THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:10

Khởi động Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội trong ASEAN

Đây là hoạt động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức với vai trò Chủ tịch Hội nghị Hiệp hội Nghề Công tác xã hội ASEAN giai đoạn 2020 - 2021.

Đáng chú ý, Hội nghị cũng là một hoạt động hết sức ý nghĩa khi diễn ra đúng vào Ngày công tác xã hội Việt Nam 25/3.

Khởi động Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội trong ASEAN  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Chú trọng việc lồng ghép vào các kế hoạch hành động

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng (được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37) đã khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy công tác xã hội và tăng cường vai trò của công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN.

Theo đó, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên công tác xã hội và đạt được sự hòa nhập cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Khởi động Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội trong ASEAN  - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

"Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương", Thứ trưởng nêu tầm quan trọng của Tuyên bố.

Tiếp theo những ưu tiên đã đề ra của năm 2020, Thứ trưởng kỳ vọng Lộ trình thực hiện Tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 ghi nhận sẽ bao gồm các chiến lược, hành động và thời gian nhằm thực hiện các cam kết đã được nêu trong bản Tuyên bố, trong đó chú trọng việc lồng ghép vào các kế hoạch hành động của các cơ quan chuyên ngành có liên quan.

Thúc đẩy và nâng cao năng lực cho ngành công tác xã hội

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về những nội dung chính của Tuyên bố Hà Nội; trao đổi và chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần tập trung trong việc xây dựng Lộ trình.

Tham gia trình bày về Khung của Lộ trình thực hiện Tuyên bố, chúc mừng Việt Nam đã thông qua được Tuyên bố này, bà Jacel Javier Paguio, Ban thư ký ASEAN đánh giá đây là một kế hoạch mang tính chiến lược, với từng bước được hoạch định khoa học, hứa hẹn đem đến các kết quả như mong đợi.

Khởi động Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội trong ASEAN  - Ảnh 3.

Ở góc độ nâng cao năng lực công tác xã hội trong ASEAN, bà Rachel Harvey, Tư vấn về bảo vệ trẻ em, UNICEF đề xuất đưa vào Tuyên bố một lộ trình cụ thể về đào tạo công tác xã hội phù hợp, dựa trên năng lực, đặc biệt khắc phục các khoảng trống về đào tạo và nhu cầu thực tiễn.

Để nâng cao chất lượng công tác xã hội, đồng thuận ý kiến của các đại biểu các nước ASEAN, Tiến sĩ Hà Thị Minh Đức, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, công tác xã hội phải chuyên nghiệp, được tập huấn, chia sẻ các chương trình đào tạo; điều phối các hoạt động giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các nước ASEAN và cần phải làm cho hoạt động phối hợp này được đẩy mạnh hơn.

Nhấn mạnh quá trình xây dựng và triển khai Lộ trình, Việt Nam mong muốn đưa Tuyên bố trở thành hoạt động ấn tượng, có tính hiệu quả cao, thực chất, bà Đức cho rằng để đạt được điều đó, "chúng ta cần có những ý tưởng sát thực tế".

"Khi nói đến công tác xã hội, chúng ta thường thảo luận có nên có Luật riêng về công tác xã hội hay không. Vì công tác xã hội bao gồm rất nhiều các mảng, mang tính bao trùm, cần phải có sự liên quan ảnh hưởng rất nhiều luật chuyên ngành khác như y tế, giáo dục", bà Đức nói và chia sẻ, những sự trao đổi về các việc xây dựng và nghiên cứu luật riêng là quan trọng với Việt Nam "và tôi tin, nhiều quốc gia khác đang cùng mối quan tâm này".

Có thể thấy, việc hiện thực hóa bản Tuyên bố với việc phát triển một Lộ trình sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.

Theo đó, Lộ trình sẽ góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cho ngành công tác xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế, đặc biệt trong bối cảnh xã hội già hóa, biến đổi khí hậu, đại dịch...

Đại diện các nước ASEAN tham gia Hội nghị đã cùng đặt mục tiêu Lộ trình thực hiện Tuyên bố được xây dựng sẽ bao gồm các chiến lược và hành động nhằm thực hiện các cam kết đã được nêu trong bản Tuyên bố, trong đó chú trọng việc lồng ghép vào các kế hoạch hành động của các cơ quan chuyên ngành có liên quan như phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, lao động…

Ngay sau Hội nghị, Nhóm Công tác của Lộ trình bao gồm các quan chức, đầu mối phụ trách phúc lợi xã hội và hiệp  hội nghề công tác xã hội của một số nước thành viên ASEAN sẽ được thành lập.

Nhóm Công tác sẽ làm việc tích cực, chia sẻ quan điểm và thảo luận sâu hơn về việc hoàn thiện Lộ trình theo Khung thời gian được thống nhất.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh