THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 09:47

Bối cảnh và những giá trị lịch sử của Hiến pháp 1946

 

Người viết: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.

Hai tuần sau, ngày 20/9/1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tháng 11/1945, Ban dự thảo đã hoàn thành công việc và bản dự thảo được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng vạn người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thể hiện khát vọng, mơ ước bao đời của nhân dân ta về độc lập và tự do.

 

Quốc hội khóa I họp tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), thảo luận và thông qua Hiến pháp 1946.

Sau tổng tuyển cử, ngày 2/3/1946, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày bản dự thảo Hiến pháp. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (Khoá I) đã thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người, là đại biểu của nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ban dự thảo có nhiệm vụ tổng kết các ý kiến đóng góp của nhân dân và xây dựng bản dự thảo cuối cùng để đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua. Ngày 28/10/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I đã khai mạc. Ngày 9/11/1946, sau hơn mười ngày làm việc khẩn trương, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240 phiếu thuận, 2 phiếu chống.

Tại thời điểm Quốc hội thông qua Hiến pháp, thực dân Pháp phản bội các hiệp định đã ký kết với Chính phủ ta, chúng không ngừng khiêu khích và tấn công bằng vũ lực hòng lập lại ách thống trị ở Việt Nam và Đông Dương. Trước tình hình đó, trong phiên họp ngày 9/11/1946, sau khi tuyên bố Hiến pháp đã trở thành chính thức, Quốc hội ra Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội cùng với Chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện thuận lợi. Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong điều kiện chưa thi hành được Hiến pháp thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã quy định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Do hoàn cảnh chiến tranh mà Hiến pháp 1946 không được chính thức công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân không có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn dựa vào tinh thần và nội dung của Hiến pháp 1946 để điều hành mọi hoạt động của Nhà nước.

Nhìn lại việc soạn thảo và thông qua Hiến pháp thời kỳ đó cho thấy, trong điều kiện thù trong giặc ngoài chống phá khốc liệt, thế nước “nghìn cân treo sợi tóc” nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội và Bác Hồ đã quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng Hiến pháp. Kể từ khi Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp (ngày 20/9/1945) đến khi công bố dự thảo Hiến pháp trước toàn dân chỉ mất chưa đầy hai tháng. Và từ khi dự thảo công bố đến khi Quốc hội biểu quyết, thông qua cũng chỉ gói lại trong khoảng 1 năm. Có thể nói, đây là bản Hiến pháp được xây dựng, thông qua với thời gian rất khẩn trương. Cần thấy rằng, như bản Hiến pháp 2013, chủ trương xây dựng và soạn thảo đã đưa ra từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (năm 2011), đến cuối 2012 công bố lấy ý kiến nhân dân và cuối 2013 chính thức thông qua. Trong khi đó, Hiến pháp 1946 phải xây dựng mới hoàn toàn, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ nhưng chỉ trong một năm, bản Hiến pháp đã được xây dựng, thông qua với rất nhiều tư tưởng tiến bộ mang tầm thời đại. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, Hiến pháp 1946 sau khi thông qua chưa kịp ban hành thì chiến tranh bùng nổ, cho nên có nhiều điều chưa đi vào đời sống. Tuy nhiên nó chứa đựng những tư tưởng, định hướng lớn để chúng ta có thể phát triển lâu dài. “Là người làm sử, tôi cho rằng cái lớn nhất của bản Hiến pháp 1946 là nó tiếp cận được với cơ chế chính trị có thể nói hiện đại nhất khi đó, mặc dù chúng ta vừa mới thoát thai ra khỏi chế độ phong kiến, thuộc địa. Đó là nền tảng chính trị dân chủ cộng hoà. Từ đó, chúng ta đã qua nhiều lần thay đổi hiến pháp, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao Hiến pháp phải có sức sống bền vững. Do hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh, từ năm 1959 trở đi, trung bình cứ 20 năm chúng ta thay đổi hiến pháp một lần. Rõ ràng qua mỗi thời kỳ, đất nước đã có rất nhiều thay đổi” – ông Dương Trung Quốc đánh giá.

Hiến pháp năm 1946 bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Lời nói đầu xác định nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Lời nói đầu đã xác định ba nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp. Đó là nguyên tắc đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Toàn bộ 7 chương của Hiến pháp đều được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cơ bản đã nói trên. Chính ba nguyên tắc này đã thể hiện ba đặc điểm cơ bản của Hiến pháp 1946. Xây dựng trên nguyên tắc đoàn kết toàn dân, Điều I của Hiến pháp viết: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền hành trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Các nhà nghiên cứu đánh giá, đây là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam. Lần đầu tiên ở nước ta cũng như ở Đông Nam Á, một nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam ra đời hình thức chính thể là cộng hoà. Đó là bước ngoặt lớn trong sự phát triển của tư tưởng dân chủ, quy định trên đây cũng đề cao tính dân tộc của Nhà nước. Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên do Bác Hồ khai sinh là Nhà nước độc lập của một dân tộc hơn 80 năm đấu tranh để giành lại chủ quyền cho đất nước, phá bỏ ách áp bức của thực dân và phế bỏ chế độ vua quan. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, chúng ta không chỉ có sự tham gia của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức mà còn có sự tham gia của những người xuất thân từ tầng lớp địa chủ, tư sản nhưng yêu nước. Vì thế, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên của ta là Nhà nước đoàn kết toàn dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.

Tuân thủ nguyên tắc “đảm bảo các quyền tự do dân chủ”, Hiến pháp có 7 chương thì chương II dành cho chế định công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân Việt Nam được đảm bảo có quyền tự do, dân chủ. Hiến pháp 1946 là một bản Hiến pháp dân chủ rộng rãi. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân được pháp luật ghi nhận (Điều 6, 7) và cũng lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, phụ nữ được ngang quyền với nam giới trong mọi phương diện. Với bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, công dân Việt Nam được hưởng quyền bầu cử, ứng cử, nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra khi họ không tỏ ra xứng đáng với danh hiệu đó.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh