THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:32

Kho sách cổ quý hiếm của chàng trai 8X

 

Nhiều người vẫn gọi Lê Văn Hợp là "gã khùng" bởi giữa thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, ai cũng có thể tìm được cái mình cần trên mạng thì anh lại cất công đi khắp mọi nơi sưu tầm những quyển sách cũ rích, thậm chí rách nát về lập hẳn thành một thư viện sách cổ, chỉ để phục vụ thú đam mê khác người của mình. 

Kho sách cũ của Lê Văn Hợp nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội và cũng là ngôi nhà cả đại gia đình Hợp sinh sống. Kho sách này quy tụ đủ loại đầu sách: Từ điển, ngôn ngữ, sách khoa học thần bí, sách y học, sức khỏe, sách kinh tế, văn học… nhiều tới mức những giá sách Hợp dựng lên giờ đã "quá tải".

Có những cuốn sách anh phải đặt ở dưới cầu thang, ven lối đi… Hợp đặt tên là Sách cũ Hà Thành. Sách cũ Hà Thành giờ đây đã nổi tiếng khắp Hà Nội và là điểm đến của nhiều bạn trẻ đam mê đọc sách như Hợp, nhưng ít ai biết rằng, để có được kho sách đồ sộ hơn 20.000 cuốn, Hợp đã phải bỏ ra 19 năm lặn lội đi sưu tầm.

Có người nói, chơi sách là thú chơi phong lưu, tao nhã nhất trong mọi thú chơi. Để chơi được sách phải là người có kiến thức uyên thâm, pha chút hoài cổ. Những người chơi sách thường là các cụ già, những người lớn tuổi, từng đi nhiều nơi, đọc nhiều sách, có nhiều trải nghiệm…, chỉ cần gặp qua một lần đều có thể nhận ra chất "chơi" của họ.

Với Lê Văn Hợp thì hoàn toàn khác. Hợp quá trẻ so với quan niệm về một người chơi sách. Khi tiếp xúc, không ai nghĩ Hợp từng là dân kỹ thuật, theo học 5 năm ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Thế nhưng điều dễ nhận thấy ở anh là sự chậm rãi, từ tốn, tỉ mỉ, đúng chất của một anh giáo làng, một thủ thư cần mẫn.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ nhỏ, Lê Văn Hợp đã rất thích đọc sách. Ban đầu chỉ đơn giản là thích đọc truyện tranh. Nhưng rồi càng ngày Hợp càng có niềm đam mê đặc biệt với sách cũ, những cuốn sách bìa đã mờ, gáy đã sờn.

 

Ông chủ kho sách Lê Văn Hợp.

 

Anh tâm sự: "Đúng là thời buổi công nghệ bây giờ giúp chúng ta tìm được mọi thông tin mình cần qua Internet, nhưng tôi nghĩ có nhiều cuốn sách quý, nhiều bản dịch hay mà các thế hệ trước đã để lại, nhiều khi bây giờ thế hệ trẻ không biết tới. Lúc mới bắt đầu, mình cũng chỉ có ý định lưu giữ những kỷ niệm của chính bản thân về thời thơ ấu qua những trang sách. Nhưng rồi càng có được nhiều sách mình càng thấy đam mê, thích thú và tâm huyết với việc sưu tầm sách. Mình muốn mang đến một kho kiến thức đồ sộ cho chính mình và cho tất cả mọi người".

Ngày còn bé, Hợp dành dụm tiền ăn sáng để mua sách. Lớn lên anh tự kiếm tiền mua sách. Có những quyển đã ố vàng, bụi bặm với giá hàng triệu đồng. Bắt đầu từ năm 1998, Hợp lao vào tìm kiếm và sưu tập sách cũ.

Ai cũng nghĩ rằng sưu tập sách cũ đơn giản lắm, chẳng có gì khó, chỉ cần bỏ ra một ít tiền mua lại của mấy bà đồng nát là xong. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Hợp phải lang thang khắp các hiệu sách cũ, lặn lội đến khắp các tỉnh thành để tìm kiếm, thu thập.

Có những cuốn sách hay, sách quý không phải chủ cửa hàng nào cũng biết, nhất là các loại sách cũ từ năm 1990 về trước. Có những ngày Hợp lang thang trong các hiệu sách ở Hà Nội cả ngày mới tìm được một cuốn mong muốn.

Ở Hà Nội không đủ, Hợp còn lang thang đến khắp các tỉnh thành trong cả nước. Có những chuyến đi tỉnh cả tháng trời về vẫn tay "trắng", có những chuyến đi lại mang về được khá nhiều quyển sách cũ nát, chàng thanh niên trẻ lại vùi đầu cả ngày trong nhà hì hụi, đóng, dán khôi phục lại quyển sách cho hoàn hảo để bảo quản lâu hơn.

Mới đầu bố mẹ, người thân trong gia đình anh cũng phản đối nhiều lắm, bởi một chàng sinh viên học Đại học Bách khoa, tương lai đang rộng mở, xán lạn thì đùng đùng đòi đi kinh doanh sách cũ online. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, hiểu được niềm đam mê của anh, mọi người đều hết lòng ủng hộ và tạo điều kiện để anh lập kho sách cũ ngay tại nhà. Thậm chí bố mẹ anh còn là người nhiệt tình giúp đỡ cậu con trai sắp xếp, dọn dẹp và bán hàng.

19 năm lặn lội sưu tầm sách, đến bây giờ khi đã ở tuổi 33, Hợp đã có trong tay cả 1 kho sách đồ sộ. Có cuốn tuổi đời trên 100 năm như "Lược sử vương quốc An Nam" xuất bản năm 1906, hay "Truyện Kiều" bằng tiếng Pháp cũng đã gần 90 năm. Có những tác phẩm kinh điển của thế giới như "Chiến tranh và hòa bình", "Những người khốn khổ", "Cuốn theo chiều gió", "Ruồi trâu"… hay Tứ đại kỳ thư Trung Hoa như bộ "Tam quốc", "Hồng lâu mộng", "Tây du ký"… với nhiều phiên bản khác nhau cũng có thể tìm thấy được ở kho sách này.

 

Kho sách cũ của chàng trai trẻ.


Trong kho sách chật ních của Hợp có những giá sách anh dành riêng cho các nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng của Việt Nam và sắp xếp một cách trang trọng như sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê.

Anh mê sách của cụ bởi những kiến thức uyên thâm thường được cụ viết bằng ngôn từ dân dã, dễ hiểu. Hiện anh đã sưu tầm được khoảng 90 đầu sách của cụ và thỉnh thoảng vẫn đọc đi đọc lại những cuốn sách ấy.

Không chỉ đam mê và sưu tầm sách cũ cho riêng mình, Lê Văn Hợp còn có một mong muốn cháy bỏng là chia sẻ niềm đam mê, chia sẻ những kho tàng tri thức mà mình đang nắm giữ đến đông đảo bạn đọc trên khắp cả nước. Từ mong muốn nhỏ nhoi ấy, Hợp nảy sinh ý tưởng kinh doanh sách cũ qua mạng online và nhanh chóng nhận được sự đồng tình của rất nhiều độc giả trong cả nước.

Cũng giống như kho sách tại gia đình, cửa hàng sách cũ trên mạng của Hợp được phân chia theo từng mảng cụ thể như: Kinh tế, văn học, tiểu thuyết, chuyên đề, võ thuật… thậm chí có nhiều cuốn sách Hợp đăng rất chi tiết nội dung, nếu khách không có thời gian đến cửa hàng để chọn mua, thì cũng có thể đọc trên mạng.

Với cách làm mới, cùng với ý tưởng "Chia sẻ đam mê, góp nhặt tri thức", kho sách cũ của Hợp nhận được hàng chục nghìn lượt like trên mạng xã hội và trở thành điểm đến không chỉ của các cụ lớn tuổi, mà của cả những bạn học sinh, sinh viên trẻ tuổi có cùng niềm đam mê đọc sách như anh.

Giá sách của Hợp cũng khá đa dạng, phù hợp với nhu cầu tài chính của nhiều người. Có những cuốn chỉ khoảng 10.000 đồng, nhưng "hàng hiếm" có giá vài trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng.

 

Sách cũ Hà Thành tham gia nhiều phiên chợ sách.

 

Trong kho sách của Hợp có hơn 1.000 cuốn sách kinh điển với những tác giả nổi tiếng như: Victor Hugo, Lev Tolstoy, Charles Dickens… được coi là "linh hồn" của cửa hàng, Hợp chỉ để trưng bày chứ không bán, cũng đủ hiểu được niềm đam mê sách cũ của ông chủ cửa hàng sách Hà Thành nhiều như thế nào.

Cuốn sách cổ nhất mà Hợp có là "Lịch sử An Nam" bằng tiếng Pháp, in năm 1906. Những cuốn sách in trước năm 1945 thì chính anh cũng không thể nhớ hết. Điều Hợp vui nhất, mừng nhất là giữa thời đại bùng nổ công nghệ thông tin nhưng còn rất nhiều bạn trẻ vẫn giữ thói quen đọc sách, vì thế, sách vẫn luôn có giá trị lớn trong cuộc sống.

Bận rộn với việc kinh doanh sách hay những chuyến đi tìm kiếm sách cổ, chàng trai trẻ Lê Văn Hợp vẫn nhiệt tình tham gia công tác từ thiện. Có những cuốn sách quý, anh đem ra bán đấu giá để đi làm từ thiện. "Như cuốn sách "Vượt Côn Đảo" của nhà văn Phùng Quán là cuốn sách mình cực kì thích. Hôm đầu mang về thực sự bất ngờ khi mở ra có chữ ký của tác giả tặng người bạn thân. Nhưng khi Trung tâm văn hóa Đông Tây tổ chức phiên chợ sách, mình đã đem cuốn sách này đấu giá để lấy tiền làm từ thiện, vừa chia sẻ đam mê sách, vừa có tiền giúp đỡ người thiệt thòi", anh tâm sự.

Nhiều người bảo Hợp chả khác gì một ông cụ già bởi lúc nào cũng chúi đầu giương mục kỉnh để đọc sách nhưng với anh đó là niềm đam mê bất tận. Điều đáng quý hơn cả là với kho sách cũ của mình, Hợp không những thỏa mãn được niềm đam mê mà còn sẻ chia niềm đam mê ấy với bạn bè, độc giả trên khắp cả nước.

Sách cũ Hà Thành của chàng trai trẻ 8X giờ đây đã trở thành điểm đến đầy ý nghĩa của nhiều người. Nhờ đó Hợp có thể sưu tầm nhiều cuốn sách quý hơn khi được độc giả ở khắp mọi miền đất nước gửi đến mà không phải lặn lội đi tìm kiếm xa xôi như ngày trước nữa.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh