Khó khăn bủa vây người trồng hoa Tết ở TP. Hồ Chí Minh
- Bài thuốc hay
- 13:38 - 24/01/2021
Những ngày này các hộ dân trồng hoa Tết ở Huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp…(TP. Hồ Chí Minh) đang tất bật những công đoạn cuối để kịp đem sản phẩm của mình vào thị trường Tết.
Theo những người trồng hoa, thời điểm này của năm trước các lái buôn đã tấp nập đến từng vườn hoa để đặt hàng và chờ đến ngày là hoa "lên xe ra phố", tuy nhiên năm nay đã cận Tết nhưng vẫn chưa có lái buôn đến đặt hoa.
Người trồng hoa Tết tất bật chăm sóc hoa để kịp cung ứng ra thị trường.
Nghề ăn nắng, nằm sương
Giữa cái nắng oi ả, chị Huỳnh Kim Kiều (làng hoa Thới An, Quận 12) đang gấp rút cắt tỉa những chậu hoa để kịp đưa ra thị trường Tết Nguyên đán. Chị Kiều cho biết, năm trước gia đình chị trồng 10.000 chậu hoa các loại, nhưng năm nay dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế nên gia đình chị giảm số lượng còn 8.000 chậu.
Theo chị Kiều để bắt đầu cho mùa vụ hoa Tết, các chậu hoa đã được trồng từ thời điểm cách đây vài tháng, loại hoa có thời gian lâu nhất để ra hoa là sống đời. "Làm công việc chăm sóc hoa là công việc cần có sự tỉ mỉ và khéo tay. Để có được một chậu hoa đẹp thì phải chăm sóc nó như 'con' vậy".
Anh Nguyễn Văn Thư, một công nhân từ Trà Vinh lên làm việc tại làng hoa Thới An, Quận 12 bộc bạch: "Đây là năm thứ ba tôi lên làm, năm trước có người quen giới thiệu vào làm, năm nay lên làm tiếp. Tính chất công việc này không quy định thời gian nhưng nó là niềm vui khi được chăm sóc và học từng công đoạn để biết về cách trồng nhiều loại hoa. Làm công này được tính lương theo ngày, ngủ lại tại chòi trong vườn để giữ hoa mà cũng vừa tiết kiệm được chi phí thuê nhà trọ".
Với đặc thù công việc trồng và chăm sóc, những người làm việc tại các vườn hoa không phân biệt chủ hay công nhân đều tham gia làm việc. Anh Thư chia sẻ: "Mấy tháng nay ngày nào cũng ở ngoài vườn chăm sóc, một ngày có thể làm tới 12 tiếng. Cực là vậy, nhưng phải tưới nước đều đặn 3 lần một ngày để đảm bảo cho các cây hoa luôn đủ nước để chậu hoa được đẹp vì thời tiết khá nắng nóng. Làm nghề trồng hoa chỉ làm theo thời vụ, ngoài việc kiếm thu nhập thì phải có đam mê mới làm được".
Các chủng loại hoa năm nay cũng khá đa dạng như: hoa cúc vàng, hoa hướng dương, mào gà, sống đời và cả hoa vạn thọ, mai hoa đăng, lan…Để hoa nở đúng dịp Tết, người trồng phải biết cách chăm sóc, điều chỉnh ánh sáng phù hợp. Thông thường, các chậu hoa sẽ được người dân trồng trước Tết từ 3 - 4 tháng.
Sau khi xuống giống từ 7 - 10 ngày người dân phải thắp điện ban đêm để cây không bị cằn và cây không ra nụ sớm. Việc thắp điện ban đêm được người dân duy trì đến hết tháng 10 âm lịch, sau đó hoa sẽ làm nụ trong tháng 11 và nở vào tháng chạp. Thời điểm này, người trồng cúc thường không bón phân đạm, chỉ tưới nước và điều chỉnh cách chăm sóc theo diễn biến của thời tiết.
Khó khăn bủa vây người trồng hoa
Chị Kiều cho hay, để có những chậu hoa đem ra thị trường họ phải chịu nhiều chi phí từ lương nhân công, phân bón, thuốc chăm sóc và thậm chí tiền thuê đất để gieo trồng cũng tăng. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết khó chịu hơn so với mọi năm, mưa kết thúc muộn, cùng với sương mai (sương muối) ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của các loại hoa, nhất là hoa mai. Bên cạnh đó do tác động của dịch Covid-19 nên đến sức mua của thị trường hoa Tết năm nay sẽ giảm mạnh.
"Đợi thêm vài ngày tới mà vẫn không có thương lái đến đặt hàng thì Tết này gia đình tôi xác định ra đường bán hoa với hy vọng vớt vát lại tiền vốn", chị Kiều đượm buồn nói.
Tại ấp Xóm Mới, huyện Củ Chi, anh Nguyễn Văn Hiền năm nay dành 1.000m2 trồng hoa các loại để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Năm trước, vườn hoa Tết của anh rộng gần 1.500m2, nhưng do lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, cũng như thời tiết thay đổi cho nên anh thu hẹp quy mô sản xuất.
Anh Hiền cho biết: "Không chỉ riêng tôi, nhiều hộ trồng hoa ở ấp Xóm Mới cũng giảm quy mô, diện tích trồng hoa vì sợ thua lỗ". Việc giảm số lượng hoa năm nay đang là tình trạng chung của các hộ dân trồng hoa Tết trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trao đổi với PV, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho rằng có thực tế nông dân chịu tâm lý sợ dịch Covid-19 nên giảm quy mô sản xuất hoa. Ông Hiệp cho biết tới thời điểm này kế hoạch và quy mô tổ chức dự kiến khả năng vẫn không khác nhiều so với năm ngoái nhằm đảm bảo nhu cầu mua bán của nông dân và khách hàng. Tuy nhiên, vẫn có các phương án dự phòng nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Theo dự báo Tết Tân Sửu 2021, thị trường TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 600 nghìn đến 700 nghìn chậu mai, 250 nghìn đến 300 nghìn chậu bon-sai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó, bốn chợ chuyên kinh doanh hoa lớn gồm chợ Hồ Thị Kỷ (Quận 10), chợ hoa tươi Ðầm Sen (Quận 11), chợ đầu mối Bình Ðiền (Quận 8), chợ đầu mối Thủ Ðức (TP.Thủ Ðức) cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.