Khánh thành tượng Hoàng đế Quang Trung tại TP.Hồ Chí Minh
- Tây Y
- 20:59 - 20/02/2016
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động ngày họp mặt hội đồng hương Bình Định và cả những người yêu mến vùng đất này được “sống” một không gian Bình Định giữa Sài Gòn.
Tượng Hoàng đế Quang Trung với tay trái nắm chặt chuôi kiếm, bàn tay phải ra dấu “an dân” được lấy nguyên mẫu như tượng Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Sau lưng bức tượng là cuốn chiếu thư với dòng chữ trích “Chiếu xuất quân” của Hoàng đế Quang Trung năm 1788:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen rang
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”
Điều đặc biệt là tượng hoàng đế Quang Trung và cuốn chiếu thư đều được thực hiện bằng những tảng đá granite nguyên khối chứ không lắp ghép. Trong đó, riêng tảng đá để thực hiện cuốn chiếu thư lúc chưa chế tác nặng lên đến 72 tấn, tảng đá để tạc tượng nặng đến 9 tấn.
Việc đặt Tượng Hoàng đế Quang Trung bằng đá granite tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng và An ninh sinh viên, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG) là một sự cố gắng rất lớn của Hội Đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, với sự cho phép về mặt bằng của ĐHQG. Đây là một công trình có ý nghĩa to lớn nhằm giúp các thế hệ sau ghi nhận công lao to lớn của người Anh hùng áo vải- cờ đào Nguyễn Huệ, một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc trong công cuộc chống ngoại xâm.
Tượng Hoàng đế Quang Trung tại trường Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh
Theo Ông Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc ĐHQG, cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có được hệ thống Ký túc xá lớn sinh viên nhất nước, tuy nhiên trong sự đầu tư đó, Chính phủ giao cho ĐHQG đi vận động các địa phương, các tổ chức tài trợ giường tủ, bàn, ghế cho khu ký túc xá, và ĐHQG đã vận động tỉnh Bình Định tài trợ cho toà D5-D6.
Trong không khi hân hoan của ngày khánh thành và đưa vào sử dụng toà D5-D6 vào đầu năm 2015, lãnh đạo tỉnh Bình Định và lãnh đạo ĐHQG đã bàn bạc nên có thêm một công trình mang đậm dấu ấn của tỉnh Bình Định tại Khu đô thị ĐHQG và ý tưởng tượng Hoàng đế Quang Trung được hình thành.
Trong quá trình đi tìm vị trí để đặt tượng, các chuyên gia và lãnh đạo 2 bên đều thống nhất đặt tượng Hoàng đế Quang Trung, một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh sinh viên, thuộc khi đô thị ĐHQG là phù hợp nhất”