Khó khăn bủa vây người dân sau lũ
- Y học 360
- 01:09 - 27/10/2020
Gần 3 tiếng ôm cọc giữa đầm phá lớn nhất Đông Nam Á
Đã gần 1 tuần lễ trôi qua, nhưng tiếng sóng nước dập dồn, tiếng kêu "ba ơi con chìm" của đứa con trai vẫn ám ảnh, khiến ông Đặng Văn Tuyến (47 tuổi, trú thôn Miêu Nha, xã Lộc Điền, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) mất ăn mất ngủ. Dù là một người con của vùng hạ lưu sông Truồi, nhà nằm ngay bên bờ đầm Cầu Hai (thuộc hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai) và đã nhiều năm gắn bó với nghề chài lưới, nhưng vụ lật ghe ngày 20/10 vừa qua với ông Tuyến thực sự là sự cố nghiêm trọng trên sông nước trong ngày mưa lũ.
Ông Tuyến kể, sáng ngày 20/10, ông cùng đứa con trai út là Đặng Văn Nam (18 tuổi) chạy ghe qua con nước ở vùng Cống Quan (xã Vinh Hà, Phú Vang) để làm nghề. Đến khoảng 11h trưa cùng ngày, thấy gió lặng ông nói con thu dọn đồ nghề để đi về. Tuy nhiên, khi ra đến vùng giữa đầm Cầu Hai thì gió bắt đầu thổi mạnh, sóng trên mặt phá dồn dập liên hồi khiến chiếc ghe bị lật, 2 cha con ông Tuyến bị rơi xuống nước. "Sóng ở bên ngoài dồn vào va nước trong bờ chảy ra làm ngọn sóng lên cao. Hai cha con bị sóng nước đánh liên tục, vừa ngoi lên đã bị ngụp xuống. Chúng tôi bị nước cuốn xa ra cách bờ hơn 200m", ông Tuyến nhớ lại.
Theo ông Tuyến, sau khi ghe lật và bị nước cuốn đi được một lúc thì may mắn 2 cha con ông dạt đến chỗ có mấy cọc cừ của dân làm nò sáo còn sót lại. "Tôi ôm được cọc cừ trước, còn thằng cu thì tiếp tục bị trôi đi. Đến khi nó ôm được cọc thì hai cha con cách nhau khoảng 20m", ông Tuyến kể. Hai cha con ông Tuyến ôm cọc cừ, vừa vật lộn với sóng nước, vừa kêu cứu khàn cổ. Gần 3 tiếng sau, may mắn có người đi làm nghề về, nghe tiếng kêu cứu. Tuy nhiên, do ghe nhỏ nên người này cũng không dám chạy ra vùng sóng to để cứu mà chạy nhanh về làng huy động mọi người tìm thuyền to đi ra. "Vật lộn với con nước trong khoảng đó thời gian, hai cha còn gần như kiệt sức, thằng con thì cứ kêu "ba ơi con chìm". Tôi phải động viên con cố gắng ngoi lên để thở, chắc rồi sẽ có người nghe thấy và ra cứu. Đến khi được cứu vớt, người nó đã tím tái, 2 chân cứng đơ. Chỉ cần khoảng 10 phút nữa không ai đến cứu thì nó đã chết", ông Tuyến vẫn chưa quên thời khắc sinh tử đó. Ông Tuyến cho biết thêm, sau khi được đưa vào bờ, phải mất 4 ngày sau hai cha con mới phần nào phục hồi sức khoẻ.
Trắng tay sau lũ
Theo người dân xã Lộc Điền, trong đợt mưa lũ vừa qua, dù nước sông Truồi không đổ về nhiều nhưng nước ngoài biển dâng cao đã khiến nước vùng đầm Cầu Hai dâng lên theo. Trong những ngày đó, người dân vùng thấp trũng của xã như: Miêu Nha, Sư Lỗ Đông, Lương Điền Đông... bị nước lũ bao vây, cô lập. Ông Trần Thảo (74 tuổi, xóm Đập Đá, thôn Miêu Nha) cho biết, đến ngày 25/10, nước vẫn đang ngập vào trong nhà chính của gia đình ông. Trong khi đó, thời điểm nước dâng cao, nhà của ông bị ngập nửa nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, đã là ngày thứ 21, nước ngập úng từ đầm phá tràn vào khu vực xóm Đập Đá.
"Mấy ngày nước ngập úng tràn vào, bầy gà hơn 40 con bị ngập nước chết. 5 tạ lúa mua dự trữ đợt vừa rồi cũng bị ướt, mọc mầm hết. Đứa con nó vừa thả nuôi hơn 6 vạn tôm thẻ cùng 2 khay cua cũng bị ngập úng, chết toàn bộ", ông Thảo cho biết. Cũng theo ông Thảo, so với nhiều hộ nuôi tôm, cua ở vùng đầm Cầu Hai thì gia đình ông vẫn thuộc diện thiệt hại nhẹ. Vì có những gia đình nuôi với số lượng và diện tích hồ lớn hơn rất nhiều lần, trong khi gần như toàn bộ khu vực này bị ngập nặng.
Tại Quảng Điền, những ngày sau lũ, người nông dân vừa tranh thủ dọn dẹp vệ sinh, vừa thu hoạch những diện tích rau màu còn sót lại. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại vùng rốn lũ này, nhiều loại hoa màu của nông dân chuẩn bị thu hoạch thiệt hại nặng nề, như mía ở xã Quảng Phú và rau má và cây nưa ở xã Quảng Thọ,... Mưa lũ ngập cả vườn khiến người dân điêu đứng.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Định (làng La Vân Thượng, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) là một trong những hộ như thế. Theo ông Định, gia đình trồng được 7 sào rau má nhưng đã bị nước lũ làm ngập úng, cuốn trôi, bị đất, cát vùi lấp gần như toàn bộ. Tương tự, hộ ông Nguyễn Lương Hòa (44 tuổi, trú xã Quảng Thọ) có 6 sào cây nưa đang phát triển tốt nhưng sau mưa lũ đã bị gãy đổ, thối nát nên phải tất bật ra thu hoạch vớt vát. "Nếu tính cả đợt dịch bệnh khiến nhiều loại nông sản không tiêu thụ được cùng với trận đại hồng thủy này, chúng tôi gần như đã trắng tay. Sau khi nước lũ rút, bà con tranh thủ thu hoạch được đồng nào hay đồng đó, trong đó nhiều người thu hái bán ồ ạt nên giá rẻ, trường hợp không bán được, vừa mất cả công cắt chứ tính đến tiền đầu tư, chăm sóc", ông Hòa buồn rầu.
Ông Nguyễn Lương Trí , Giám đốc HTX nông nghiệp xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên 65 ha rau má của bà con trong xã bị chết; trong khi đây là nguồn thu nhập chính của hơn 350 hộ dân; hơn 10 ha cây nưa, đậu bắp và hơn 20 ha cac loại rau màu khác cũng bị hư hại gần như toàn bộ. Đất ruộng, hệ thống thủy lợi, giao thông bị xói lở, bồi lấp.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, liên tiếp từ ngày 6-22/10, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một tổ hợp hình thế thời tiết vô cùng cực đoan, với lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt 2.400mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 3.000mm, A Lưới 2.970mm, bằng 84% tổng lượng mưa trung bình cả năm. Trên các sông đã xuất hiện 03 cơn lũ đặc biệt lớn, với mức nước sông Bồ có 3 lần vượt báo động 3, trong đó có 1 lần đạt 5,24m, vượt mức lịch sử năm 1999 (là 5,18m). Trên sông Hương mức nước cao nhất đạt 4,17m trên báo động 3 là 0,67m.
Đến nay, mưa lũ đã làm 29 người chết, 14 người mất tích, 36 người bị thương, nhiều nhà cửa, vật chất của nhân dân bị hư hỏng nặng, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, bị đình trệ dài ngày. Nhiều diện tích nông nghiệp, thủy sản bị mất trắng; công trình hạ tầng dân sinh y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng. Tổng thiệt hai do mưa lũ đến nay trên 1.300 tỷ đồng.