THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

Quảng Nam: Không chờ dự án, dân tự trồng rừng dừa nước

 

Không trông chờ…

Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho biết, rừng dừa nước thôn Tịch Tây có từ hồi trước năm 1975, hệ sinh thái ngập mặn có nhiều loại cây như đước, dừa nước, mắm… Trước tình hình nước biển dâng, người ta thấy rằng cây dừa nước có tác dụng chống xâm nhập mặn, bảo vệ đồng ruộng. Đến nay diện tích rừng dừa nước có trên 30ha. Tất cả đều do nhân dân tự trồng, tự bảo vệ. Rừng ngập mặn được xem là một giải pháp thiên nhiên góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, tạo đê chắn sóng mềm, hạn chế xâm nhập mặn, giảm nhẹ hiệu ứng nhà kính, bảo vệ hệ sinh thái ven biển.

Toàn thôn Tịch Tây có 1.500 nhân khẩu, ít nhất 10 hộ có diện tích rừng dừa nước tự trồng, còn lại do thôn vận động người dân trồng thêm bảo vệ đất đai. Giá trị mà dừa nước mang lại rất lớn, “Mỗi hộ dân làm dừa nước, đan thành tấm khoảng 1m2 bán với giá trung bình 15.000 đồng/tấm, giá cao nhất đến 17.000 đồng/tấm”-Ông Đạt nói. Bình quân thu nhập 28 triệu đồng/năm/người, đối với nghề đan lá dừa nước cho mỗi hộ làm thêm với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Dừa nước thôn Tịch Tây

Bà Nguyễn Thị Tranh, thôn Tịch Tây, trồng 1ha dừa nước, với giá 17.000 đồng/tấm lá dừa, mỗi ngày bà đan gần 20 tấm, bán ra hơn 300 nghìn đồng. Người dân trồng dừa nước bằng kỹ thuật truyền thống, hơn 3 sào dừa nước của ông Bùi Hoàng mỗi lần bán dừa, cây 3 lá thì ông bán 2 lá, để lại 1 lá cho cây phát triển, dừa nước chỉ cần cắt sát bẹ lá thì tự nhảy cây con. Ông Hoàng cho rằng, việc ươm giống cây con tỷ lệ sống thấp hơn là tách bẹ lá cho cây tự nhảy.

Nhờ rừng dừa nước hơn 30ha, khu vực thôn Tịnh Tây không có hiện tương sạt lở, xâm nhập mặn, thậm chí, kết hợp với hồ đập ngăn mặn, nhiều năm nay, nước sông không còn nhiễm mặn, dừa nước vẫn sống tốt trong môi trường nước ngọt.

Ông Đạt cho biết, sắp tới sẽ tiến hành mở rộng diện tích dừa nước, đồng thời xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng rừng dừa nước.

Tự bảo vệ

Không tiền công, không hỗ trợ, nhưng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái gồm 17 người vẫn làm việc, tuần tra bảo vệ. Ông Nguyễn Tấn Huỳnh, Trưởng thôn Tịch Tây, vừa kiêm nhiệm Trưởng ban Quản lý, cho biết, những thành viên trong Ban, vừa làm hành chính xã, vừa quản lý rừng dừa, ngoài ra có những thành viên là người có diện tích dừa nước tham gia.

Mỗi tuần một lần, Ban quản lý kết hợp với công an xã, lực lượng dân phòng đi tuần tra trong rừng dừa bằng thuyền. Bốn chiếc thuyền của Ban quản lý cũng vốn là thuyền chống bão, thuyền ngư nghiệp của dân, mỗi chuyến tuần tra kéo dài gần 2 tiếng, phân chia đi khắp các luồng lạch của hơn 30ha rừng dừa. Việc tuần tra nhằm phát hiện tình trạng người dân đi bắt cá tôm, hủy hoại nguồn lợi thủy sản trong rừng dừa.

Dừa nước mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân

Ban quản lý cũng  đề ra quy định cấm đánh bắt cá bằng xung điện, chỉ được thả lưới 3, lưới 4, không đánh bắt cá nhỏ. Ông Huỳnh cho biết: “Khoảng 5 giờ chiều, người dân chuẩn bị thả lưới đến rạng sáng thì kéo lên, vì vậy, lực lượng tuần tra phải đi vào ban đêm. Mỗi chiếc thuyền 4 người, thuyền không sử dụng máy nổ, trên thuyền có một người chèo”.

Trường hợp phát hiện người dân sử dụng xung điện bắt cá, lực lượng tuần tra sẽ thu hiện vật, nhắc nhở không tái phạm. Nếu vi phạm nhiều lần sẽ đưa về công an xã, xử lý hành chính. Đồng thời, trong quy hoạch diện tích rừng dừa nước, người dân không được đào ao nuôi cá, không chặt phá, người dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

HUYỀN TRANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh