THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:40

Dân tái định cư công trình thủy điện thiếu đủ thứ

 

Làng thiếu đủ thứ

Nhiều dự án thủy điện trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum cho thấy việc quy hoạch khu tái định cư không tính đến phương án lâu dài tách hộ lập vườn khiến chỉ sau một thời gian ngắn vùng quy hoạch rơi vào tình trạng thiếu đất. Không phá rừng thì thiếu đất sản xuất, thiếu đói, phá rừng thì ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường quốc gia. Đây là bài học nan giải ở xã Đắk Roong hiện nay.

 

 Làng tái định cư Vi Rin, xã Đắk Tăng huyện Kon Plông, Kon Tum.


Vượt hơn 50km với đường dốc núi hiểm trở từ thị trấn huyện Kbang, chúng tôi đến Làng Kon Lanh Te (xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai) - khu tái định cư của hồ thủy điện Vĩnh Sơn (Công ty CPTTĐ Vĩnh Sơn- Sông Hinh). Sự thiếu thốn đập ngay vào mắt chúng tôi khi đến cổng làng là nơi vui chơi của trẻ em toàn những thanh gỗ đóng tạm bợ đã mục, những miếng tôn cũ rỉ sét bị nước mưa thấm qua...

Vào trong thôn gặp Anh Đinh Văn Vào (26 tuổi) đang ngồi uống rượu với hai người bạn. Hỏi sao không đi làm, anh Vào lắc đầu ngao ngán: “Có đất đâu mà làm? Được hơn 3 sào cà phê quả mới ra quả xanh đã héo khô vì không có nước tưới. Dạo trước, bạn mình cũng vì thiếu đất mà đi phá rừng, bị bắt đi tù rồi. Còn mới đây, bà con gieo bắp trồng mì trên đất rừng, ngọn mới lên cỡ một gang tay thì cán bộ lâm trường vào cuốc hết”. Anh Vào kể, mỗi đợt tiếp xúc cử tri, dân làng thắc mắc ngày xưa cán bộ dự án thủy điện hứa không phải mua nước, bây giờ mỗi tháng đều phải mua nước. Nhiều người không có tiền phải đi bộ gùi nước suối cách nhà hơn 2km. Mùa mưa còn đỡ, mùa khô đến thì phải đợi hàng giờ đồng hồ mới lấy được một can 10 lít. Nghe bạn nói, anh A Cen chen ngang: “Thủy điện xây cho cái nhà to, nhưng không có đất trồng lúa. Bụng đói, dân làng không thích đâu!”.

 

“Khu vui chơi” của trẻ em làng Kon Lanh Te, xã Đắk Roong.


Theo chủ tịch UBND xã Đắk Roong Đinh Nao, trước đây, làng Kon Lanh Te có 45 hộ dân, vì tái định cư mà tăng lên 75 hộ. Cũng nằm trong khu tái định cư của hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn. Gần đây còn có làng Kon Von hơn 30 hộ dân. Dân cả 2 làng đều thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt, tưới tiêu.

Việc giao sản xuất cho nhân dân hạn chế, người dân chưa khai thác được tiềm năng đất sản xuất được giao, hỗ trợ đầu tư sản xuất cho người dân còn thấp, chưa đồng bộ trong điều kiện đất sản xuất còn mới, trình độ kỹ thuật của người dân thấp, lại thiếu vốn đầu tư dẫn đến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của huyện Kon Plôn, tỉnh Kon Tum về tình hình thực hiện công tác tái định cư dự án thủy điện Đắk Drinh trên địa bàn, 106 hộ dân tái định cư hai thôn Đắk Tăng, Vi Ring của xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông sẽ được cấp 1.000m2 đất ở và 1 ha đất nông nghiệp tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CPTTĐ Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ông A Lek (thôn Đắk Tăng) cho biết, ông về đây từ năm 2015, nhưng chỉ mới được xây nhà và cấp đất ở còn 1 ha đất nông nghiệp vẫn chưa thấy. Nhà ông còn có 4 sào lúa nhưng phải đi bộ gần 3 giờ đồng hồ mới đến.

 

Bồn chứa nước của khu tái định cư hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn.


Dự án thủy điện Đăk Drinh do công ty cổ phần thủy điện Đăk Drinh - Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam đầu tư, có công suất 125MW, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư đang còn thiếu vốn khoảng 95 tỷ đồng (bồi thường, hỗ trợ tái định cư 70 tỷ đồng, định canh 25 tỷ đồng). Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, UBND tỉnh Kon Tum nêu rõ: Công ty cổ phần thủy điện Đăk Drinh phải khẩn trương bố trí kinh phí còn thiếu để tỉnh Kon Tum hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định canh, định cư cho 192 hộ, 843 khẩu của hai xã thuộc huyện Kon Plông. Do cuộc sống quá khó khăn, 34 hộ dân đã phải bỏ khu tái định cư về làng cũ trên sườn núi có nguy cơ sạt lở cao, rất nguy hiểm khi trở về sinh sống.

Nên có quỹ đất cho dân 

Thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng. Dự án đã chuyển mục đích sử dụng 382,29 ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn, công suất 220 MW. Dự án thủy điện Đắk Ble của Doanh nghiệp tư nhân Đức Tài (TP. Pleiku, Gia Lai) có công suất 5MW, tổng số vốn dự kiến hơn 123,5 tỷ đồng. Khi thi công, dự án sẽ lấy hơn 96 ha đất, trong đó gần 58,5 ha rừng tự nhiên. Dự án thủy điện Krông Pa 2 của Công ty cổ phần Gia Lâm công suất 15MW, kinh phí hơn 415 tỷ đồng. Dự án này sẽ lấy khoảng 52 ha, trong đó gần 11 ha đất rừng sản xuất.

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn của người dân tái định cư trên địa bàn, ông Phạm Xuân Trường - Phó chủ tịch UBND huyện Kbang than phiền: Để xóa nghèo, vấn đề đất sản xuất cho nông dân là cốt lõi. Vấn đề này chưa giải quyết được thì người dân vẫn nghèo. Hiện tại, huyện mới chỉ hỗ trợ cho các làng tái định cư 9 con bò, chỉ đạo các xã vận động làm chuồng bò, không để bà con cột ngoài trời, bò dễ mắc bệnh. Phía dự án thủy điện lẽ ra khi làm xong phải quan tâm củng cố kinh tế cho các hộ dân nghèo, chứ không phải chỉ đến tặng quà tết với vài chục ký gạo cho mỗi hộ là xong. Làm gì thì làm, tất cả các công trình thủy điện phải quan tâm đến người dân và môi trường sinh thái.

 

 Hồ chứa nước của thủy điện Vĩnh Sơn.


Ông Trương Văn  Minh - Phó Ban quản lý dự án di dân tái định canh, định cư huyện Kon Plông cho biết: Huyện với tỉnh cũng đã tính toán phương án lập quỹ đất dự phòng cho các khu tái định cư, bởi chỉ vài ba năm sinh sống dân số sẽ tăng lên. Tái định cư phải giúp họ sống ấm no, ổn định hơn nơi ở cũ.

Theo PGS.TS Nguyễn Danh (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Gia Lai), tại các dự án thủy điện lớn, ngoài hội đồng đánh giá chuyên môn, nên có sự phản biện độc lập, khách quan của những nhà khoa học trên địa bàn và phải lắng nghe ý kiến của người dân, bởi họ sẽ trực tiếp chịu đựng những tác động của thủy điện đến môi trường. Rất nên có quỹ đất dự phòng cho người dân yên tâm tái định cư, không lấn chiếm đất rừng làm rẫy.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh