CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:30

Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt

Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không chủ trì tổ chức ngày 24/2 đã đi sâu thảo luận, phân tích những điểm nghẽn của ngành hàng không nội địa ở thời điểm hiện tại, qua đó kiến nghị những giải pháp về cơ chế, chính sách để toàn ngành tăng tốc phát triển trong tương lai.

13

 Toàn cảnh Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt”

Khả năng phục hồi "mong manh"

Phát biểu tại sự kiện, ông Trịnh Ngọc Thành – Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, năm 2022, tổng thị trường vận tải hàng không nội địa tăng 13% so với 2019. Tuy nhiên, tổng sản lượng bay quốc tế chỉ hồi phục đạt 50% của 2019.

“Các hãng bay nội địa bị áp thêm thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhà thầu, dẫn tới đầu vào cao hơn mặt bằng giá quốc tế. Chính sách giá vé quốc tế tự do, nhưng nội địa lại bị kiểm soát, nên hiệu quả bay quốc tế đang tốt hơn nội địa" - ông Trịnh Ngọc Thành nhấn mạnh. 

Nhìn nhận về tình hình khách quan ảnh hưởng đến ngành hàng không nói chung, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng tình hình thế giới rất bất định và khó dự báo trước, không thể tác động mà chỉ có thể theo dõi. Những biến động nói trên cũng kéo theo giá dầu bất ổn, không dự báo được xu hướng tăng hay giảm. Bối cảnh này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các hãng hàng không, đặc biệt là khi các hãng bay đang phải kết nối với nhiều đối tác quốc tế.

12

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương 

Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, 5 nguyên nhân lớn nhất gây nên khó khăn tài chính đối với các hãng hàng không bao gồm: Dịch bệnh; Suy thoái kinh tế; Quá tải các cảng hàng không; Cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt; Và giá nguyên nhiên liệu và chi phí đầu vào, tỉ giá, lãi suất tăng cao trong khi cơ chế điều hành chưa theo kịp thị trường.

"Chúng tôi đánh giá sơ bộ khả năng phục hồi của hàng không Việt đến cuối 2023 vẫn còn mong manh và chỉ đạt khoảng 85%. Đến giữa và cuối năm 2024 mới có thể phục hồi 100%. Khả năng cắt lỗ của các doanh nghiệp là rất khó" - ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Cần công thức điều hành giá mới

Làm rõ hơn về khoảng cách giữa cơ chế định giá và thực tiễn ứng dụng trong ngành hàng không, GS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, chỉ ra rằng giá cả hàng không có sự khác biệt với giá hàng hoá thông thường. Giá cả hàng không, xét về mặt cấu trúc tạo nên chi phí thì phức tạp, và các yếu tố này có biến động ngoài tầm kiểm soát của các hãng, ví dụ như giá nhiên liệu, tỷ giá, giá nhân lực...

16

GS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại toạ đàm. 

“Rất ít nước còn áp dụng giá trần như Việt Nam. Sớm hay muộn cũng nên bỏ giá trần, thay bằng một công thức điều hành giá đủ rộng, để đảm bảo mức độ cạnh tranh phù hợp” - ông Trần Thọ Đạt so sánh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lương Hoài Nam - Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi, nhận định rằng việc duy trì trần giá vé máy bay là "rất vô lý". Ông cho rằng sự vô lý này cần chấm dứt càng sớm càng tốt, vì ba lý do.

Thứ nhất, hiện tại trên thế giới không còn nước nào quản lý bằng giá trần với mô hình tương tự như Việt Nam. Trung Quốc có quản lý giá vé máy bay nội địa, nhưng không theo cơ chế giá trần, mà là giá vé do nhà nước phê duyệt. Hầu hết các nước đều đã để thị trường tự điều tiết giá vé.

Thứ hai, việc áp dụng giá trần tước đi cơ hội khai thác thương mại hiệu quả trong các giai đoạn cao điểm. Một năm chỉ có hai giai đoạn cao điểm là hè và Tết, thời gian cũng chỉ ngắn ngủi. Trong đó, giai đoạn Tết chỉ có cao điểm một chiều, chiều còn lại thường vắng khách.  

Thứ ba, giá trần vô hình trung kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Thị trường luôn có đối tượng không nhạy cảm về giá. Bên cạnh đó, thị trường nội địa ưa chuộng giá vé hấp dẫn, càng nhiều vé giá rẻ càng tốt, nên việc khống chế giá trần làm số vé rẻ ít đi.

“Bây giờ, đường bay nào cũng có vài hãng hàng không bay. Do đó, tôi kiến nghị sửa luật dẫn đến bỏ trần giá vé bay nội địa. Một thị trường quyết định theo nguyên tắc kinh tế thị trường mới là thị trường lành mạnh, bền vững” - TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

"Món quà của thị trường"

Kiến nghị về giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân – Tổng Giám đốc Bamboo Airways – nêu ra ba nhóm giải pháp: Nâng cao cạnh tranh điểm đến, hỗ trợ ngành du lịch thông qua chính sách visa; bỏ giá trần trong dài hạn; và điều chỉnh giá trần trong ngắn hạn.

5 (1)

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng Giám đốc Bamboo Airways nêu ra ba nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không

Tổng Giám đốc Bamboo Airways dẫn chứng nhiều số liệu cho thấy sự chênh lệch trong các điều kiện đầu vào của giá vé máy bay trong 8 năm vừa qua. Cụ thể, giá nhiên liệu bình quân tăng 45%, tỉ giá tăng 68%, giá phục vụ mặt đất ở nước ngoài tăng hơn 200%, bên cạnh đó là các yếu tố về chi phí, nhân sự. Thêm vào đó, 80% chi phí của các hãng hàng không sử dụng đồng ngoại tệ biến động theo tỉ giá...

19

"Các đường bay có từ hai hãng hàng không khai thác trở lên, giá vé nên trả về với cơ chế thị trường” - ông Nguyễn Mạnh Quân nêu quan điểm với hội nghị và các cơ quan báo chí.

Xem xét về yếu tố quyền lợi của người tiêu dùng, lãnh đạo Bamboo Airways khẳng định, việc bỏ hoặc nâng giá trần không ảnh hưởng, vì các hãng có cơ hội xây dựng đa dạng chính sách giá, khiến thị trường phát triển lành mạnh hơn. Xét cho cùng, các hãng không thể bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình xây dựng, cung ứng sản phẩm.

Hiến kế để ngành hàng không có những bước đi vững chắc trong việc tháo bỏ cơ chế giá, chuyên gia Trần Thọ Đạt khuyến nghị Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước, để đảm bảo các hãng hàng không phát triển bền vững, lâu dài.

“Việt Nam có 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, nhu cầu di chuyển trong và ngoài nước đều lớn, đầy đủ điều kiện để các hãng bay Việt Nam trở thành thế lực trong khu vực. Để làm được điều này, cần đảm bảo cơ chế bình đẳng, minh bạch để các hãng phát triển, bởi cạnh tranh là món quà của thị trường. Tiếp nữa là phải đảm bảo quyền lợi của người dân Việt Nam, được tiếp cận giá dịch vụ chấp nhận được” -  ông Trần Thọ Đạt khẳng định.

Tiến Luyến

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh