Khoảng trống để lại phía sau sự ra đi của nhiều nhạc sĩ gạo cội
- Văn hóa - Giải trí
- 12:29 - 09/07/2015
Hàng loạt nhạc sĩ ra đi không hẹn trước
Chiều 3/7, các nghệ sĩ bàng hoàng khi nhận tin “sét đánh”: Thiếu tướng- nhạc sĩ An Thuyên đột ngột từ trần vào hồi 16h20 phút ngày 3/7/2015 (tức ngày 18/5 năm Ất mùi) tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 66 tuổi.
Trung tướng Phạm Hồng Cư đã bật khóc khi nghe nhạc sĩ An Thuyên (phải) hát ca khúc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Tiếng đàn" (Ảnh: VGP/Phương Liên).
Sự ra đi quá nhanh và đột ngột của nhạc sĩ Ca dao em và tôi khiến người thân, đồng nghiệp bạn bè và những người yêu mến ông không khỏi bàng hoàng, đau xót. Vừa hay tin, ca sĩ Ánh Tuyết vội liên lạc với Bông Mai, con gái nhạc sĩ An Thuyên nhưng đáp lại là những hồi chuông dài nhức nhối…
NSND Thanh Hoa chia sẻ với phóng viên mà không kìm được tiếng nấc nghẹn: “Cho đến giây phút này, tôi vẫn không tin nổi rằng anh An Thuyên đã ra đi. Có quá nhiều việc chúng tôi đang làm còn dang dở…”. Ca sĩ Tùng Dương cũng không khỏi “sốc” vì trước đó ít ngày, vị nhạc sĩ còn điện thoại bàn công việc với anh trong vài chương trình tới…
Trước ngày nhạc sĩ An Thuyên mất, ngày 29/6 nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân cũng ra đi không hẹn trước.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từ giã "Cuộc đời vẫn đẹp sao".
10h15 sáng ngày 29/6, vị nhạc sĩ lão thành hóm hỉnh đã giã từ Bóng cây Kơnia để về với đất mẹ, hưởng thọ 91 tuổi. Được biết, tối ngày 28/6 nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rơi vào hôn mê sâu tại bệnh viện Thống Nhất. Ông nhập viện vì bị xuất huyết và ngất xỉu tại nhà. Bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu). Tuổi già sức yếu cộng với bệnh tật khiến ông không qua khỏi.
Một tiếng rưỡi sau sự ra đi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân cũng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng sau nhiều ngày điều trị bệnh tim, phổi, hưởng thọ 85 tuổi. Theo thông tin từ gia đình, tác giả Hà Nội niềm tin và hy vọng nhập viện một tháng rưỡi. 10 ngày trước, ông bị biến chứng của bệnh tim, phổi cùng nhiều căn bệnh tuổi già nên bác sĩ cho về, tiếp tục chăm sóc tại nhà.
GS.TS Trần Văn Khê qua đời ngày 24/6.
Nhưng cây đại thụ ngả bóng sớm trong thời điểm này lại là GS. TS Trần Văn Khê. Người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của làng nhạc dân tộc Việt Nam qua đời vào rạng sáng ngày 24/6, tại phòng hồi sức đặc biệt ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM, hưởng thọ 94 tuổi sau gần một tháng chữa trị…
…Để lại nhiều mất mát, tiếc thương cho nền âm nhạc nước nhà
Trước sự ra đi mãi mãi của GS.TS Trần Văn Khê, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới; nhiều nhạc sĩ gạo cội, có đóng góp lớn cho nền âm nhạc nước nhà như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân và An Thuyên đã khiến nhiều nghệ sĩ vô cùng xúc động và mất mát.
“GS.TS Trần Văn Khê là một người hoạt động âm nhạc, người có công lớn trong việc giới thiệu âm nhạc bản sắc Việt Nam ra thế giới. Ông mất đi là sự tổn thất lớn đối với nền âm nhạc nghệ thuật nước nhà, đặc biệt trong khâu quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới”, nhạc sĩ Phó Đức Phương ngậm ngùi.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cảm thấy mất mát cho nền âm nhạc nước nhà khi mất đi nhiều nhạc sĩ gạo cội.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng ngậm ngùi trước sự ra đi của vị nhạc sĩ đàn anh đáng kính - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Dù biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã hơn 90 tuổi nhưng sự ra đi của anh đối với tôi vẫn quá đỗi bất ngờ. Là tấm gương sáng về tài năng, đức độ và phong thái làm việc- sự ra đi của “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” là sự mất mát lớn đối với nền âm nhạc nước nhà”.
Ca sĩ Tùng Dương cũng bày tỏ: “Trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi, nền âm nhạc nước nhà đã mất đi 4 cây đại thụ lớn: GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân và nhạc sĩ An Thuyên. Không thể nào phủ nhận những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà và khoảng trống họ để lại sau sự ra đi mãi mãi trong tâm hồn người yêu nhạc là không thể bù đắp được.
Qua đây, tôi cũng cảm nhận thấm thía về cuộc sống mong manh không ai biết trước được điều gì. Cách đây có vài ngày, chú An Thuyên còn gọi cho tôi hỏi về công việc, chú vẫn nhanh nhẹn thế, vậy mà…
Là nghệ sĩ thế hệ sau, tôi chỉ biết nhắn nhủ bản thân cũng như các đồng nghiệp sau mình cần lưu giữ, kết nối và quảng bá những tác phẩm nghệ thuật giá trị mà các bậc tiền bối đi trước để lại”.
Nhạc sĩ Phú Quang tiếc thương trước sự ra đi của những nhạc sĩ tài năng và nhân cách lớn.
Đối với nhạc sĩ Phú Quang, các nhạc sĩ gạo cội vừa qua đời đều là những tấm gương sáng về tài năng cũng như nhân cách. “Điều đáng tiếc cho âm nhạc nước nhà là không chỉ mất đi những nhạc sĩ tài năng mà họ còn là những nhân cách sống đáng được kính trọng. Bây giờ, vẫn có những nhạc sĩ trẻ tài năng, có tác phẩm nhưng vấn đề nhân cách thì còn phải bàn. Đối với tôi, họ là các nhạc sĩ đàn anh, không ít người trong số họ tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi cảm thấy bất công vì những nghệ sĩ có nhân cách thường sống nghèo, họ cũng ra đi dần…”, tác giả Em ơi Hà Nội phố ngậm ngùi.