Không có bản quyền Asiad vì VTV “nước đến chân mới nhảy”?
- Văn hóa - Giải trí
- 15:05 - 14/08/2018
Theo một nguồn tin của Lao Động, giá bản quyền truyền hình trọn gói của ASIAD 2018 mà đối tác KJSMWORLD CORP chào hàng VTV có giá từ 3-4 triệu USD. Với mức giá này, VTV đã lập tức “nói không”. Họ cũng cho biết, đây là với con số “trên trời”, quá đắt đỏ và không phù hợp với tình hình hiện nay của truyền hình Việt Nam.
Giống như World Cup, vấn đề bản quyền Asiad trở nên sôi động vào những ngày cận kề xảy ra sự kiện.
VTV cho rằng, họ bị ép giá và trong điều kiện kinh tế, VTV không thể mua bản quyền Asiad bằng mọi giá. Thế nhưng, nhiều nước trong khu vực vẫn có được bản quyền giải đấu danh giá nhất Châu Á với cái giá rất mềm. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ hay Philippines sở hữu bản quyền Asiad gần một năm trước khi sự kiện này xảy ra.
Đài truyền hình Cable TV của Hong Kong (Trung Quốc) đã trả 2 triệu USD để có được bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Trước đó, đối tác đã đưa ra mức giá lên tới 6 triệu USD cho Hong Kong. Tuy nhiên, cuối cùng hai bên đã chốt lại với mức giá chỉ bằng 1/3 so với ban đầu.
Asiad có sức hút không hề kém so với World Cup.
Với VTV, nếu hợp đồng đàm phán về bản quyền Asiad được đưa ra sớm và quyết liệt hơn, có lẽ họ đã không phải đối diện với cái giá quá cao từ đối tác.
Asiad là giải đấu thể thao danh giá nhất Châu Á. Việt Nam sở hữu những cái tên hứa hẹn gây sốt như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, đặc biệt là đội Olympic Việt Nam ở môn bóng đá nam. Bởi vậy, sức hút của Asiad không hề thua kém so với World Cup.
Còn với VTV, việc thẳng thắn tuyên bố không thể mua bản quyền Asiad, liệu họ đã làm hết tinh thần và trách nhiệm của một đơn vị có vai trò lớn nhất trong việc đưa về bản quyền giải đấu này?
Chia sẻ với Lao Động, bình luận viên Quang Huy cho biết, nếu Việt Nam không có được bản quyền Asiad thì đối tượng thiệt thòi nhất sẽ là người hâm mộ.
Asiad với sự góp mặt của nhiều cầu thủ Việt Nam sẽ là dịp để công chúng thể hiện tinh thần, tình yêu, niềm tự tôn dân tộc. Bởi vậy, VTV nợ công chúng một lời xin lỗi khi không thể sở hữu bản quyền chương trình.
Đã đến lúc VTV cần có một chiến lược dài hơi với FIFA (World Cup), UEFA (EURO), Hội đồng Olympic Châu Á (ASIAD) trong vấn đề sở hữu và khai thác bản quyền các chương trình. Điều này vừa tạo nên tính chuyên nghiệp vừa không đẩy người hâm mộ vào tình huống đáng tiếc.
Giải đấu Asiad đang đến rất gần. Đáng buồn thay, trong khi người hâm mộ đang háo hức và sẵn sàng cho tâm thế cổ vũ Olympic Việt Nam thì vấn đề bản quyền với câu chuyện giá cả lại trở thành rào cản.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc