Không ai như Long Nhật thi rớt đại học lại “mừng rơi nước mắt”
- Văn hóa - Giải trí
- 13:45 - 27/06/2020
Long Nhật sinh năm 1967, từng là ca sĩ của đoàn ca nhạc Hải Đăng (Nha Trang). Sau này, anh rời khỏi Đoàn vào TP HCM làm ca sĩ tự do. Nam ca sĩ nổi tiếng với hàng loạt ca khúc về Huế: Mấy nhịp cầu tre, Tình Huế, Tóc em đuôi gà, Về quê ngoại…
Chuyện cuối tuần, Long Nhật cho biết, anh làm ca sĩ đã 30 năm. Từ khi mới sinh ra, Long Nhật đã có năng khiếu ca hát. Theo lời cha mẹ anh kể lại, khi biết nói, Long Nhật đã biết hát. Từ nhỏ, anh đã tham gia sinh hoạt ở Nhà văn hóa thiếu nhi Huế, hát cho Đài Truyền hình Huế. Tuy nhiên, ba anh không thích anh đi theo con đường này nên khi học lớp 9, Long Nhật bị ba bắt lên Buôn Mê Thuột ở cùng chú ruột làm nghề dạy toán ở đó. Tuy nhiên, Long Nhật không vì thế mà bỏ niềm đam mê ca hát. Trong một lần sinh hoạt lớp, khi cô giáo hỏi các bạn trong lớp thích làm nghề gì, Long Nhật đã ghi vào tờ giấy khiến cô giáo bất ngờ: “Em muốn làm ca sĩ nổi tiếng”.
Lớn lên, Long Nhật học rất khá về môn Văn, gia đình anh cũng có truyền thống về văn học, vì thế ba của Long Nhật hướng cho anh thi vào Sư phạm. Không thể cãi lại lời ba, Long Nhật cũng nộp đơn và thi vào trường. Tuy nhiên, khi nhận tin báo thi… rớt, anh cho biết “mừng rơi nước mắt” bởi đi thi chỉ là để đối phó với ba.
Thi trượt đại học, Long Nhật trở lại về Huế, làm ở Sở Giao thông vận tải. Hàng ngày, anh làm kế toán, còn khi có đợt thi văn nghệ của ngành, Long Nhật đại diện cho Sở đi thi. Thời ấy, ca sĩ Quang Linh nổi tiếng cũng là nhân viên của một ngân hàng tại Huế. Khi đó Long Nhật và Quang Linh biết nhau vì cùng nổi tiếng trong phong trào văn nghệ không chuyên của tỉnh nhà. Theo lời nam ca sĩ, những lần được ra sân khấu hát, anh rất vui, chỉ mong giây phút đứng trên sân khấu thật lâu, rồi đêm về không ngủ được, mơ lại được đứng trước ánh đèn sân khấu, hát cho khán giả nghe.
Từng đoạt nhiều giải thưởng văn nghệ không chuyên nên sau đó, nam ca sĩ quyết định bỏ ngành, chuyển sang một đoàn văn công để có điều kiện được đi diễn nhiều hơn. Đó là đoàn ca múa Hương Giang (Huế). Dù thời ấy, cát-sê không cao, những buổi không diễn thì được phát tiền cơm, còn đi diễn chỉ được chút ít tiền bồi dưỡng, khoảng 10 ngàn đồng nhưng Long Nhật vẫn rất vui và hạnh phúc vì cảm thấy mình được sống đúng với đam mê.
Không dừng lại ở đoàn ca múa của tỉnh, Long Nhật quyết định chuyển sang nơi khác chuyên nghiệp hơn, đó là Đoàn ca múa Hải Đăng (Nha Trang). Bị ba mẹ phản đối, Long Nhật hứa với ba là sau 2 năm nếu không nổi tiếng thì anh sẽ về lại quê nhà. Rất may là sau đó không lâu, khi đi thi hội diễn, anh được giải cao với ca khúc Mấy nhịp cầu tre và từ đó được nhiều người biết đến.
Nói về cát sê khi đi hát, nam ca sĩ chia sẻ: Cát-sê cao nhất anh từng nhận được là hát cho một show đám cưới ở Bắc Kạn, khi đó một người chị chủ nhà đã mời anh đến, “chê” chiếc túi anh đang dùng sao “xấu thế” và đưa cho anh một chiếc túi hiệu, trong đó có… 500 triệu là cát-sê show diễn. Sau này, cũng chính gia đình người chị này đã giúp đỡ và ủng hộ Long Nhật trong rất nhiều bước đường sự nghiệp.
Không được học hành bài bản vẫn trở thành ca sĩ nổi tiếng, Long Nhật cho biết, thực ra, anh cũng có luyện thanh, có học các lớp về thanh nhạc, tuy nhiên, anh cảm thấy mình tiếp thu chậm về nhạc lý, khi học các nốt nhạc, anh thấy rất mệt mỏi nên muốn hát thiên về cảm xúc. Sau này, anh mới nhận ra, ca sĩ được học hành bài bản có nhiều thuận lợi hơn, đó là có nền tảng vững chắc và sẽ giữ được giọng hát lâu hơn, bền hơn.
Cùng lứa với Long Nhật, có khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay cũng không học qua trường lớp mà vẫn rất thành công như: Đàm Vĩnh Hưng, Vũ Hà, Phương Thanh, Quang Lê, Quang Dũng. Trước đó, có hai người chị mà Long Nhật rất ngưỡng mộ vì cũng sở hữu giọng hát đầy cảm xúc dù không tự học, đó là Bảo Yến và Nhã Phương.
Long Nhật cũng cho biết, thời của anh, khi thi cuộc thi ca múa nhạc đầu tiên, anh từng được chấm cho 10 điểm nhưng bị nhiều người phản đối vì không học hành bài bản, tuy nhiên nhờ có NSND Thu Hiền bảo vệ mà anh vẫn giữ được điểm tuyệt đối. Trong quá trình đi hát, anh nhận thấy, có những người học hành từ trường lớp ra nhưng hát thiên về kĩ thuật, khiến người nghe bị mệt. Song dù vậy, anh cũng không phủ nhận vai trò của việc học hành đối với ca sĩ.
Về các ca sĩ trẻ hiện nay, Long Nhật nêu quan điểm, anh thấy rất nhiều bạn trẻ theo đuổi con đường nghệ thuật, tuy nhiên, không phải tất cả đều xuất phát từ đam mê nghệ thuật cháy bỏng như anh trước kia. Không hiếm nghệ sĩ hiện nay vào showbiz vì ham mê danh vọng phù phiếm, vì thích nổi tiếng và kiếm nhiều tiền. Vì thế, khi xảy ra sự cố gì, các nghệ sĩ đó rất nhanh chóng bỏ showbiz mà không tiếc nuối vì: “Có chồng giàu, vợ giàu nên bỏ nghề cũng không sao. Còn với thế hệ chúng tôi, hát là một điều gì đó hết sức thiêng liêng. Khi hát mới khiến chúng tôi thực sự được sống”.