Kho báu vật 'cây nhà trời' trăm tuổi trên núi Ngọc Linh
- Huyệt vị
- 20:33 - 25/04/2017
Ngoài cây thuốc dấu - sâm Ngọc Linh, những rừng quế bạt ngàn dưới chân đỉnh Ngọc Linh là báu vật và của để dành cho cháu con mà thần linh ban tặng cho bà con Ca dong, Mơ nông, Xê Đăng.
Không phải đến bây giờ người ta mới biết đến giá trị của cây quế Trà My (Quảng Nam). Mấy trăm năm trước, quế Trà My là sản vật quý dùng để tiến vua hàng năm và được vua Minh Mạng cho khắc lên Nghị Đỉnh trong bộ Cửu Đỉnh ở Cung đình Huế, gọi là “Cao sơn Ngọc quế”.
Cây quế cổ thụ tại làng Ông Ní phải 2 người ôm mới xuể
Già làng Hồ Văn Dân đang thu hoạch vỏ quế
Cách đây hơn 30 năm, những vườn quế cổ thụ bạt ngàn nơi miền đất Tiên Phước (Trà My) bị khai thác ào ạt để xuất khẩu nhằm chế biến dược liệu. Chỉ một thời gian ngắn sau, nguồn quế cạn kiệt.
Để phục hồi những rừng quế, chính quyền địa phương vận động người dân trồng lại bằng giống quế nhập từ các tỉnh phía Bắc cho năng suất cao. Cây quế phát triển mạnh nhưng không có giá trị kinh tế vì không có tinh dầu.
Hàng trăm nghìn người trồng quế miền “Cao sơn Ngọc quế” Tiên Phước, Trà My,... lâm vào cảnh điêu đứng vì phải chặt bỏ quế Bắc để trồng lại quế bản địa. Những cây quế này được bà con người Ca Dong, Mơ Nông dưới chân núi Ngọc Linh gìn giữ bao đời nay đã cứu cây quế gốc Trà My khỏi tuyệt diệt.
Đưa tay chỉ cây quế gốc hàng trăm năm tuổi ở làng Ông Ní, xã Trà Vân, anh Bùi Phi Lâm cho biết làng còn nhiều vườn quế cổ thụ như thế nhưng nằm sâu trong rừng, đi hơn 2 tiếng mới tới.
Cả làng Ông Ní có chừng 40 hộ dân sinh sống. Giống như bà con Xê Đăng trên núi Ngọc Linh bí mật trồng sâm Ngọc Linh giữa rừng, ở xã Trà Vân, bà con Ca Dong cũng bí mật trồng những vườn quế giữa rừng sâu.
Sau hơn 2 giờ vượt núi, cả rừng quế cổ thụ hiện ra trước mắt. Những thân cây già cỗi, lớp vỏ sần sì, rêu phong bu kín. Đặc biệt, quế không hề bị bệnh râu mực - một loại bệnh khiến cây quế chết đứng ở những rừng quế bắc cao sản.
Một cây quế cổ thụ khác tại Trà Vân. Hằng năm những cây quế cổ thụ cho hàng triệu hạt giống
Cây quế to nhất có chu vi khoảng 2,5m, hai người ôm không hết. Anh Lâm cho hay đây là cây quế lớn nhất, già nhất, được xem là cây “quế Tổ”. Ngoài ra là hàng trăm cây khác có đường kính từ 40cm đến 60cm.
“Cây quế này tuổi nhiều hơn cả tuổi của bố mình. Nghe già làng kể là được trồng từ rất lâu rồi. Đây là cây rất quý để lấy hạt giống. Nhiều thương lái vào hỏi mua nhưng cả làng quyết định không bán, bởi cây quế đối với người dân Trà Vân rất quan trọng, là biểu tượng của sự giàu có” - anh Lâm kể.
Già làng Hồ Văn Dân ở thôn 2 Trà Vân, nơi có những vườn quế cổ thụ, cho biết, cây quế luôn gắn bó với cuộc sống của bà con, được xem như là tài sản lớn, là của để dành cho con cháu. Chỉ khi có việc trọng đại bà con mới bán, còn không thì giữ lại và trồng thêm.
“Nhà nào ít nhất cũng hơn 500 cây, nhiều thì cả rừng hàng chục ha. Mỗi năm nếu cần tiền cho con đi học hay cưới vợ gả chồng họ mới bán quế. Mỗi cây quế cổ thụ là biểu tượng của sức sống trường tồn, sự giàu có và xem cây quế là báu vật của trời ban tặng”, già làng Hồ Văn Dân nói.
Già Dân cũng cho biết, nguyên nhân hình thành những vườn quế cổ thụ này là do từ xưa, khi người chủ gia đình chết đi đã để lại cho con cháu có cái ăn, cái làm giàu. Theo thời gian, các thế hệ sau không khai thác nên rừng quế tồn tại từ đời này qua đời khác, hình thành nên vườn quế cổ thụ ngày nay.
Thu hoạch quế ở Trà My
Người dân phơi quế để xuất khẩu
Hồi sinh những rừng quế
Quế Trà My được đánh giá là chứa nhiều tinh dầu hơn tất cả các loại quế khác ở Việt Nam. Tinh dầu quế được dân gian gọi là “bạch chỉ phàn du”, có tác dụng chữa các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, kích thích sự tuần hoàn của máu, lưu thông huyết mạch, giúp cơ thể ấm lên và có tính chất sát trùng.
Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã bắt tay vào thu mua, chế biến sản phẩm từ quế, như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, rượu quế, bột quế, tăm xỉa răng từ thân quế, kẹo ngậm,... Giá 1kg quế loại 1 là 55.000 đồng, loại 2 là 45.000 còn lại quế vụn khoảng 35.000 đồng,...
Để cây quế cùng với cây sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu quý hiếm, cây xóa đói giảm nghèo ở miền núi, tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam mới đây đã thông qua quy hoạch và chiến lược phát triển cây quế Trà My đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
“Quảng Nam đang tập trung đầu tư và phát triển cây quế và cây sâm Ngọc Linh. Riêng cây quế đã quy hoạch 7.777 ha, trong đó trồng mới 4.017 ha và 3.760 ha hiện có. Đến năm 2030 sẽ phát triển diện tích trồng quế lên 10.000 ha và hình thành cơ sở chế biến quế thành dược liệu xuất khẩu. Tổng nguồn vốn đầu tư cho cây quế là 113,5 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.