Xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu Đông Nam Á
- Y học 360
- 15:39 - 30/10/2022
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM vừa phối hợp với Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV); Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV); Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại một số quốc gia Đông Nam Á”.
Đây là hội thảo quốc tế, có hơn 150 đại biểu là Tổng Lãnh sự quán Indonesia, Campuchia; Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM, lãnh đạo ActionAid, AVV cùng sinh viên các nước ASEAN đang theo học tại trường Đại học KHXH&NV tham dự.
Hội thảo đã nghe giới thiệu các mô hình thành công trong vận động tăng nguồn tài chính cho các sáng kiến xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam, In đo nê xia, Cam pu chia trong bối cảnh ASEAN là một khu vực có nhiều quốc gia thành viên nằm trong danh sách các nước có mức độ rủi ro rất cao về thiên tai và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Các phát hiện được giới thiệu tại hội thảo là kết quả của hoạt động do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp với 3 nhóm nghiên cứu tại 3 nước: Việt Nam, Campuchia và Indonesia triển khai từ tháng 8/2021 đến tháng 6/2022, do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) và ActionAid đồng tài trợ.
Tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các khách mời, cung cấp những góc nhìn khác nhau về những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính dành cho các sáng kiến cộng đồng xây dựng khả năng chống chịu tốt hơn với thiên tai và thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu tại các nước ASEAN.
PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - ASEAN TP.HCM, cho biết: “2022 là năm ASEAN kỷ niệm 55 hình thành và phát triển. Khẩu hiệu ASEAN 2022 do Campuchia đề xướng: “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức” cũng sẽ là tinh thần mà tọa đàm chúng ta cam kết quyết tâm hành động “Vì một Đông Nam Á xanh và phát triển bền vững””.
Tại tọa đàm, Giải thưởng Sáng kiến Thanh niên vì Phát triển bền vững cũng đã được công bố. Đây là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học KHXH và NV - Đại học Quốc gia TP.HCM với ActionAid Quốc tế và Quỹ Hỗ trợ Chương trình Dự án An sinh Xã hội Việt Nam hướng tới xây dựng kỹ năng và cơ hội để thanh niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Hàng năm sẽ có hai đợt xét giả, mỗi đợt có tổng giá trị lên đến 250 triệu đồng.
Giải thưởng dành tặng các cá nhân hoặc nhóm thanh niên có các đề tài/sáng kiến nghiên cứu và ứng dụng xuất sắc, giải quyết các vấn đề của cộng đồng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao vai trò và sự tham gia của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại buổi toạ đàm, TS. Nguyễn Minh Nhật - Phó Trưởng ban VH - XH, HĐND TP.HCM nêu quan điểm:
• Chiến lược đối phó và giảm rủi ro thiên tai cần có sự tập trung vào việc nâng cao nhận thức về rủi ro của thiên tai. Một trong những hoạt động quan trọng nhất trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai là chính phủ cần đào tạo một lực lượng tinh nhuệ với khả năng chuyên môn trong việc đối phó với thiên tai. Trong công tác này, có thể nói đến Đề án 1002 của nhà nước về việc đào tạo các Tập huấn viên để nắm bắt rủi ro thiên tai trên địa bàn thành phố.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Đội trưởng Đội xung kích xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho rằng:
• Việc đóng góp tài chính cho các hoạt động của đội xung kích được ủng hộ bởi cộng đồng người dân của xã, góp phần xã hội hóa việc huy động vốn.
• Những cá nhân trong cộng đồng nếu không thể đóng góp tài chính thì có thể ủng hộ bằng ngày công lao động hoặc đóng góp chuyên môn, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên