CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:58

Không có chuyện xây tượng đài Bác Hồ 1400 tỉ đồng

 

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm

 

* Dư luận đang có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc tỉnh Sơn La xây dựng tượng đài nghìn tỉ, ông có thể cho biết quan điểm của mình?

- Công trình tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc” được xây dựng ở TP Sơn La về mặt chủ trương đã được Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ, sau đó đã trình Ban Bí thư để xin ý kiến và được đồng ý về chủ trương và được thông qua đúng các bước trình tự, thủ tục. Tôi khẳng định thông tin đang làm “nóng” dư luận với công trình tượng đài 1400 tỉ đồng là không chính xác, vì với một công trình tượng đài bao giờ cũng phải xây dựng dự toán kinh phí trên cơ sở phác thảo đã được duyệt chọn. Bởi phác thảo xác định việc tượng gồm bao nhiêu nhân vật, tượng bằng chất liệu gì, qui mô của tượng thế nào, không gian kiến trúc của công trình ra sao… đều được thể hiện qua phác thảo công trình được duyệt, từ đó mới tiến hành xây dựng dự toán được. Hiện nay phác thảo mới được Hội đồng nghệ thuật, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo Bộ VHTT&DL tổ chức xem mẫu phác thảo và hiện vẫn chưa chọn được mẫu nào. Chưa chọn được mẫu phác thảo thì đương nhiên chưa dự thảo kinh phí được.  

Tuy nhiên, số liệu 1400 tỷ có thể là tỉnh Sơn La dự toán kinh phí xây dựng Bảo tàng tỉnh, Đài Liệt sĩ, Nhà đón tiếp, Quảng trường và kiến trúc, các hạng mục phụ trợ, công viên cây xanh… Còn về kinh phí tượng đài thì tôi khẳng định là không thể cao như thế! Tôi cho rằng, chúng ta cần tìm hiểu và nói cho rõ, tượng đài đi liền với quảng trường, các công trình phụ trợ, các hạng mục khác nên phải tách ra, cái nào là kinh phí xây dựng tượng đài, cái nào là kinh phí xây dựng các hạng mục khác… rồi hẵng bình luận đắt hay rẻ, cao hay thấp, chứ bây giờ cứ gói tất cả vào rồi nói là kinh phí xây dựng tượng đài thì không đúng và tạo nên hiệu ứng xã hội rất gay gắt. Bởi thực tế, Việt Nam chưa bao giờ có tượng đài nghìn tỉ.

 *Sơn La là một tỉnh nghèo, và con số 1400 tỉ đồng cho một công trình với nhiều hạng mục như thế này mới là vấn đề làm “nóng” dư luận, thưa ông?

- Quan điểm của Bộ VHTT&DL thể hiện qua các văn bản là phải căn cứ vào tình hình kinh tế của địa phương, cũng như qui mô các công trình sao cho phù hợp với không gian kiến trúc. Không chạy theo qui mô hoành tráng, to lớn, không có tư tưởng xây dựng tràn lan.

Quy hoạch xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 hiện nay đang lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố.  Được biết, đề xuất của các tỉnh, thành phố từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng 58 tượng đài Bác Hồ nhưng Bộ VHTT&DL căn cứ vào tiêu chí và dự kiến chỉ đưa vào qui hoạch 14 công trình, trên cơ sở phải đáp ứng đúng tiêu chí nội dung. Cá nhân tôi cũng như bất cứ người Việt Nam nào cũng thấy mức giá 1400 tỉ đồng cho quần thể quảng trường, tượng đài, bảo tàng, đài tưởng niệm liệt sĩ, không gian văn hóa… của Sơn La là cao và cần phải cân nhắc.

Về phía tỉnh Sơn La, tôi nghĩ họ cũng rất cẩn trọng khi đưa ra con số áng khoảng, và thường là các công trình lớn thì chia ra nhiều giai đoạn. Ví dụ từ nay đến 2017 chỉ làm một phần nào đó, rồi làm tiếp theo căn cứ vào tình hình kinh tế của địa phương, đây là cả một quá trình, phân nhiều giai đoạn, có thể là 5 – 10 năm sau mới thực hiện. Tuy nhiên, về đề án các hạng mục thì cá nhân tôi cũng chưa đồng ý với tất cả. Ngay như việc chỉ đặt đài liệt sĩ cũng còn phải bàn bạc liệu có phù hợp không? Có thể nói con số tỉnh Sơn La đưa ra khoảng 1400 tỉ đồng là chưa có căn cứ khoa học, không có cơ sở chính xác, vì rõ ràng tượng đài chưa được phê duyệt thì không thể có con số khoảng đó được…

 

Ảnh minh họa

 

*Ông có thể nói rõ hơn về hình ảnh giả định của tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc”

- Hình ảnh giả định sẽ là Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đại diện cho tình cảm các dân tộc Tây Bắc. Lúc sinh thời, Bác Hồ đã lên thăm khu tự trị Thái Mèo và nguyện vọng của đồng bào dân tộc Thái, Mèo rất mong muốn có một tượng đài ghi nhớ việc Bác đã lên thăm và nói chuyện với đồng bào ở TP Sơn La. Thực ra Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với đồng bào ở sân vận động huyện Thuận Châu, sau này tỉnh có báo cáo với Thủ tướng và Thủ tướng đồng ý không làm ở Thuận Châu mà chuyển về Trung tâm TP. Sơn La. Hiện nay cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng phải làm sao có đầy đủ được hình ảnh các dân tộc sinh sống ở khu vực Tây Bắc. Đây cũng là một bài toán đặt ra, nhiều nhân vật thì kinh phí cao hơn… tất cả những vấn đề dự án phải đặt ra, từ nội dụng tác phẩm, ngôn ngữ điêu khắc, tạo hình cũng như kinh phí đều trong quá trình tính toán và xây dựng.

*Nhiều địa phương hiện nay thích xây dựng các công trình, tượng đài lớn. Phải chăng đây đang là một xu hướng, thưa ông?

- Tôi cho rằng điều này cần phải có sự đồng thuận và vào cuộc của các nhà lãnh đạo, địa phương. Thực tế xu hướng hiện nay của một số người là thích to, thích lập kỷ lục, thích hoành tráng và thay đổi quan điểm này thế nào không đơn giản, không phải là ngày một ngày hai mà làm được. Chúng ta phải hiểu, không phải công trình, tượng đài càng lớn, càng hoành tráng là có càng có ý nghĩa. 

 

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, con số 1.400 tỷ đồng trong đề án bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với diện tích khoảng 20ha bao gồm: Quảng trường, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, xây mới Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, đền thờ Bác Hồ (dự kiến sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa) và bảo tàng (sau năm 2020)… Trong đó, trước mắt sẽ ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hai công trình quảng trường, tượng đài Bác vào dịp 7/5/2019 để kỷ niệm sự kiện 60 năm Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Huyền Minh (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh