CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

Khó vay gói 30.000 tỷ vì... thu nhập thấp

 

Chị Thu Lan, nhân viên kinh doanh một công ty phần mềm tại TP HCM than thở, sau khi tích góp được 200 triệu đồng, chị đã đến gõ cửa ngân hàng để hỏi vay thêm 800 triệu đồng từ gói 30.000 tỷ đồng. Sau khi xem hồ sơ, ngân hàng nói vay được nên chị đã chạy khắp nơi để hoàn tất thủ tục. Cùng lúc, chị cũng đã đặt cọc 20% cho nhà đầu tư để ký hợp đồng mua nhà.

Tuy nhiên, sau đó ngân hàng lại không giải ngân và cho biết chị vướng điều kiện người thu nhập thấp theo quy định của Bộ xây dựng, tức mức thu nhập phải dưới 9 triệu đồng, trong khi thu nhập hàng tháng của chị là 10 triệu.

Điều này khiến chị Lan khá bức xúc vì cho rằng, với mức thu nhập 10 triệu đồng một tháng, sau khi nghe ngân hàng phân tích chị còn thấy việc trả nợ khá khó khăn thì với mức dưới 9 triệu đồng một tháng làm sao người vay trả nổi.

 

Hiện nay gói 30.000 tỷ vẫn còn nhiều vướng mắc khiến người dân chưa dễ dàng tiếp cận.

 

"Sau khi nghe tin, tôi đứng ngồi không yên bởi nếu không vay được, khả năng tôi sẽ mất tiền cọc. Còn đường cùng thì tôi phải vay theo gói thương mại lãi suất cao hơn và thả nổi nên sợ không thanh toán được. Tại sao lại có quy định khó như vậy với chúng tôi", chị nói.

Trường hợp của anh Hoàng Quốc Hưng (Bình Tân) lại khác. Sau khi tất tả cả tháng trời chạy lo xong thủ tục, giấy tờ, khi chưa kịp mừng thầm thì đến phút cuối ngân hàng cũng lắc đầu vì cho rằng, mức thu nhập hàng tháng của anh chỉ 8 triệu đồng nên không đủ khả năng trả nợ. Do vậy, anh không đủ điều kiện được vay gói 30.000 tỷ để mua nhà. "Giấc mơ sở hữu căn nhà riêng để an cư lập nghiệp coi như tan tành. Chúng tôi đành phải đi thuê nhà trọ ở tiếp vậy", anh ngậm ngùi nói.

Trước thực trạng trên, một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng cũng thừa nhận sự bất cập về quy định mức thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng. Ông đưa ra ví dụ cụ thể rằng, hai vợ chồng thu nhập 9 triệu đồng mỗi người, mua căn hộ trị giá 900 triệu đồng, trả trước 20% tức 180 triệu đồng và vay 80% còn lại tương ứng với 720 triệu đồng, thời gian vay 15 năm, lãi suất 5% một năm.

Hàng tháng trả gốc (4 triệu đồng) và lãi (3 triệu đồng) tổng cộng là 7 triệu đồng. Với thu nhập tổng cộng 18 triệu đồng, trừ chi phí cho hai vợ chồng và hai đứa con với số tiền bình quân 3 triệu đồng mỗi người (tổng cộng 12 triệu mỗi tháng). Thu nhập còn dư lại chỉ là 6 triệu đồng, chưa kể những chi phí phát sinh ốm đau khác.

Như vậy, với thu nhập này, hai vợ chồng khách hàng trên sẽ không đáp ứng được khả năng trả nợ theo như yêu cầu của ngân hàng. Vì vậy, mặc dù họ nằm trong đối tượng được mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng nhưng vẫn khó đủ điều kiện để nhà băng cho vay.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, với đối tượng vay là công chức, lực lượng vũ trang... hiện nay không bị ràng buộc phải có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với đối tượng khác thì theo quy định phải có thu nhập ở mức 9 triệu đồng trở xuống.

"Đây chính là nút thắt lớn nhất hiện nay do các ngân hàng chỉ cho vay nếu khách hàng đảm bảo khả năng trả nợ, trong khi với thu nhập từ 9 triệu trở xuống, sau khi trừ chi tiêu hằng tháng thì người vay không còn đủ thu nhập trả nợ", ông Minh chia sẻ.

Ông cho biết thêm, vừa qua cơ quan này có làm việc với Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng và BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 2, thì các đơn vị này vẫn cho người thu nhập dưới 9 triệu đồng được vay. Bởi ngân hàng tính ra với mức vay tối đa 800 triệu đồng, tháng đầu tiên khách hàng phải trả gốc và lãi khoảng hơn 8 triệu đồng, sau đó số tiền phải trả hằng tháng giảm dần. Tháng cuối cùng người vay chỉ phải trả gốc và lãi 4,6 triệu đồng.

 

 

Ngoài ra, để đảm bảo khả năng trả nợ, ngân hàng yêu cầu khách hàng viết cam kết người thân hỗ trợ các khoản sinh hoạt phí khác như tiền ăn, tiền ở, học hành..., còn khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương được dành để trả nợ vay. "Đã có 19 trường hợp thu nhập dưới 9 triệu đồng mỗi tháng được vay gói 30.000 tỷ ở Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng", ông nói.

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ đã được "kích hoạt" từ năm 2013 sau khi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng nhiều bất cập không chỉ về thu nhập, một số nhà băng còn bắt mua các loại bảo hiểm... nên đến nay mới giải ngân được hơn 20%, trong khi đó đến đầu tháng 6/2016 sẽ chấm dứt hiệu lực.

Trên địa bàn TP HCM, đến cuối tháng 4 cũng chỉ có hơn 3.700 khách hàng (có 3 doanh nghiệp) tiếp cận gói vay 30.000 tỷ đồng. Số tiền cam kết cho vay gần 3.000 tỷ đồng  và mới giải ngân được hơn 1.600 tỷ đồng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh