"Không có chuyện dừng thu phí BOT Pháp Vân"
- Dược liệu
- 13:19 - 07/06/2019
Ngày 1/1/2018, Tổng cục Đường bộ có Quyết định số 4209/QĐ - TCĐBVN về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Ngày 28/11/2018, Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án: Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý và khai thác. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục Đường bộ đã có Thông báo số 121/TB - TCĐBVN ngày 3/4/2019 yêu cầu CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện ngay công tác sao lưu dữ liệu thu phí.
Một trạm thu phí của Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Internet
Ngày 13/5/2019, Cục QLĐB I đã có văn bản số 817/CQLĐBI - KHTC báo cáo việc kiểm tra việc sao lưu dữ liệu thu phí tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo báo cáo, CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu.
Tổng cục Đường bộ trên cơ sở đó đax báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý là yêu cầu CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi đơn vị này thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định.
Chủ đầu tư nói gì?
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ đầu tư dự án cho biết đây là sự hiểu nhầm không đáng có đối với doanh nghiệp này.
"Theo hợp đồng BOT, chúng tôi đã đưa vào hoạt động hệ thống sao lưu dữ liệu đồng bộ, lưu trữ hình ảnh trong 45 ngày và 1 năm đối với số liệu. Trên thực tế, chúng tôi đã nâng cấp hệ thống, đảm bảo lưu trữ hình ảnh 3 tháng và số liệu tới 2 năm".
Nói về nguồn cơn sự việc, ông Phạm Văn Khôi cho hay: "Vừa rồi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ có yêu cầu nâng thời hạn lưu trữ hình ảnh lên 1 năm và lưu trữ số liệu lên 5 năm, dẫn tới cần thời gian thay thế, nâng cấp máy móc. Ngay sau khi được Tổng cục Đường bộ chấp thuận, chúng tôi đã ký hợp đồng với nhà cung ứng và tới thời điểm hiện nay đã hoàn thành rồi, chứ không chờ tới ngày 10/6 như hạn cuối của Tổng cục Đường bộ".
Ông Phạm Văn Khôi là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) - cổ đông chiếm 17% cổ phần trong doanh nghiệp dự án CTCP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Hai nhà đầu tư còn lại là CTCP Đầu tư Phát triển Minh Phát (65%) và Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1 - 18%).
Dự án đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức BOT có tổng mức đầu tư 6.269 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 nâng cấp, cải tạo yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, hệ thống an toàn giao thông, dải phân cách từ đường cũ gồm 4 làn xe lên tiêu chuẩn đường cao tốc, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, thu phí từ tháng 10/2015.
Giai đoạn 2 mở rộng hoàn chỉnh thành đường cao tốc 6 làn xe và xây dựng hệ thống đường gom hai bên song hành quy mô đường cấp 6 đồng bằng đến nay đã hoàn thành và đang được nghiệm thu.
Tháng 10/2017, Bộ GTVT thống nhất với nhà đầu tư điều chỉnh giảm 25% giá vé cho tất cả các loại phương tiện, đồng thời giảm thời gian hoàn vốn dự kiến của dự án từ 17 năm 2 tháng 18 ngày (ban đầu) xuống còn 15 năm 6 tháng 14 ngày.