Không bầu “quan cách mạng”
- Tây Y
- 17:42 - 29/12/2015
Tại cuộc gặp gỡ cử tri trước thời điểm bầu cử một ngày, Người căn dặn: “Những ai muốn làm “quan cách mạng” thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”.
Chỉ một ngày sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 14-SL về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội. Sắc lệnh là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên về bầu cử, ghi nhận quyền chính trị cơ bản, tiến bộ của công dân một nước độc lập.
Trong cuốn Hồ Chí Minh - Người mang lại ánh sáng, ông Vũ Kỳ viết, trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ như nước Việt Nam ta hồi ấy. Ông kể, thấy một số đồng chí tỏ vẻ lo lắng cuộc tổng tuyển cử sẽ không có kết quả do trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp nhưng Bác Hồ với lòng tin tuyệt đối vào lòng yêu nước của nhân dân, Người đã khẳng định: “Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình, tổng tuyển cử nhất định thành công”.
Ngày 31/12/1945, Bác viết bài đăng trên báo Cứu quốc số 130. Bác kêu gọi: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nhà nước. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra quốc hội, quốc hội bầu ra chính phủ, chính phủ đó thật sự là chính phủ của toàn dân”.
Người dân bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I. Ảnh: TL
Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương “thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Bác và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Ngày 10/12/1945, danh sách ứng cử viên khu vực Hà Nội được niêm yết rộng rãi. Trong danh sách, Bác đứng thứ 2 sau cụ Ngô Văn Tố. Tất cả 74 ứng viên, chỉ chọn bầu lấy 6 đại biểu.
Mặc dầu tất cả ứng cử viên đã được đăng tiểu sử kèm theo ảnh trên báo nhưng cử tri còn muốn được trực tiếp nghe các ứng viên nói rõ chương trình hành động của mình. Đó là những cuộc tiếp xúc rộng rãi, diễn ra hết sức sôi nổi ở khắp mọi nơi, trong một khung cảnh thật sự tự do và dân chủ, giữa các cử tri và người ra ứng cử. Có khi chỉ có hai, ba ứng cử viên cũng tổ chức riêng một cuộc tiếp xúc để trình bày chương trình hành động của mình. Thậm chí như ở Hải Phòng, có ứng cử viên tự tổ chức lấy địa điểm, tự chuẩn bị cả loa phóng thanh cho cuộc gặp mặt. Việc ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên này cũng hoàn toàn tự nguyện, theo đúng lời Bác Hồ nói: “Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử”.
Chiều ngày 5/1/1946, Bác đến khu học xá (nay là trường Đại học Bách khoa) cùng các ứng cử viên để gặp gỡ các cử tri. Trước đông đảo quần chúng có mặt, Bác đã nói với các ứng viên: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung”. Hướng về các cử tri, Bác căn dặn: “Những ai muốn làm “quan cách mạng” thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”.
Trong lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử, Hồ Chí Minh hiệu triệu: “Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ… Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ. Kiên quyết chống bọn thực dân. Kiên quyết tranh quyền độc lập… Những người trúng cử, sẽ phải giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước quên lợi nhà. Vì lợi chung quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đã được tiến hành và thành công tốt đẹp trên phạm vi cả nước. Bất chấp sự phá hoại của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng của thực dân Pháp ở phía Nam, tỷ lệ đi bầu cử ở các địa phương vẫn đạt từ 65% đến 95% và đã bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội (Bắc Bộ: 152; Trung Bộ: 108; Nam Bộ: 73).
Ngày 2/3/1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Cũng như các đại biểu khác, Bác mang thẻ đại biểu số 305 mà lúc bấy giờ gọi là “giấy chứng minh”. Đúng 9 giờ, Bác và các thành viên Chính phủ liên hiệp lâm thời bước lên diễn đàn.
Nhân danh Chính phủ liên hiệp lâm thời, Bác đọc bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội: “Cuộc quốc dân đại hội lần này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Đó là một kết quả của cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, mà cuộc tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc” .
Số đặc biệt của báo Quốc hội ra trong ngày tổng tuyển cử. |
Tổng tuyển cử là cuộc đấu tranh chính trị tiếp diễn, quyết liệt của cách mạng Việt Nam sau khi giành được độc lập từ tay thực dân đế quốc, là việc khẳng định tính pháp lý của Nhà nước thực sự độc lập với thế giới, quyền tự quyết của một dân tộc độc lập. Tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên không chỉ là yêu cầu của tình thế cách mạng mà còn là sự khởi đầu mạnh mẽ của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, trước nhiều ý kiến lo ngại sự đổ vỡ của tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, khẳng định “nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình” và niềm tin đó đã được minh chứng. Đó thực sự là hình thức thể hiện mối quan hệ biện chứng về niềm tin giữa nhân dân với các thiết chế quyền lực trong một xã hội dân chủ. Theo PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, nếu không có cuộc tổng tuyển cử vĩ đại ấy, thử hỏi cơ chế nào, biện pháp nào tốt hơn để thu phục thù trong giặc ngoài mà không cần sử dụng bạo lực? Bầu cử tự do chính là khát vọng ngàn đời của người dân Việt và “bỏ được lá phiếu có chết cũng hả dạ”.
Ngày nay, bối cảnh tình hình sau 70 năm đã đổi khác song những giá trị của Quốc hội khóa I, của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vẫn luôn vẹn nguyên tính thời sự với rất nhiều bài học để lại cho Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế tục như việc xây dựng, thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri, về sự dám nghĩ, dám làm, hy sinh lợi ích cá nhân trước quyền lợi cử tri, đất nước.
Những quy định của các sắc lệnh về tổng tuyển cử ngày đó đã thể hiện triệt để nguyên tắc tự do bầu cử, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho mọi công dân có quyền bầu cử muốn ứng cử đều có thể thực hiện được trực tiếp và dễ dàng quyền tự do ứng cử, tự do vận động tranh cử của mình. Điều này lý giải tại sao trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, để bầu được 333 đại biểu đã có hàng nghìn người ứng cử và ở mỗi đơn vị bầu cử, số ứng cử viên gấp nhiều lần số đại biểu cần bầu (như ở thành phố Hà Nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử, được bầu 6 đại biểu nhưng có tới 74 ứng viên).
Việc đưa số dư cao như vậy đã tạo điều kiện để cử tri có quyền lựa chọn rộng rãi, quyết định bầu ai và không bầu ai. Về phẩm chất, tiêu chuẩn đại biểu, như lời Bác dặn “những ai muốn làm “quan cách mạng” thì nhất định không nên bầu”. Lời dặn của Bác ngắn gọn mà sâu sắc và thời kỳ nào cũng vậy, đó là phương châm cần nhớ của cử tri khi đi bỏ phiếu.