Khó khăn trong việc lưu giữ những thư tịch cổ
- Văn hóa - Giải trí
- 17:20 - 31/10/2015
Tại đền thờ danh tướng Phạm Văn Liêu, xã Xuân Hương (huyện Lạng Giang) hiện còn lưu giữ nhiều thư tịch cổ như: Sổ Hội đồng, bia đá, 27 đạo sắc phong và hoành phi, câu đối, hòm tráp đựng giấy tờ liên quan đến danh tướng thời Lê. Trong số 27 đạo sắc phong niên đại sớm nhất từ thời Lê Lợi, trong đó ghi chép chi tiết về công trạng của Phạm Văn Liêu và gia tộc ông đối với đất nước. Từ hơn 20 năm trước, trong khi lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, các sắc phong này đã được Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, dịch thuật. Ông Phạm Văn Côn (59 tuổi) hậu duệ đời thứ 19 của dòng họ Phạm hiện sống tại thôn Chùa cho biết: “Trước đây, các bảo vật để tại đền thờ, nhưng phần vì sợ mất nên tôi đưa về nhà riêng cất giữ, trời nắng đem ra sân hong cho đỡ ẩm mốc. Tiếc là “lưỡi hái” thời gian đã làm cho một số sắc phong bị hoen ố, giấy bị mủn và thậm chí có sắc bị mối xông nham nhở, nếu không được bảo vệ một cách khoa học, e rằng các báu vật chẳng mấy nữa sẽ chỉ còn trong hoài niệm”.
Bảo quản các thư tịch cổ bằng phương pháp thủ công.
Bà Phùng Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, cho hay: "Quá trình khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng di tích chúng tôi gặp không ít những bia đá bị vứt chỏng chơ, mốc meo ngoài đồng ruộng hay góc vườn, nhiều bia bị gãy hỏng, mờ hết chữ. Cùng đó là không ít hoành phi, câu đối, sắc phong bị mối mọt, mất cắp, như ở đình Vạn Thạch, xã Hoàng Vân (huyện Hiệp Hòa) từng bị kẻ trộm lấy cắp 13 sắc phong cổ. Có nơi như ở điếm Giữa, xã Vân Trung (huyện Việt Yên) được sử dụng như một nhà kho, trong đó có 5 bia đá cổ đã bị mốc rêu, bụi bẩn bám nhiều”.
Tại Bắc Giang, tiêu biểu phải kể đến mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, mộc bản chùa Bổ Đà. Tuy vậy, đa phần các thư tịch được chế tác từ lâu đời, chất liệu dễ hỏng, lại phân bố nằm rải rác trong nhân dân, nhất là các di tích, một số lại chưa được bảo vệ trong điều kiện tốt nên việc thất lạc, hư hỏng là khó tránh khỏi. Hiện tại Bảo tàng, Thư viện và Ban Quản lý di tích tỉnh có những kho lưu trữ tư liệu này nhưng số lượng chưa nhiều. Hằng năm Ban Quản lý di tích tỉnh đã giành một phần kinh phí nhỏ (khoảng 50 triệu đồng) để in dập, sưu tầm, dịch các thư tịch cổ trong di tích đã được xếp hạng. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ dịch được khoảng hơn 100 nghìn chữ, so với số lượng lớn thư tịch ở Bắc Giang quả chưa thấm vào đâu.
Bà Phùng Thị Mai Anh cho rằng, Bắc Giang là vùng đất cổ xưa, các tài liệu, thư tịch cổ rất phong phú, quý giá. Hiện nhiều thư tịch chưa được nghiên cứu đánh giá, phân loại, dịch thuật, phổ biến rộng rãi để phát huy giá trị. Trong khi đó, trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, cộng thêm không được bảo vệ một cách khoa học đã khiến không ít thư tịch thất lạc. Hơn nữa chữ Hán - Nôm là ngôn ngữ khó học, khó hiểu, người biết đọc, viết và dịch các tài liệu ấy tại Bắc Giang không nhiều. Trước mắt ngành văn hóa và các địa phương, dòng họ, gia đình cần chủ động tạo lập cơ chế bảo vệ, bảo quản an toàn, loại trừ các yếu tố gây mất mát, hư hỏng.
Các chuyên gia lĩnh vực ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, khoa học cần tập trung nghiên cứu, đánh giá về nội dung, ý nghĩa cũng như giá trị, từ đó là cơ sở để có hướng bảo tồn, phát huy giá trị của thư tịch. Cùng đó, tăng cường sưu tầm, dịch thuật, xuất bản để mọi độc giả cùng khai thác mà hiểu thêm về miền đất Bắc Giang.