Khi cái xấu 'đáp' lại cái xấu: Ai hưởng?
- Dược liệu
- 21:32 - 07/03/2018
Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ xin lỗi
Mới đây, tại trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, một cô giáo đã bị hội đồng phụ huynh bắt quỳ xin lỗi trước ban giám hiệu và đông đảo hội phụ huynh và học sinh bởi trước đó cô giáo viên này đã bắt học sinh quỳ. Trong câu chuyện này phải khiến chúng ta suy ngẫm: Khi cái sai đáp lại cái sai khác vậy ai là người "hưởng"?
Về vi mô chính là các em học sinh, người con của các bậc phụ huynh và xa hơn đó chính là xã hội.
Cái sai của cô giáo - bắt học sinh khi phạm lỗi là hình phạt quá nghiêm khắc, thiếu tính giáo dục, ảnh hưởng lớn đến tâm lí của các em. Liệu một xã hội văn minh có cần phải giáo dục con trẻ bằng biện pháp thiếu nhân văn như vậy. Và liệu với biện pháp này có thực sự giáo dục các em hiệu quả?
Với những bậc phụ huynh trong câu chuyện này, việc họ bảo vệ con cái là chuyện hợp lí nhưng lại bắt người giáo viên phải quỳ xin lỗi liệu có quá "tàn nhẫn". Họ quên mất rằng các con họ đang nhìn những hành động đó để mà học tập, làm theo. Trẻ con luôn lấy người lớn làm hình mẫu. Đó không phải là cách đối nhân xử thế đẹp, chúng ta cần giáo dục cho thế hệ sau lòng khoan dung, độ lượng bỏ qua sai lầm và chỉ ra cho các em thấy lỗi sai của mình mả chỉnh sửa, soi xét lại bản thân để đi đến mục tiêu cao đẹp - làm người có văn hóa.
Việc làm của phụ huynh sẽ khiến các em dễ hình thành tâm lí ăn miếng trả miếng, bạo lực giải quyết bạo lực mà hậu quả đang hiện ngay trước mắt, không hề xa xôi. Bạo lực học đường, học trò đánh trả giáo viên...
Và chuyện cái sai đáp lại cái sai không có điểm kết bằng sự nhân văn, nhân ái thì có lẽ chúng ta sẽ sống trong vòng quay luẩn quẩn của bạo lực, của tệ nạn và trẻ em sẽ chỉ biết đến nắm đấm mà không phải lòng khoan dung.