CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:34

Khánh Hòa tập trung phát triển lao động biển và du lịch

Du lịch tại Khánh Hòa được xác định là ngành thiết yếu để phát triển KT-XH tỉnh cũng như chương trình phát triển Quốc gia trong quá trình xây dựng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra những quan điểm phát triển du lịch cụ thể như phát triển du lịch theo hướng sinh thái kết hợp văn hóa trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái để khai thác tối đa tiềm năng nội lực của tỉnh. Các xu hướng phát triển cho ngành du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí, khám phá, thể thao mạo hiểm trên biển, khám phá đại dương và các đảo ven bờ, du lịch tàu biển; Các loại hình du lịch phụ trợ như: du lịch sinh thái núi, du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch thăm thân nhân…

Nha Trang - Khánh Hòa đặc biệt có thể mạnh để phát triển ngành du lịch

Theo thống kê từ Sở LĐTB & XH tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu đào tạo nghề và tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang có xu hướng tăng. Số lượng doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu tuyển dụng là 63% doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm cần tuyển dụng 17.000 lao động/năm, trong đó tuyển lao động qua đào tạo chiếm 71% tổng nhu cầu tuyển dụng. Riêng đối với lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 45.89%. Theo chương trình phát triển nhân lực Khánh Hòa đến năm 2020 dự báo mỗi năm nguồn nhân lực làm việc cho ngành du lịch tăng thêm 4650 người.

Song song việc đào tạo, phát triển lao động ngành du lịch, dịch vụ, lao động ngành biển cũng đặc biệt được quan tâm, chú trọng. Tính đến năm 2017 lao động thủy sản toàn tỉnh có 82.988 người, tuy nhiên tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn chiếm tỷ trọng rất cao gần 90.22%. Trong đó:

- Đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ (công nhân kỹ thuật không bằng) chiếm 2.86% - 2.373 lao động

- Sơ cấp nghề chiếm 4.64% - 3.850 lao động

- Trung cấp chiếm 1.73% - 1.435 lao động

- Cao đẳng chiếm 0.33% - 273 lao động

- Trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 0.22% - 182 lao động

Do vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo lao động ngành và nâng cao tỉ lệ lao động có trình độ và trình độ cao là nhiệm vụ và xu hướng chính đối với nhà trường, các cơ sở đào tạo ngành nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tập trung đào tạo nguồn lao động biển có trình độ cao

Tỉnh Khánh Hòa cũng đã đưa ra dự báo về nhân lực ngành thủy sản tại địa phương. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 giải quyết việc làm cho khoảng 88.000 người lao động. Trong đó có khoảng trên 70% số lao động được đào tạo, tập huấn. Định hướng đến năm 2035, giải quyết việc làm cho khoảng 95.000 người lao động. Trong đó có khoảng trên 80% số lao động được đào tạo, tập huấn.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đề xuất hợp tác với các doanh nghiệp và nhà trường, các cơ sở đào tạo ngành nghề nâng cao chất lượng đào nghề ngành nuôi trồng thủy sản bao gồm: chuyển giao chương trình đào tạo các ngành nghề liên quan đến ngành nuôi trồng thủy sản; Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đối với các ngành nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực thủy sản; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo và người lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo công nghệ mới.

Phương Hồng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh