CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:49

Gấp rút triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về Phòng chống bão số 9

Tại tỉnh Quảng Nam, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ, mực nước tại các trạm thủy văn đều dưới báo động I. Các thủy điện đang vận hành hạ dần mực nước hồ để đón lũ. Tính đến sáng ngày 26/10, các hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý có 11 hồ đầy nước, 4 hồ hơn 70% dung tích hữu ích và 2 hồ hơn 50% dung tích hữu ích.

Hiện nay mực nước các hồ chứa thủy điện ở cao trình mực nước cao nhất trước lũ. Các hồ thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đang vận hành luân phiên 12 giờ để hạ dần mực nước các hồ về mực nước cao nhất trước lũ.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 6 giờ sáng nay Quảng Nam có 60 tàu/2.309 lao động hoạt động tại khu vực Trường Sa, hiện đã tránh trú an toàn tại các đảo.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng trên 2 tuyến biên giới và biển đảo của tỉnh khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó.

Đại tá Nguyễn Bá Thông – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đáng chú ý hiện nay trên khu vực biển, nhất là khu vực biển Cù Lao Chàm đã đưa số tàu về các vị trí an toàn và Bộ Chỉ huy cũng chỉ đạo Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với địa phương dự kiến vận động di dời 130 hộ dân ở trên đảo có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão về nơi tránh trú an toàn.

Riêng đối với tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện công tác đề phòng sạt lở; các đơn vị phối hợp với địa phương di dời người dân từ nơi có khả năng sạt lở đến những vị trí an toàn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam đã quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Quảng Nam nghỉ học 2 ngày (ngày 27 và 28/10) để phòng tránh bão số 9.

Gấp rút triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về Phòng chống bão số 9 - Ảnh 2.

BĐBP tỉnh kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Ảnh: Báo Quảng Nam

Tại tỉnh Quảng Ngãi, xác định những ngày tới, mưa, bão còn diễn biến bất thường, tình trạng sạt lở gây tắc đường, nước dâng cao gây cô lập, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra thực tế một số vị trí xung yếu; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và người dân phải dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo các DN, siêu thị và đại lý, cửa hàng... tập trung trữ hàng hóa, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tổ chức kiểm tra không để tình trạng lợi dụng thiên tai gây khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên cao, trục lợi bất chính; ngăn chặn tình trạng đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trong thời điểm xảy ra mưa lũ. Ngành giao thông cần tập trung kiểm soát, giải tỏa ách tắc giao thông để thông đường, đưa hàng về các địa phương trong tỉnh, không để xảy ra cô lập, gây khan hiếm hàng hóa.

Hiện các địa phương đang tích cực chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo không chỉ 7 ngày, mà có thể đủ dùng trong 20 ngày đến cả tháng nếu mưa, lũ kéo dài. Một số vùng cô lập ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Tây, chính quyền đã tăng cường đưa gạo và mì tôm, mắm, muối... tập kết về địa bàn, đảm bảo người dân không bị thiếu ăn trong suốt thời gian xảy ra sạt lở, tắc đường, trôi cầu gây cô lập.

Tại tỉnh Phú Yên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai ngay các phương án ứng phó cơn bão số 9 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra ngay trong chiều nay (26/10) công tác triển khai ứng phó bão số 9 ở các địa phương trong tỉnh, chú ý khu vực nuôi lồng bè thủy sản, tàu thuyền đang hoạt động trên biển và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi…

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phú Yên có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 163 tàu cá/962 lao động (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa), hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi - Bình Thuận). Nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và mưa lũ.

Đến sáng ngày 26/10, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trung bình từ 50-500m3/s, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chạy máy và xả lũ với lưu lượng 500m3/s. Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế. Hiện ở Phú Yên có 3 công trình đê kè biển, cửa sông đang xây dựng (công trình cửa biển Đà Nông, công trình cửa biển Đà Diễn và công trình kè Xóm Rớ giai đoạn 2), đã hoàn thành từ 40% đến 90% khối lượng công việc, các chủ đầu sẵn sàng các phương án bảo vệ công trình, tài sản máy móc thiết bị và con người.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với bão MOLAVE (bão số 9).

Công điện nêu: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi ở trên biển có thể đạt tới cấp 12, 13, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8- 10m; sau khi vào Biển Đông, bão sẽ di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta; từ đêm mai (ngày 27 tháng 10), bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Trung và Nam Trung Bộ, hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng (khi đổ bộ vào đất liền mức độ tàn phá của cơn bão này có thể tương đương hoặc mạnh hơn bão số 12 năm 2017 đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, gây thiệt hại nặng nề).

Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo, nhất là bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hoạt động khác trên biển; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm trên biển, đảo vào đất liền. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể, các địa phương quyết định việc cấm biển.

2. Rà soát, chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn trên đất liền: Rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân: sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, đê điều, hồ đập, bảo vệ cơ sở các sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

3. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thường xuyên cập nhật vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ.


PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh