. Sau nhiều lần phân xử tại tại tòa án, chị đành ngậm ngùi rời “tổ ấm” của mình với số tiền 100 triệu đồng.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội cho rằng, mặc dù xã hội đã có nhiều tiến bộ nhưng đến nay ở Việt Nam với quan niệm “xuất giá tòng phu” nên phụ nữ vẫn được xem là thuộc về gia đình chồng. Chính vì quan niệm này, dẫn đến việc phụ nữ đi lấy chồng không được chia tài sản ở nhà bố mẹ đẻ, trong khi đó ở nhà chồng thì con dâu không có quyền hưởng di sản thừa kế. Điều đó đẩy những người phụ nữ sống phụ thuộc chồng phải sống cam chịu bất bình đẳng trong hôn nhân. Họ không dám thoát ra, hay đấu tranh để bảo vệ quyền lợi, hạnh phúc của bản thân. Vì không có tài sản, phụ nữ bị ngược đãi, bạo hành cũng không dám ly hôn do sợ không biết lấy gì để sống, không biết ở đâu và đứng trước nguy cơ bị phía nhà chồng tranh chấp quyền nuôi con.
Phụ nữ thụ động trong tiếp cận đất đai
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, tỷ lệ người đứng tên trên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy: 44% là chồng, 22% là hai vợ chồng. Cũng theo nghiên cứu cho thấy nữ giới có ít thông tin về tiếp cận đất đai so với nam giới. Dưới 50% nữ giới được phỏng vấn biết các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất so với tỷ lệ từ 50% đến 60% ở nam giới.
Còn theo kết quả của báo cáo nghiên cứu “Thực trạng đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ sau ly hôn” do Văn phòng liên minh đất đai (LANDA tại tỉnh Quảng Ngãi và Long An, với 143 phụ nữ sau ly hôn tham gia cho thấy, sau ly hôn, phụ nữ không có chỗ ở ổn định, phải về sống với cha mẹ đẻ, ở nhờ nhà người thân hoặc đi làm thuê biệt xứ.
Tỷ lệ hộ gia đình ở đô thị thực hiện việc đưa tên cả hai vợ chồng vào GCNQSDĐ cao hơn hẳn địa bàn nông thôn. Và dù nguồn gốc tài sản thường là bên vợ hay bên chồng thì người đứng tên trên giấy tờ thường là người chồng. Đối với những phụ nữ ở nông thôn, họ thường làm ruộng là chính nên họ ít quan tâm hiểu về thủ tục đất đai, giấy tờ... Do vậy mà người chồng thường hay đứng tên GCNQSDĐ. Có một đặc điểm quan trọng khiến những phụ nữ nông thôn khi ra đi không thể đòi được phần trong căn nhà họ đã cùng tạo dựng: họ xây nhà trên đất của cha mẹ chồng, hoặc sống quần tụ trong cộng đồng họ mạc nhà chồng. Với bối cảnh như vậy, tòa thường sẽ xử cho người chồng được giữ căn nhà và trả tiền cho người vợ để người vợ ra đi...
Để đảm bảo quyền tài sản nhà và đất cho phụ nữ sau ly hôn, ông Phạm Khải Bình, chuyên viên Trung tâm Hỗ trợ các chương trình phát triển xã hội cho rằng: Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm chính thức hoá việc thành lập các Tổ thi hành án tại cấp xã để hỗ trợ cho cơ quan thi hành án trong vận động người tự nguyện thi hành án và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Toà án và cơ quan thi hành án cần áp dụng các nguyên tác của Công ước CEDAW - Dành cho phụ nữ những quyền bình đẳng trong việc ký kết hợp đồng, quản lý tài sản và phải đảm bảo các quyền như nhau của cả vợ và chồng đối với sở hữu, thu nhận, kiểm soát, quản lý, thường vụ và sử dụng tài sản, dù không phải trả tiền hay có giá trị lớn hơn.
Phụ nữ cần được tư vấn và hỗ trợ pháp lý trong giai đoạn tố tụng về quyền lợi và lợi ích của người phụ nữ sau ly hôn. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án với Hội phụ nữ trong việc thi hành án để đảm bảo quyền tiếp cận tài sản đất, nhà ở của phụ nữ sau ly hôn và đảm bảo quy chế phối hợp này được thực hiện trên thực tế.