THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:27

Khi “ông Quốc hội”... về rừng!

 

Đi tìm “người của dân” 

Trong những cán bộ có uy tín, được lòng dân và hay được dân nhắc đến nhiều nhất ở tỉnh Hà Giang, kể cả lúc còn công tác đến khi về hưu, thì ông Phượng Quầy Phin là một trong số những người hiếm đó. Tôi cũng đã nghe được rất nhiều chuyện ông giúp dân ngày còn đương chức trên tỉnh, vì ông là người trực tính, nông dân trưởng thành lên và cái cơ bản là không bon chen và vụ lợi tẹo nào cho mình.Lờ mờ trong tay địa chỉ, nhờ người dẫn đường, tôi tìm lên đỉnh Tồm Lang để gặp ông Phin. Đi dọc đường, tôi hỏi về gia đình, đặc biệt con cái ông xem có giỏi như bố không, đang đảm đương chức vụ gì, ở đâu? Anh cán bộ người dân tộc nói trong tiếng thở: Ông này toàn lo việc dân thôi. Việc nhà ông ấy “lười” lắm. Con có 5 đứa, 3 gái 2 trai.

Nhưng 3 đứa con gái đầu, ngày ông ấy còn làm lãnh đạo ngoài tỉnh, không có điều kiện chăm sóc nên đều phải nghỉ học để ở nhà làm ruộng, làm nương kiếm cái ăn. Rồi lấy chồng, sinh con đẻ cái và vẫn nương rẫy là chính. May 2 đứa con trai cuối, ông ấy nghỉ hưu về kịp, lo cho nên còn học hành ra tấm ra món. Một đứa tốt nghiệp Trường cảnh sát, một tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân...

Gần 7 tiếng leo bộ tôi đã đến được nhà ông. Rượu là thứ ông đem mời tôi thay nước. Với cái răng vàng giả lấp lánh khóe mép, ông bảo, tớ chẳng muốn quan chức. Vì dân thì làm. Làm, dân tín nhiệm, từ chức nhỏ rồi lên chức to thôi. Nay về, bỏ hết, về với quê hương, gia đình, lội rừng chăn trâu, xoay trần trồng rừng và thảo quả lại thấy khỏe.Ông Phượng Quầy Phin, sinh năm 1947. Ông bảo, làng ông là một bản người Dao thuần nhất dưới chân núi Tồm Lang. Ngày trẻ ông cũng xác định có một cuộc sống bình thường thôi. Thế nhưng đói nghèo quá, động đâu vướng đấy vì không có chữ, không biết đọc, biết xem để mà học, mở mang cái đầu.

Mù chữ là bi kịch, xác định vậy nên ông quyết định đi học để lấy chữ. Học hết cấp 2, ông quẩy quả lội bộ 60km đường rừng ra tận ngã ba Tân Quang của huyện Bắc Quang bây giờ để đón một chuyến xe duy nhất trong ngày sang Thái Nguyên học ở trường Trung cấp Nông nghiệp Việt Bắc. Học xong về, muốn nhiều người dân biết chữ nên ông xin làm giáo viên. Dậy được 2 năm, giúp vài chục người đọc thông viết thạo thì ông “bị” huyện “gọi” sang làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp. Vẫn muốn dậy học nữa nhưng huyện đã “gọi” nên ông phải đi.

Làm đây được 2 năm thì bố ông mất. Để có điều kiện giúp mẹ chăm các em, ông viết đơn xin về làm cán bộ xã. Làm chưa được 2 năm thì ông lại “bị” huyện “gọi”. Lại phải ra làm cán bộ, lại được xuống tận trường Nguyễn Ái Quốc học chính trị. Về, thấy ông rảo hoạt lại hay lo cho dân nên huyện đưa ông sang làm Phó Giám đốc Cty Thương mại vì các mặt hàng thiết yếu để phục vụ cho dân vùng cao lúc này khan hiếm vô cùng.

Sau, cũng do nhanh nhẹn, lại cái tính hay lo cho dân nên ông lại được đưa sang làm Trưởng Ban tổ chức Chính quyền huyện, tiếp tục làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch huyện. Ông giữ chức vụ này hơn 10 năm. Tưởng quan lộ của mình “đã yên”, ngờ đâu năm 1997, ông được tỉnh rút về, làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh 2 khóa liền. Rồi lại làm Đại biểu Quốc hội khóa X. Nhiệm kỳ hết, ông xin không ứng cử. Nhưng do dân tín nhiệm quá, nhiều người, nhiều xã còn viết cả thư lên tỉnh xin ông phải làm tiếp, ông lại được bầu, lại làm đại biểu Quốc hội, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang khóa XI.

Mình có tốt đồng bào mới hay!

Gia sản của ông Phin hiện là ngôi nhà nằm cheo leo trên đỉnh Tồm Lang. Ông bảo không gì sướng bằng được sống với dân quê mình, dân là trên hết. Ông về, với tâm niệm được gần dân quê và muốn làm gì đó để giúp dân. Ngôi nhà của ông, cách đường gần 7 giờ leo núi, toàn bộ do dân giúp để làm. Ông bảo, thấy ông về, bảo làm nhà trên Tồm Lang nên mọi người vui lắm. Ai cũng chủ động đến giúp, khuân vật liệu lên mất 7 tháng trời mà ông chả mất đồng tiền công nào, chỉ mất cơm và rượu cho dân bản thôi.

Ông Phin với cuộc sống đời thường của mình trên đỉnh Tồm Lang.

Ông bảo ngày còn xỏ giầy da, mặc com lê xuống Hà Nội hay đi tiếp xúc cử tri mình thấy nhiều người nói mà chả chịu làm. Người vùng cao, lại là dân tộc thiểu số nữa, muốn họ làm được thì mình phải làm trước đã. Làm để dân học rồi làm theo như thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Chính vì cái sự làm để dân làm theo này mà không ai có thể quên được ngày ông còn làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ngày ấy, trong những lần xuống với dân, ông đã phát hiện ra đất ở huyện Quang Bình (Huyện mới tách ra từ huyện Bắc Quang) rất hợp với cây keo. Đất đai bỏ trống nhiều, dân không có thu nhập nên ông đã đề xuất việc trồng keo nguyên liệu để phủ xanh đất, tăng thu nhập.

Ngày ấy, việc trồng keo và gỗ nguyên liệu còn rất lạ lẫm với dân ở đây nên họ hồ nghi. Với quan điểm nói đi đôi với làm, làm để dân thấy và học nên không nề hà ông đã xuống tận huyện Quang Bình để thuê mấy chục ha đất. Thế là cứ vào những này cuối tuần, ông lại đi xe khách xuống đó, xoay lưng trần, dọn đất và trồng cây. Cây lên, quay đi quay lại, ông bán, có tiền nên người dân học theo. Chính nhờ việc làm này mà hiện Quang Bình đã có rất nhiều hộ dân đã trồng keo với diện tích lớn, nhiều người làm giàu bằng nghề này.

Lại chuyện ông dậy dân trồng thảo quả để xóa đói giảm nghèo. Cũng vẫn ngày làm Chủ tịch mặt trận tỉnh, trong một lần lên vùng cao, ông thấy tại huyện Quản Bạ bầy bán khá nhiều thảo quả. Tưởng dân đã biết ích lợi và giá trị của loại cây này nên đã trồng được, ông hỏi để nhân rộng thì được biết thảo quả được bầy bán là do đưa từ Trung Quốc sang. Đăm chiêu, với kiến thức đã học, ông nghĩ Quản Bạ có khí hậu tương đồng như một số vùng miền có trồng thảo quả bên Trung Quốc, sao dân không trồng mà lại phải lấy từ họ. Thế là ông lại mầy mò, dành thời gian rỗi để vượt gần 50km, vượt qua dốc Pắc Sum để lên Quản Bạ, xoay lưng trần dậy dân trồng loại cây này. Chẳng bao lâu thảo quả nơi đây đã tốt um, dân bán có thu nhập mà không phải sang biên giới đưa về nữa.

Ông bảo, cái ông thích nhất bây giờ là lòng dân và tình cảm dân dành cho mình. Căn nhà được phân ngoài thị xã hồi làm cán bộ ông cũng không dùng nữa. Cái điện thoại cũng cho rồi. Hiện ông chỉ còn “phải lấy” 3,8 triệu tiền lương do nhà nước cấp phát theo chế độ hưu trí hàng tháng thôi. Mọi thứ ông tự làm, tự có nên số tiền ấy ông không dùng đến, thường cho người nghèo trong thôn vay để họ phát triển kinh tế. Họ làm được thì đem đến trả, còn không ông cũng chẳng nhớ đã cho ai vay, ai mượn nữa.

Nỗi cấn cá duy nhất của ông hiện nay là số phận những đứa con. Ông bảo trong 5 đứa thương nhất là 3 đứa con gái đầu đã không được ông lo lắng vẹn toàn. Không học hành đến nơi đến chốn, không nghề nghiệp là do hồi ông bận làm cán bộ ngoài tỉnh quá! Nhiều người thân quen có ý định giúp đỡ các con ông nhưng ông đều không đón nhận. Ông quan niệm, dù làm gì đi chăng nữa thì nghị lực, lòng người và tình cảm vẫn là quan trọng nhất.

ĐƠN THƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh