THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:49

Khi du lịch "ngấm đòn" COVID-19: Bài 2: Doanh nghiệp cần được "truyền máu"

Bài 2: Doanh nghiệp cần được "truyền máu" - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe vận tải du lịch không khỏi sốt ruột khi những khối tài sản tiền tỷ nằm bãi dài ngày vì không có khách

Anh Hồng Phú - chủ một doanh nghiệp vận tải du lịch có tiếng tại Huế cho biết, tất cả các xe của doanh nghiệp đã phải nằm bãi khi dịch bùng phát trở lại. Dù xe không hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải chi tiền để bảo dưỡng xe, tiền bến bãi và cả tiền trả lãi ngân hàng. Đây cũng là tình hình chung của tất cả các hãng xe du lịch tại Huế. Theo một số chủ hãng xe, vì là xe được đầu tư để phục vụ kinh doanh du lịch nên khi xảy ra dịch bệnh, doanh nghiệp không thể chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng xe sang loại hình khác. 

Chúng tôi cũng đã cố liên hệ với một số chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu phố Tây, nơi được xem là "thủ phủ" thu hút khách nước ngoài tại Huế (Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu – Chu Văn An), nhưng cũng chỉ nhận được tiếng thở dài: "Thôi anh ạ! Phải nói là rất khó khăn, quá khó khăn và 2 năm qua ai cũng biết cả rồi".

Bài 2: Doanh nghiệp cần được "truyền máu" - Ảnh 2.

Những khu phố là "thủ phủ" thu hút du khách nước ngoài tại Huế giờ vắng tanh

Ông Nguyễn Hữu Bình – Chủ tịch Hội khách sạn Thừa Thiên Huế (đồng thời là TGĐ Công ty CP Đầu tư du lịch Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH du lịch Mondial Huế) cho biết, hiện tỉnh có khoảng trên 500 khách sạn, cơ sở lưu trú từ không sao đến 5 sao. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện rơi vào tình trạng gần như tê liệt và cần được "truyền máu". Theo đó, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, kinh doanh đa lĩnh vực có hoạt động nhưng theo kiểu cầm chừng, hướng tới khách hàng địa phương với dịch vụ giá rẻ, combo khuyến mãi. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên kinh doanh 1 lĩnh vực thì chỉ còn duy trì vài nhân viên nòng cốt để bảo trì, bảo dưỡng, lau chùi thường xuyên. "Dịch COVID-19 kéo dài liên tiếp khiến thị trường du lịch trong nước và thế giới đóng băng. Trong khi đó, du lịch nói chung, lưu trú, khách sạn nói riêng thì phải có khách để phục vụ. Không có khách, đương nhiên không có thu. Cho nên phải nói là quá khó khăn. Vì vậy, chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, khoanh nợ để có thể vượt qua giai đoạn cam go này", ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, tại Thừa Thiên Huế có khoảng trên dưới 10.000 lao động làm việc trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn. Trong đó, có đến 80% doanh nghiệp có chủ đầu tư nhỏ, kinh doanh 1 lĩnh vực nhất định đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. Riêng các doanh nghiệp lớn, có số lượng nhân viên từ 300 người trở lên sẽ giữ lại khoảng 40% và vẫn giữ một số chế độ đãi ngộ tốt hơn so với mặt bằng chung hiện tại. Vì thế, đời sống của hầu hết người lao động cực kỳ khó khăn.

ÔNG NGUYỄN HỮU BÌNH

Chủ tịch Hội khác sạn Thừa Thiên Huế; TGĐ Công ty CP Đầu tư du lịch Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH du lịch Mondial Huế

  • Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hiện nay đã rơi vào tình trạng gần như tê liệt và cần được "truyền máu".

Không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả các đơn vị quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di tích, vừa khai thác du lịch như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Được biết, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, đơn vị này đã có ít nhất 2 lần phải đóng cửa không tiếp nhận khách tham quan để phòng, chống dịch bệnh. Lần đóng cửa mới nhất là từ khi bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 4 cho đến ngày 11/6 vừa qua, nguồn thu của đơn vị giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của trung tâm, từ hoạt động trùng tu cho đến nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật, duy trì đời sống cho đội ngũ công nhân viên chức, người lao động. Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ đầu năm đến nay, đơn vị chỉ mới thu được khoảng 19 tỷ đồng, bằng 15% dự toán. Không có nguồn thu, Trung tâm chỉ có thể cố gắng đảm bảo tiền lương cơ bản cho người lao động, còn các khoản thu nhập tăng thêm, hỗ trợ đều cắt giảm, một số lao động phải nghỉ việc tạm thời.

Bên cạnh đó, các đơn vị như Ban quản lý bến xe thuyền du lịch TP Huế, Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế... cũng chịu tác động toàn diện.

Bài 2: Doanh nghiệp cần được "truyền máu" - Ảnh 4.

Nhiều khách sạn lớn tại Huế ảm đạm vì không có khách

Theo ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh có khoảng 14.600 lao động phục vụ trong ngành du lịch, trong đó có 12.300 người làm nghề trực tiếp, 2.300 làm nghề gián tiếp. Bên cạnh đó còn rất nhiều người kinh doanh, phục vụ các dịch vụ đi kèm. Tính đến cuối năm 2020, Thừa Thiên Huế có trên 13.000 lao động du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 5 doanh nghiệp, văn phòng trên tổng số 91 doanh nghiệp lữ hành hoạt động; khoảng 30% doanh nghiệp đã thông báo dừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của khoảng 8.000 lao động. "Những doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động do không có tour, tuyến cũng đã cho người lao động nghỉ việc không lương, hoặc có hỗ trợ một phần nhỏ. Đa số người lao động trong lĩnh vực du lịch sau khi nghỉ việc đã tự tạo, tìm những việc làm để có nguồn thu, như: kinh doanh online, dạy kèm ngoại ngữ, làm đồ ăn, trồng chăm sóc cây cảnh… Nhiều người lại tận dụng khả năng ăn nói lưu loát để chuyển qua tư vấn bất động sản", ông Phúc cho biết.

Bài 2: Doanh nghiệp cần được "truyền máu" - Ảnh 5.

Có thời điểm, quần thể di tích Cố đô Huế phải đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19

Bài cuối: Giải bài toán tương lai như thế nào?


THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh