Khi du lịch "ngấm đòn" COVID-19: Bài cuối: Giải bài toán tương lai như thế nào?
- Văn hóa - Giải trí
- 23:28 - 29/06/2021
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội khách sạn Thừa Thiên Huế, dù khó khăn nhưng tất cả các doanh nghiệp luôn trong tư thế sẵn sàng đón khách trở lại khi được phép và bảo đảm an toàn. Chẳng hạn như 2 công ty do ông đứng đầu, hiện vẫn duy trì khoảng 30% lao động chủ chốt (khoảng trên 60 người). Trong một tháng, đơn vị sẽ bố trí số ngày công phù hợp, qua đó giúp những lao động này có việc làm, có nguồn thu nhập nhất định để họ gắn bó với doanh nghiệp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, số lao động duy trì này sẽ đóng vai trò then chốt giúp đơn vị khởi động lại các kế hoạch kinh doanh. "Hầu hết tất cả các doanh nghiệp đều duy trì một lực lượng nhất định, phù hợp với quy mô và luôn sẵn sàng đón khách trở lại khi được phép", ông Bình cho biết.
Đối với khu ki ốt hàng lưu niệm Linh Mụ, theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch TP Huế, sau khi thu hồi các ki ốt, thành phố sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất lập đề án quy hoạch lại. Sau đó, sẽ đem ra đấu thầu quyền thuê kinh doanh tại đây. "Tuy không cam kết trước điều gì, nhưng nhưng thành phố sẽ tạo điều kiện đối với các hộ đã và đang kinh doanh hiện nay sau khu vực đó được quy hoạch lại".
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 2016 - 2019, ngành du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả tích cực, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách đến giai đoạn này đạt khoảng 12%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt tốc độc tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm. Ngành du lịch - dịch vụ đã đóng góp 50% GRDP trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Du lịch đã thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyển dần theo hướng phục vụ du lịch, giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho rất nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, ngành du lịch Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng rất nặng nề. Các chỉ tiêu tăng trưởng đều giảm mạnh, chỉ tiêu về khách, về doanh thu giảm trên 70% so với khi chưa có dịch, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều lao động mất việc làm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống an sinh xã hội của người dân.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, du lịch - dịch vụ là ngành có khả năng phục hồi rất nhanh, đặc biệt là sau khi vaccine ngừa COVID-19 được tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, xem đại dịch lần này là bài test quan trọng cho việc phát triển bền vững. Do đó, định hướng cho giai đoạn sắp tới, Thừa Thiên Huế vẫn luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương dựa trên lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất để tập trung đẩy mạnh, phát triển du lịch. Tỉnh cũng đã có Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, ngành du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách. Thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong đó xác định: "du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng", để làm "kim chỉ nam" cho tỉnh tháo gỡ các khó khăn hiện tại và hướng tới tương lai.
Với đặc điểm vùng đất là một trung tâm văn hóa, di sản lớn, có nhiều tài nguyên du lịch, là lợi thế để phát triển, quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn là ưu tiên và tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của địa phương, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, xã hội. Cơ cấu kinh tế của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới vẫn xác định dịch vụ chiếm gần 50%, công nghiệp khoảng 32%, còn lại là ngành nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung vào việc cải tạo, khôi phục các giá trị văn hoá, mảnh đất Cố đô, như: thực hiện đề án mang tính lịch sử "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, hệ thống kinh thành Huế", chỉnh trang 2 bên bờ sông Hương, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trung tâm TP Huế, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, chuyển đổi số... nhằm xây dựng diện mạo mới cho đô thị Huế, tạo ra sự thu hút đối với du khách trong tương lai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo ngành du lịch tập trung các giải pháp, chuẩn bị các phương án cụ thể để sẵn sàng đón khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Trước mắt là triển khai các tuần quảng bá tại những thị trường khách quốc tế truyền thống của Thừa Thiên Huế, như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan vào đầu năm 2022. Đây có thể xem là một trong những giải pháp chủ động, đón đầu để kích hoạt và phục hồi, phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.
Đối với lực lượng lao động, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo Sở Du lịch tổng hợp danh sách người lao động trong ngành du lịch được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn trong quá trình phục vụ khi du lịch trở lại bình thường. Đồng thời tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn miễn phí các kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch cho người lao động trong ngành. Chuẩn bị để khi dịch bệnh được kiểm soát, đáp ứng yêu cầu chất lượng khi du lịch được phục hồi.
Người lao động cũng được giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh; được tư vấn nội dung đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Chương trình của Nhà nước và chương trình của các đơn vị dịch vụ; được tham gia các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm miễn phí, tạo nguồn để đi làm việc ở nước ngoài; được hỗ trợ đào tạo nghề theo chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Thừa Thiên Huế cũng triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động…
Tại cuộc gặp mặt báo chí mới đây, ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế khẳng định: "Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã bao trùm lên toàn bộ các ngành kinh tế, trong đó ngành du lịch chịu bị thiệt hại nặng nề nhất. Đời sống người lao động làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khó khăn, doanh nghiệp lao đao, đình trệ. Các hoạt động, chương trình kích cầu du lịch như Festival Huế, Festival nghề, việc tham gia các hội chợ về thương mại du lịch cũng không thực hiện được. Để phục hồi toàn bộ nền kinh tế, lãnh đạo tỉnh cam kết đồng hành, giúp đỡ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn".