THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:28

Khát vọng của lớp học “hiểm nghèo”

 

Ý tưởng giàu chất nhân văn

Lớp học đặc biệt của những học sinh đặc biệt ấy hiện có trên 60 học sinh nằm trong Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh. Bác sỹ Trần Tuấn Hải, chuyện khoa Nhi của Bệnh viện cho biết: “Lớp học hoạt động đã mấy năm rồi.

Xuất phát từ ý tưởng hết sức nhân văn và độc đáo của một giáo viên trên địa bàn thành phố này. Bệnh viện đồng cảm và hưởng ứng ngay bằng cách dành một phòng hội trường rộng nhất của bệnh viện để làm phòng học cho các em.

Mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều vướng vào bệnh quái ác khi tuồi đời còn quá non trẻ. Thương lắm. Có em đang học dở lớp một, có em chưa được đi học ngày nào, chẳng biết đến sách vở, thế giới bên ngoài là gì ngoài giường bệnh cả.

Thế rồi, từ khi có lớp học, bệnh viện đã trang bị thêm cho lớp học của các em ti vi và nhiều phương tiện giải trí khác nữa. Đầy đủ như một lớp học bình thường vậy”.

Các em nhỏ tuổi lên 3 đến 10, từ Quảng Bình đổ vào, bị bệnh hiểm nghèo đến đây điều trị dài hạn. Cha mẹ các em điều kiện khó khăn nên bệnh viện đã hỗ trợ tiền ăn uống, các giáo viên tình nguyện thì tự mang đồ dùng đến dạy học miễn phí cho các em.

Các học sinh đặc biệt đang học trong lớp đặc biệt này.

Trong môi trường ấy, với học sinh bình thường đã vất vả, nhưng với những học sinh đặc biệt này càng cơ cực hơn. Nhưng triết lý sống cao đẹp của các giáo viên đã nâng đỡ các em.

Cô giáo Trịnh Thị Kim Phấn, người đưa ra ý tưởng nên có lớp học tình thương trong bệnh viên tâm sự: “Các em trọng bệnh nhưng vẫn có nhu cầu được học các kỹ năng sống, được biết cái chữ. Mà một khi đã vào nằm viện rồi thì làm sao mà đến lớp cho được.

Có lần tình cờ tôi vào thăm con của người thân thấy nhiều cháu đang học dở lớp 2 rồi nhập viện, trong lòng vẫn còn khao khát được đến trường lắm. Điều đó cứ ám ảnh trong lòng tôi mãi không thôi.

Bao đêm trăn trở tôi táo bạo đề xuất ý tưởng, Bệnh viện nên bố trí một lớp học tình thương cho các em”. Ban đầu chưa vận động được các sinh viên, giáo viên tình nguyện, cô Phấn dạy mấy ca liên tục. Cô bảo: “Tôi là giáo viên tiểu học ở đây. Ngoài thời gian bắt buộc lên lớp, cứ rảnh là tôi đến Bệnh viện để dạy các em.

Ngoài dạy kiến thức cần dạy các em cách vệ sinh và nhiều kỹ năng sống khác nữa. Cùng với đó, chúng tôi còn phải nghĩ ra những mẩu chuyện nói về nghị lực vươn lên của các nghịch cảnh khác như một cách “tiếp lửa” cho các em”.

Chung một tấm lòng cao cả

Chị Lê Thị Hải, mẹ của cháu Trần Văn Tùng cho biết: “Gia đình tôi nghèo từ tận Quảng Trị vào đây điều trị xạ trị cho cháu bị bệnh ung thư. Cháu rất thích đến trường nhưng đang nằm trong bệnh viện thì nhu cầu và sở thích đó là quá sa sỉ. Khi có lớp học này thấy vui lắm.

Vui nên cháu có nhiều tiến triển hơn trong quá trình điều trị bệnh của mình. Các cô giáo trong lớp học tình thương này tận tình, chu đáo như thể đang giúp cho con em ruột thịt của mình vậy”. Từ sự khởi xướng của cô Phấn, nhiều sinh viên, giáo viên trên địa bàn cũng đã đến với lớp học đặc biệt này.

Giáo viên Nguyễn Thị Kim Duyên cho biết: “Khi biết trong bệnh viện có lớp học này, dù bận công việc nhưng tôi vẫn quyết tranh thủ mỗi tuần dành ra mấy buổi để đến với các em. Dạy các em cần có một phương pháp riêng.

Có lúc đang lên lớp, các em lại phải vào phòng trị xạ nên làm cho các em không mất đi niềm đam mê học tập là rất quan trọng. Các giáo viên tình nguyện chúng tôi vẫn thường xuyên ngồi bàn với nhau để cùng tìm ra những phương thức truyền đạt hữu hiệu nhất.

 Chính lớp học này đã giúp các em phấn chấn hơn trong cuộc sống, tự tin để cùng vượt qua những khắc nghiệt của bệnh tật”. Cũng giống cô Phấn, cô Duyên, dù điều kiện còn hạn hẹp nhưng Trần Thu Thủy vẫn đều đều đến với lớp học này mỗi tuần 2-4 buổi.

Thủy tâm sự: “Đến với các em rồi thấy thương, không rứt ra được. Có em các bác sỹ chuẩn đoán chỉ còn sống được một năm, trị xạ trọc hết tóc nhưng rất hăng say học bài, hăng say tìm hiểu các kiến thức về cuộc sống bên ngoài.

So với những học sinh khác, các em thiệt thòi biết bao nhiêu. Tất cả những giáo viên chúng tôi đến với lớp học này đều là chung một tấm lòng muốn cho các em vui khỏe hơn, được ngày nào hay ngày ấy.

Biết thêm được cái chữ nào, tí kiến thức sống nào là hay chút đó”. Lẽ thường khi tham gia dạy học, ít học sinh thì người dạy sẽ buồn, nhưng ở lớp học này, cô giáo lại có tâm trạng lẫn lộn trái ngược nhau.

Vì mỗi khi học sinh giảm có thể em đó đã đỡ bệnh và được xuất viện thì các cô giáo thấy lòng nhẹ nhõm. Thế nhưng, có khi vắng học sinh lại là sự mất mát đau đơn, thương cảm, xót xa vì em đó đã mãi mãi ra đi vì căn bệnh ung thư 

Cô Thủy chia sẻ: “Có lần chúng tôi hứa sẽ dành dụm tiền lương mua thêm ít đồ chơi mới cho các em bệnh nặng nhưng rồi chưa kịp mua, các em đã vĩnh viễn ra đi. Trong lòng áy náy mãi”. Hầu như giáo viên tình nguyện nào ở lớp học này mỗi năm cũng phải chứng kiến những cảnh đầy thương cảm như vậy. Thương cảm để họ gắn bó hơn, yêu mến các em hơn.

Nhen nhóm những ước vọng

Có đủ các cảm xúc buồn vui là thế, nhưng mùa xuân đến, các giáo viên và học sinh đặc biệt trong lớp học đặc biệt này vẫn tràn đầy ước vọng. Lãnh đạo Bệnh viện cho biết: “Các dịp lễ, Tết chúng tôi vẫn thường đến thăm, động viên và trao quà cho các em.

Nếu những em có tiến triển tốt trong điều trị bệnh, bệnh viện vẫn hỗ trợ nuôi dạy dù không nhiều”. Cô Kim Phấn thổ lộ: “Mùa xuân, các em vẫn được tổ chức các trò chơi, rất vui nhộn, khích lệ tinh thần các em là chính. Mỗi em đều mang một ước vọng.

Chúng tôi cho các em nói ra những điều ước của mình, em nào cũng thích thú lắm. Với chúng tôi thì chỉ cầu mong y học ngày càng tiên tiến để có thể trị được nhiều căn bệnh hiểm nghèo của các em khi đến bệnh viện này”. Em Trần Văn Vinh, 9 tuổi quê ở Quảng Bình cho biết: “Trong người vẫn còn những cơn đau lớn, nhất là những lần xạ trị.

Chỉ mong không còn đau nữa để có thể học tập tốt cùng các bạn trong lớp học này”. Các em ở đây vẫn có ngày khai giảng như học sinh bên ngoài nên không còn tủi thân nữa. Các cô giáo lại gần gũi và tận tình. Nguyễn Thanh Hùng nhập viên gần nửa năm nay cũng mang nhiều nỗi niềm.

Bố Hùng mất vì tai nạn giao thông, mẹ tất bật đưa em vào chữa bệnh. Lúc đầu em chỉ sợ sẽ chết nhanh như bố của, nhưng từ khi tham gia lớp học này tinh thần của Hùng đã vui vẻ trở lại. 

Cô Phấn kể: “Cách đây không lâu, đang dạy bỗng thấy em Hoài, học sinh chăm ngoan không đến lớp .Chưa kịp lên khoa Nhi hỏi    thì chị Lệ, mẹ cháu Hoài nước mắt ngắn dài đến lớp thông báo: “Đến để chào cô giáo, gia đình chuẩn bị đưa cháu về nhà lo hậu sự”.

Tôi lao đến khoa Nhi thì thấy Hoài nằm bất động trên giường, toàn thân tím tái. Xe của gia đình thuê để đưa Hoài về chưa kịp đến cổng bệnh viện thì em đã trút hơi thở cuối cùng”.

MỸ NGA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh