CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

Khi người giúp việc trở thành mối họa trong gia đình

 

90% chưa qua đào tạo

Người giúp việc (NGV) đánh bé gái hơn 1 tháng tuổi (thành phố Phủ Lý, Hà Nam), tung bé lên cao, nhét khăn vào miệng để bé không khóc đã bị cơ quan công an xử lý sau khi gia đình phát hiện và trình báo. Trước đó, tại Tp HCM, cơ quan Công an quận Tân Bình đã giải cứu một bé gái bị giúp việc bắt cóc nhằm tống tiền nhà chủ.

Cũng liên quan đến NGV vào ngày 25/10/2017, Công an phường Bến Thủy, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này đã nhận được đơn tố cáo của anh Đinh Văn Tài (SN 1984) về việc một “bảo mẫu” có hành vi hành hung đứa con 5 tháng tuổi của gia đình. Công an thành phố Vinh đã triệu tập bà Đặng Thị Lý (58 tuổi, giúp việc cho gia đình anh Tài) để xác minh sự việc.

Trước đó, ngày 24/10, anh Tài tình cờ kiểm tra dữ liệu camera lắp tại nhà và phát hiện một số khoảng thời gian không được ghi lại. Thấy khả nghi, anh đã đi nhờ bạn phục hồi camera. Khi camera được bật lại, anh không tin vào mắt mình khi thấy người giúp việc là bà Lý đánh vào đầu con anh, dùng gối úp vào mặt cháu, đập liên tiếp vào mặt. Sau đó, bà này còn bế xốc, giật lắc cháu bé để "ru" cháu ngủ.

 

Người giúp việc bạo hành cháu bé gần 2 tháng tuổi tại Phủ Lý, Hà Nam.

 

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 98,6% lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) là phụ nữ, độ tuổi trung bình là 44,8 tuổi, bình quân một lao động GVGĐ có thời gian làm việc khoảng 11 giờ/ngày. Chính vì hạn chế trong trình độ nhận thức nên nhiều lao động GVGĐ rất ngại phải tham gia các lớp đào tạo nghề, lo sợ phải ký hợp đồng vì sợ bị ràng buộc. Khi đã có chứng chỉ hành nghề, hoạt động giúp việc nhà trở thành một công việc chính thức và được bảo vệ. Sự tôn trọng những nguyên tắc trong công việc sẽ tránh được những rủi ro, mà đôi khi người gánh chịu lại là những em nhỏ.

“Ở các nước khác như Philippines, Hàn Quốc... người giúp việc gia đình phải kiểm tra, trước tiên là về thể chất. Trong khi đó, tại Việt Nam, do cầu vượt cung nên nhiều gia đình chấp nhận thuê cả giúp việc gia đình chưa được đào tạo hoặc không biết rõ lý lịch, điều này có thể gây ra những mối nguy cho các chủ nhà” – bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Đào tạo nghề, kỹ năng cho Osin

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho biết năm 2008, lao động giúp việc gia đình ở nước ta là khoảng 157.000 người, năm 2016 là khoảng 246.000 người và dự báo đến năm 2020, cả nước có 350.000 người làm lao động giúp việc gia đình.

Một điều tra của Viện Công nhân công đoàn về thực trạng lao động giúp việc gia đình ở Hà Nội cho thấy, LĐ GV thiếu chuyên môn, không biết sử dụng các thiết bị trong gia đình, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không cao. Do vậy, chủ nhà gặp khó khăn trong hướng dẫn họ làm việc nhà: 23,3% gia đình phải mất nhiều thời gian hướng dẫn cho NGV biết sử dụng thành thạo các thiết bị. Điều đáng nói là trình độ học vấn của NGV rất thấp: 15% chỉ học xong tiểu học, chỉ có hơn 20% có trình độ THPT. Kết quả điều tra cũng cho thấy có 42,7% hợp đồng bằng miệng, 16% hợp đồng bằng giấy tờ, giao kèo chủ yếu thông qua mối quan hệ quen biết.

 

Phát hiện cháu bé 5 tháng tuổi tại Tp Vinh,  Nghệ An  bị người giúp việc bạo hành nhờ thiết bị camera.

 

Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Thị Minh cho biết, lao động GVGĐ đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. GVGĐ không chỉ tăng cơ hội việc làm, trả công đối với một bộ phận lao động mà còn tạo ra việc chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật một cách chuyên nghiệp và có chất lượng hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực lao động này đang tồn tại khá nhiều vấn đề đáng quan ngại. Tình trạng GVGĐ không được bảo vệ, bị chặn lương, rồi người GVGĐ trộm cắp, bạo lực… vẫn thường xảy ra. Nhiều GVGĐ từ quê ra chưa được đào tạo, không có kỹ năng, làm việc hành xử theo kiểu tự phát đang làm đau đầu rất nhiều chủ nhà. Ở Việt Nam, mặc dù hành lang pháp lý đối với GVGĐ đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế phần lớn người sử dụng lao động cũng như người lao động chưa hiểu hết hoặc chưa nắm hết những quy định của pháp luật đối với lao động. Việc ký hợp đồng lao động chưa được đầy đủ, các nội dung trong hợp đồng cũng chưa rõ ràng.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình phân tích, nhu cầu của xã hội hiện nay với người giúp việc rất lớn đặc biệt ở những đô thị lớn. Yêu cầu với người giúp việc hôm nay không chỉ là dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt quần áo mà đòi hỏi nhiều cái đặc biệt là kỹ năng mềm, kiến thức chăm sóc trẻ.

Nhu cầu xã hội rất lớn nhưng trong cách quản lý chúng ta vẫn chưa nhìn nhận giúp việc là một một nghề nghiệp mang lại thu nhập chính. Thay vào đó lại cho rằng đây chỉ là việc làm thêm, dành cho bộ phận người nhàn rỗi như người già, người mất sức lao động… Chính cách nhìn nhận này dẫn đến chúng ta chưa có cách quản lý hiệu quả với lực lượng lao động giúp việc. Quản lý ở đây không chỉ là việc nắm số lượng mà là ở đào tạo chuyên môn, đào tạo kỹ năng cho người giúp việc. “Chúng ta phải nhìn nhận đây là một nghề, mà đã là nghề phải có dạy nghề phải có cấp bằng, phải có tổ chức quản lý chưa không thể phó mặc cho các trung tâm giới thiệu việc làm như hiện nay”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh