THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:46

Khi du lịch "ngấm đòn" COVID-19: Bài 1: “Kép chính, kép phụ” đều ngấm đòn

Cụm ki ốt kinh doanh hàng lưu niệm tại khu tham quan du lịch chùa Linh Mụ "im lìn" những ngày không có khách

Cụm ki ốt kinh doanh hàng lưu niệm tại khu tham quan du lịch chùa Linh Mụ im lìm.

Suốt nhiều tháng qua, khu ki ốt Linh Mụ (phường Hương Long, TP Huế) chuyên kinh doanh hàng lưu niệm gần như không hoạt động. Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm, khu vực này rơi vào trạng thái "ngủ đông" lâu như vậy. Bên cạnh việc lý do ảnh hưởng từ dịch bệnh, từ đầu năm 2020, TP Huế đã chỉ đạo phường Hương Long thu hồi toàn bộ các ki ốt do cho thuê không đúng thẩm quyền theo quy định quản lý tài sản công. "Rầu quá chú ơi! Hơn một năm nay không có khách, không bán được hàng. Giờ chính quyền địa phương lại thông báo yêu cầu trả lại mặt bằng trong vòng 10 ngày tới. Tôi đang thu dọn hàng để đưa về nhà đây", bà Nguyễn Thị Lan, một chủ ki ốt tại đây cho biết. 

Được biết, bà Lan đã kinh doanh tại khu ki ốt Linh Mụ từ những năm 2005 đến nay. Cụm ki ốt có gần 20 lô do UBND phường Hương Long quản lý và cho các hộ tiểu thương thuê lại để kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, như: bánh kẹo, mè xửng, giày dép, mũ, nón bài thơ, áo dài, túi xách, tranh ảnh…Từ những ngày đầu phôi thai với những ki ốt nhỏ lẻ mọc lên dọc theo mặt tiền tuyến đường Kim Long cho đến khi được quy hoạch gọn gàng, phân lô, cụm ki ốt Linh Mụ đã trở thành nơi mang lại miếng cơm, manh áo của biết bao con người. Thậm chí như bà Lan thì: "Gia đình đã đổ tất cả vốn liếng váo cái ki ốt này. Nó là gia tài, là nguồn nuôi sống cả gia đình tôi đấy". 

Bài 1: Bài 1: “Kép chính, kép phụ” đều ngấm đòn - Ảnh 2.

Bà Lan thu dọn hàng hoá, trả lại mặt bằng cho Nhà nước sau khi có quyết định thu hồi và sau thời gian kinh doanh ế ẩm

Những ngày không dịch bệnh, khu vực di tích chùa Linh Mụ đón hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày, nhất là vào mùa Xuân và mùa Hè. Nhưng từ hơn 1 năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch từ thoi thóp cho đến tê liệt hoàn toàn đã kéo theo rất nhiều hệ luỵ, và những người kinh doanh hàng lưu niệm tại khu vực chùa Linh Mụ cũng không ngoại lệ. "Đối với các mặt hàng khác có thể giải quyết ngày một ngày hai, chứ hàng "nằm" (hàng lưu niệm) này thì lâu lắm. Từ cuối năm trước, chúng tôi bắt đầu nhập hàng vào rồi đến đầu năm sau, khi khách du lịch trở lại đông thì mới bán ra được. Những mặt hàng này rõ ràng rất phụ thuộc vào việc có khách du lịch hay không. Vì vậy, khi dịch bùng phát, không có khách tham quan đồng nghĩa chúng tôi cũng không bán được hàng, đành phải đóng cửa, trong khi một số hàng có thể bị hư hỏng, ẩm ướt. Sốt ruột vô cùng", bà Lan thở dài ngao ngán. Bên cạnh việc kinh doanh ế ẩm do dịch bệnh, giờ đây tiểu thương khu ki ốt Linh Mụ cũng chưa biết sẽ đi đâu về đâu khi chính quyền thu hồi lại mặt bằng. "Hai năm không kinh doanh buôn bán được gì, ở nhà đói rách, giờ lại bị đòi mặt bằng thật quá ngán ngẩm. Chúng tôi cũng đã có đơn thư kiến nghị kéo dài thời gian trả mặt bằng nhưng chưa được giải quyết. Cách đây vài ngày, chúng tôi nhận thông báo thu dọn để trả mặt bằng trong vòng 10 ngày tới, không biết rồi sẽ đi đâu về đâu", vẫn lời bà Lan.

Bài 1: Bài 1: “Kép chính, kép phụ” đều ngấm đòn - Ảnh 3.

Quán bán nước phục vụ khách du lịch đang tạm "khoá sổ"

Cũng những ngày tháng 6, nhưng là tháng 6 của 2 năm về trước, đôi bàn tay của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chủ cửa hàng nước giải khát tại cổng bến xe du lịch Linh Mụ thoăn thoắt chặt dừa, ép mía, đập nước đá bán cho du khách. Cứ đến mùa du lịch, chiếc máy ép nước mía của chị lại hoạt động hết công suất. Thu nhập hàng ngày lên đến sáu con số 0 dù chỉ là quán bán nước giải khát vỉa hè. Ngoài ra, chị Nhung là một người khá nhạy bén trong kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, với việc tham gia bán hàng lưu niệm cho các chuyến tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây – Lăng Cô, thậm chí là ngoài tỉnh. Nhưng rồi cũng vì COVID-19, cả 2 nguồn thu ổn định đã không còn. Quán nước đóng cửa, trong khi các chuyến tàu du lịch không biết khi nào mới trở lại?

Bài 1: Bài 1: “Kép chính, kép phụ” đều ngấm đòn - Ảnh 4.

Chủ thuyền rồng du lịch "hoá" người bán cá tại khu vực chợ tự phát Chương Dương

Lần bước theo tiếng thở dài của những người kinh doanh dịch vụ du lịch tại xứ Huế, chúng tôi còn bắt gặp tại con phố Chương Dương (phía sau bến xe Đông Ba) hàng chục chủ thuyền, nhân viên thuyền rồng du lịch sông Hương đang bán cá kiếm sống hàng ngày. Bà Đỗ Thị Lài, chủ thuyền TTH-0375 là một trong những số đó. Cũng như nhiều dịch vụ du lịch khác, hoạt động du lịch trên sông Hương của khoảng 125 chiếc thuyền rồng gần như tạm dừng, thuyền nằm bờ ngày này qua tháng khác. Với việc mọi chi tiêu sinh hoạt đều trông chờ vào chiếc thuyền rồng nên khi "cần câu cơm" không hoạt động, đời sống gia đình bà Lài gặp rất nhiều khó khăn. "Đối với những gia đình con cái đã lớn còn đỡ, chứ như nhà tôi hiện cả 4 đứa con đều đang tuổi ăn tuổi học. Để có tiền trang trải, 2 vợ chồng đành phải đi tìm công việc khác, chồng thì đi phụ thợ nề, còn tôi đi buôn bán cá như này đây", bà Lài nói. "Từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, hầu hết người làm nghề thuyền rồng du lịch sông Hương phải đi làm việc khác để kiếm sống. Người buôn bán, người đi phụ thợ nề, đi lặn vẹm về bán…Như tôi bán cá này ngày lời từ 70 – 100 ngàn là tốt lắm rồi", bà Võ Thị Lời chủ thuyền TTH - 0068 cho biết.

Xích lô du lịch Huế trước và sau khi xảy ra dịch bệnh COVID-19

Đối với chị Lê Kim Anh, một hướng dẫn viên quốc tế tại Huế, từ tháng 2/2020 đến nay là một quãng thời gian dài. Sau tour đi nước ngoài trở về, chị đành phải tạm công việc chính của mình. "Tưởng chỉ về nghỉ một vài tour vì dịch COVID-19, ai ngờ đó là chuyến đi cuối của nghề hướng dẫn viên", chị Kim Anh ngao ngán. Theo chị Kim Anh, dù có đôi chút may mắn hơn so với các đồng nghiệp khi vẫn còn những nguồn thu nhập khác bù đắp trong thời gian nghỉ việc nhưng do dịch bệnh diễn biến kéo dài khiến các nguồn này của gia đình chị cũng dần bị "bóp" nhỏ lại. Nói về tình cảnh của đồng nghiệp, chị chua xót: "Đa phần đều phải kiếm việc làm để có tiền đắp đổi qua ngày. Thậm chí có người vay ngân hàng, vay nóng để có nguồn chi tiêu".

Bài 2: Doanh nghiệp cần được "truyền máu"

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh