"Không bao giờ Chính phủ lại làm xấu đi tình trạng của người lao động"
- Tây Y
- 00:09 - 25/10/2019
Khi kinh tế phát triển hơn, năng suất lao động cao hơn thì có phương án giảm giờ làm phù hợp.
Liên quan đến vấn đề mở rộng khung thoả thuận, thời giờ làm thêm tối đa, đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) tán thành lựa chọn phương án thứ nhất, tức là giữ khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa như quy định của luật hiện hành. Ông Đức cho rằng, nhu cầu cho người lao động làm thêm giờ chủ yếu xuất phát từ phía người sử dụng lao động, tập trung vào thời điểm mùa vụ phải hoàn tất hợp đồng. Do đó, việc quy định nâng thời gian làm theo giờ, theo tháng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như hiện nay đã tháo gỡ cơ bản nhu cầu trên của doanh nghiệp. Mặt khác, việc bảo vệ sức khoẻ cho người lao động cũng là một yêu cầu rất quan trọng của luật này. Với việc khống chế thời gian làm thêm giờ tối đa không để người lao động làm thêm quá mức, quá nhiều giờ để có thời gian tái tạo sức lao động, bảo đảm an sinh xã hội, với quy định như phương án 1 là hài hoà giữa lợi ích của doanh nghiệp với người lao động.
Trong khi đó, đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) lại lựa chọn phương án 2 và cho rằng, mở rộng khung làm thêm giờ trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, khi nền kinh tế Việt Nam mới chỉ là nền kinh tế đang phát triển, năng suất, chất lượng nguồn lao động chưa cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Việc mở rộng khung làm thêm giờ không chỉ xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế mà còn là nhu cầu của người lao động để tăng thu nhập. Với phương án này có thể thấy rõ tác động về sức khoẻ, tinh thần của người lao động, nhưng Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động và việc tăng giờ làm thêm chỉ được áp dụng đối với một số ngành nghề và trong trường hợp đặc biệt, không phải tăng ở tất cả các ngành nghề. Bà Hoa đề nghị Chính phủ có quy định đảm bảo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giờ làm thêm. Chính phủ cũng cần tiếp tục nghiên cứu để hướng tới xu hướng tiến bộ tăng lương, giảm giờ làm, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn, năng suất lao động cao thì có phương án giảm giờ làm phù hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) và Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) cũng thống nhất với phương án 2 do Chính phủ trình là được làm thêm giờ không quá 400 giờ trong 1 năm, trong một số trường hợp đặc biệt với điều kiện được sự đồng ý của người lao động và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức giờ làm thêm. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, luật cần quy định cụ thể các trường hợp này đảm bảo sản xuất và nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập của người lao động cũng như đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức lao động.
Liên quan đến một số ý kiến đại biểu đề nghị giảm giờ làm thêm bình thường trong tuần từ 48h xuống còn 44h, cả đại biểu Phạm Văn Hòa và Nguyễn Thanh Xuân đều đề nghị giữ như quy định hiện hành là thời giờ làm việc hàng tuần là 48 giờ. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, cũng cần có lộ trình giảm giờ làm sau này tuỳ theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và giao cho Chính phủ quy định, còn đại biểu Nguyễn Thanh Xuân thì cho rằng, khi nào có đánh giá tác động toàn diện đầy đủ về kinh tế - xã hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Người lao động và người sử dụng lao động phải cùng chia sẻ, hợp tác
Lựa chọn cách dung hòa giữa các phương án đưa ra, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) "hiến kế": "về việc bây giờ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giờ làm việc của chúng ta hiện nay là 48 giờ/tuần, do nhiều đại biểu đề nghị xuống 44 giờ hoặc 40 giờ, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chúng ta chưa đánh giá một cách toàn diện cho nên chúng ta chưa nên vội giảm. Để giải quyết vấn đề này, tại khoản 4 Điều 105 Ban soạn thảo đưa vào một điều tôi thấy rất hay, đó là tại khoản 4 "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc là 40 giờ", quan điểm của tôi nếu trung hoà thêm cái này thì tôi đề nghị triển khai thêm một khoản 5 của Điều 105, đó là "giao cho Chính phủ có lộ trình phù hợp để giảm thời gian lao động xuống dưới 48 giờ/tuần". Điều này có hai lợi ích: Lợi ích thứ nhất, rõ ràng quan điểm của Quốc hội là dứt khoát phải dưới 48 giờ, không thể tăng thêm 1 tuần. Lợi ích thứ hai, đó là hiện nay Chính phủ đã quy định trong khu vực nhà nước làm việc 40 giờ thôi. Như vậy, chúng ta giải quyết được cả hai vấn đề này là rất phù hợp." ông Cầu phân tích.
Nhấn mạnh đến việc phải xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre cho rằng, đây là một trong những mục tiêu rất quan trọng của Bộ Luật lao động. "Hài hoà và ổn định có nghĩa là người lao động và người sử dụng lao động phải cùng chia sẻ, cùng hợp tác, cùng hưởng thành quả của lao động. Chỗ này Luật Lao động có trách nhiệm phải thiết kế các khung trần và khung sàn. Tôi cho rằng về điểm này chúng ta cố gắng làm sao đó để đảm bảo, nếu không Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bảo phải hạ thấp xuống, còn Chính phủ bảo phải nâng lên. Xin báo cáo Quốc hội là không bao giờ Chính phủ lại làm xấu đi tình trạng người lao động của mình. Đây là trách nhiệm của Chính phủ mà Chính phủ chịu trách nhiệm trước Đảng. Chúng ta phải lưu ý khi thiết kế các quy định này, lập trường của Chính phủ phải đứng trên lập trường, quan điểm của Đảng, chính sách chúng ta đang có và chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế. Nếu chúng ta thiết kế các quy định để làm hài lòng một số đối tượng tôi cho rằng như thế không phù hợp", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.