Khởi nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam
- Văn hóa - Giải trí
- 12:33 - 20/06/2022
Báo Thanh niên mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam
Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện cách mạng cho thanh niên Việt Nam, cải tổ Tâm Tâm xã, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và đặc biệt là ra tờ báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Ban đầu dự định xuất bản hàng tuần, nhưng do khó khăn khách quan nên không đều kỳ. Thông thường, mỗi số có 2 trang hoặc 4 trang, khổ giấy 18x24cm - khổ giấy thông dụng bấy giờ ở Quảng Châu có thể mua được một cách dễ dàng. Về hình thức, phía trên trang nhất trong khung chữ nhật có tên báo bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, ở giữa có ghi số báo, phía dưới tên báo ghi ngày, tháng, năm ra báo. Mỗi kỳ báo in khoảng 100 bản tại Quảng Châu. In xong, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến Thượng Hải hoặc Hồng Kông, để từ đó nhờ vào hệ thống giao thông liên lạc trên các tàu thuỷ, báo Thanh Niên sẽ được chuyển một cách bí mật về nước.
Báo Thanh Niên được viết bằng bút sắt nhọn trên giấy sáp và in theo lối rônêô. Cách in này cũng chỉ cho phép in được 100 bản rõ nét. Phương pháp cải tiến chữ viết của Nguyễn Ái Quốc như: Dùng chữ z thay cho d, chữ d thay cho đ, chữ f thay cho ph, chữ k thay cho c... và nhất là cách rút gọn chữ này ngoài việc tiết kiệm được chữ, còn gây cho người đọc một ấn tượng đổi mới, cách mạng và độc đáo chỉ riêng tờ Thanh Niên bấy giờ mới có. Báo có các chuyên mục phong phú như: Xã hội, bình luận, tân văn, vấn đáp, thi ca, phê bình, trả lời bạn đọc...
Tham gia viết bài cho Thanh Niên, ngoài lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ lực, là linh hồn của tờ báo, người ta thỉnh thoảng còn thấy có các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm... Nội dung chủ yếu của báo Thanh Niên nêu lên vấn đề đoàn kết: Đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc. Báo còn nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta trong suốt quá trình lịch sử. Ngoài vấn đề tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, báo còn đề cập một cách khái quát những vấn đề đường lối của cách mạng Việt Nam. Có thể nói, Thanh Niên rất xứng đáng với danh hiệu là “người tuyên truyền cổ động và tổ chức tập thể” như V.I.Lênin đã nói.
Ngày 2/6/1950, Chính phủ ta chính thức quyết định cho thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí Quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan, đã công nhận “Hội những người viết báo Việt Nam” là thành viên chính thức của tổ chức này. Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng. Theo đó, ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi Ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Báo chí cách mạng Việt Nam song hành cùng sự phát triển của đất nước
Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, báo chí cách mạng đã có đóng góp rất tích cực trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
97 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức, thực sự là vũ khí sắc bén, ngọn cờ chính trị - tư tưởng của Đảng. Ngược với luận điệu của các thế lực thù địch thường rêu rao, vu khống rằng Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí bị cấm đoán hoạt động, chúng ta có quyền tự hào trước sự khởi sắc tích cực của lực lượng báo chí nước nhà:
Hiện cả nước có 779 cơ quan báo chí, tạp chí in, trong đó có 142 báo (612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập) với 21.132 nhà báo. Nhìn chung, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Đánh giá vai trò của báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh và cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới; đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào. Kịp thời phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, những thói hư tật xấu trong xã hội; phê phán, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin về chủ quyền biển đảo, thông tin tuyên truyền đối ngoại, thông tin về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, về các giá trị văn hóa truyền thông của dân tộc ra thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, nội dung thông tin tuyên truyền trên báo chí ngày càng phong phú, toàn diện, có tính phản biện cao. Báo chí đã thông tin tuyên truyền sâu sắc, nổi bật các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Công tác thông tin tuyên truyền thật sự có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển KT-XH, nhất là thời điểm tập trung tuyên truyền trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Đại hội Đảng các cấp; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống được báo chí phản ánh hiệu quả. Ở những tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 luôn có những người làm báo tác nghiệp... Qua đó, đã tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tiền đồ của đất nước.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ công nghệ thông tin đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực báo chí, đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của báo chí trong việc đưa tin, định hướng dư luận, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh tất cả các lĩnh vực đa dạng, phong phú của đời sống xã hội mà còn cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.