Khí hậu Trái đất năm 2023 sẽ như thế nào?
- Tây Y
- 16:10 - 09/01/2023
Theo báo Lao động, trong vài tuần tới, các nhóm nghiên cứu khoa học khí hậu lớn dự kiến sẽ đưa ra kết luận về nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 và mức nhiệt này có thể sẽ khá cao. Một dự thảo ước tính đầu tiên do Tổ chức Khí tượng Thế giới ban hành vào tháng 11 dự đoán năm nay sẽ được xếp hạng là năm nóng thứ năm hoặc thứ sáu được ghi nhận, cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900.
Như vậy, 8 năm qua là những năm nóng nhất kể từ khi các phép đo toàn cầu bắt đầu, theo số liệu của WMO. Và hiện tại, xu hướng nóng lên này có vẻ sẽ tiếp tục. Theo các nhà khí tượng học, năm 2023 đang dần bắt đầu với một trong những đợt mùa đông ấm nhất trong lịch sử châu Âu.
Sau khi lục địa này phá kỷ lục nhiệt độ mùa hè năm thứ hai liên tiếp vào năm 2022, một số quốc gia châu Âu cũng đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong mùa Đông vào Ngày đầu năm mới.
VTV cũng đưa tin, năm 2022 thế giới đã chứng kiến những thảm họa tự nhiên và thiên tai diễn ra tại nhiều quốc gia với mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy, như ngập lụt nhấn chìm 1/3 lãnh thổ Pakistan hay mùa Hè nóng nhất trong 500 năm qua tại châu Âu, rồi những trận bão tuyết "quái vật" hoành hành ở nước Mỹ trong tháng 12.
Lũ lụt tàn khốc, hạn hán, những cơn bão như ngày tận thế và mực nước biển liên tục dâng cao trong năm qua đã khiến người dân nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pakistan, Italy và vùng Sừng châu Phi khốn khổ. Nhưng đó có phải chỉ là sự bắt đầu hay không?
Tiến sĩ Saleemul Huq - Trung tâm quốc tế về Phát triển và Biến đổi khí hậu Bangladesh cho rằng: "Các nhà nghiên cứu đã rất nhanh chóng đưa ra kết luận rằng, có khả năng đến 50% Pakistan sẽ lại hứng chịu một trận lũ lụt như vừa qua, đó là hậu quả do con người gây ra những biến đổi khí hậu. Những cơn bão mạnh như bão Ian ở Mỹ cũng sẽ xảy ra với khả năng 30%. Không có gì chắc chắn rằng thế giới sẽ không xảy ra thảm họa tương tự như vậy nữa".
Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 được dự báo sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2023 và sẽ tác động đến chính sách năng lượng các nước và thói quen sử dụng nhiên liệu của người dân. Các nước đang tập trung vào hai cách - thăm dò thêm những mỏ dầu khí mới hoặc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng nguồn cung.
Một bước tiến quan trọng có thể thấy vào năm 2023 đó là thỏa thuận của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển G7 hỗ trợ Ấn Độ tài chính để nước này chuyển đổi sang năng lượng sạch, cũng như thỏa thuận giúp Nam Phi giảm phát thải carbon trong dài hạn, chuyển đổi năng lượng một cách công bằng. Ngoài ra, vẫn còn một hy vọng cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu tại Brazil - quốc gia cũng từng hứng chịu nhiều thiệt hại người và của do mưa lũ và lở đất trong năm qua.
Bà Marina Silva - Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Brazil: "Brazil có một thách thức to lớn trong việc tôn trọng các cam kết trong Thỏa thuận Paris. Chúng ta đã từng thất bại, chủ yếu là do sự gia tăng lượng khí thải từ nạn phá rừng. Chính phủ đã thành lập ban thư ký đặc biệt để kiểm soát nạn phá rừng, bảo tồn khu vực rừng tự nhiên và các điền trang".
Hội nghị COP28 dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Từ giờ tới lúc đó, các nhà khoa học hy vọng rằng các quốc gia có thể thống nhất việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, một trong những nhân tố gây phát thải khí nhà kính chính trên toàn cầu - vấn đề đã không thể đạt được đồng thuận trong COP27 vừa qua tại Ai Cập. Và khi các quốc gia chưa có biện pháp triệt để để giảm khí thải nhà kính, thì nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay vẫn có thể xảy ra.