Khánh Hòa: Suối Gia Ôi bị “bức tử”
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:26 - 01/12/2015
Ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước
Từ thị trấn Tô Hạp, đi bộ hơn 1 giờ trên con đường lổn nhổn đất đá, chúng tôi đến thượng nguồn con suối Gia Ôi. Trời mưa lất phất, thỉnh thoảng những cơn gió lùa tới, mang theo mùi hôi nồng của thuốc trừ sâu rất khó chịu. Anh Mai Văn Đạt, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý Các công trình công cộng và Môi trường huyện Khánh Sơn chỉ tay về phía bờ suối nói: “Suối Gia Ôi trước đây là con suối nước trong xanh, cá, tôm, cua ốc khá đa dạng, 5 năm trở lại đây, người dân địa phương tìm đến vùng thượng nguồn suối Gia Ôi sinh sống ngày càng đông. Do vùng đất này khá màu mỡ lại thuận lợi nguồn nước, nên hàng trăm ha đất ở khu vực này đã hình thành những rẫy cà phê, những nương lúa xanh mướt. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Jagrai, họ làm nhà, dựng lều bên cạnh suối Gia Ôi”.
Đường ống nước từ suối Gia Ôi dẫn về nhà máy nước Tô Hạp.
Mưa đã ngừng rơi, trên thượng nguồn suối Gia Ôi, người dân đang tích cực làm việc bên nương. Làng Tà Lương, có 38 hộ, hộ ít có 4-5 ha cà phê, chuối, lúa, rau màu, hộ nhiều có từ 20-30 ha. Ông Ma- Heng đang phun thuốc cỏ bên bờ suối tưởng tôi là người mua nông sản, phân trần: “Giá nông sản năm nay thấp quá, chi phí lại nhiều,15 ha cà phê , lúa nước, chuối của nhà tôi trừ đi chi phí chỉ còn lời rất ít. Năm nay mưa nhiều nên cỏ lên nhanh, sâu bệnh nhiều, nương rẫy nhà tôi phải phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu liên tục. Mặc dù vẫn biết phun thuốc cỏ, thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến nguồn nước, nhưng vẫn phải làm thôi!”. Thấy chúng tôi nói về con suối bị ô nhiễm, bà Gia-Hiên đang tỉa cành cà phê cũng góp vào: “Mặc dù cán bộ thị trấn thường xuyên vào làng khuyên bà con hạn chế dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nhưng nếu không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu thì ruộng vườn không xanh tốt được”. Hàng ngày chai lọ thuốc trừ sâu cứ vứt bừa ra hai bên bờ suối, có người còn đem cả máy bơm thuốc sâu xuống suối chùi rửa.
Được biết, loại thuốc diệt cỏ Rapid và Grassad, có hàm lượng độc tố rất cao, thế nhưng, nhiều người thường phun liên tục ở hai bên bờ suối. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nương rẫy, mà suối Gia Ôi trong lành hàng ngày đang bị đe dọa, bị “bức tử”. Điều đáng nói suối Gia Ôi là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, ăn uống cho hàng ngàn người dân Khánh Sơn thông qua công trình nước sạch của thị trấn Tô Hạp, Anh Mai Văn Đạt cho biết: “Trước đây cá dưới suối Gia Ôi rất nhiều, chỉ cần ra suối chừng nửa tiếng đồng hồ có thể bắt được vài kg. Mấy năm nay do ô nhiễm nguồn nước, cá tôm chết hết rồi, chai lọ thuốc trừ sâu cứ trôi nổi trên suối thì sinh vật nào mà sống sót được. Cứ vài ngày công nhân nhà máy mà không đi vớt vỏ chai, thì các loại chai lọ này sẽ làm tắc bể dâng nhà máy”.
Hệ lụy khó lường
Công trình nhà máy nước Tô Hạp xây dựng năm 2001, công suất 1100m3/giờ và đi vào hoạt động chính thức năm 2002. Nguồn nước nhà máy nươc Tô Hạp bắt về từ suối Gia Ôi. Theo quan sát của chúng tôi thì các hạng mục của nhà máy như bể lọc, bể chứa đã khá cũ, rong rêu bám dày đặc, bể lọc rêu và chất cặn sủi lên đặc quánh. Anh Nguyễn Khoa Trưởng, Trưởng Ban quản lý Các công trình công cộng và Môi trường Khánh Sơn phàn nàn: “Tôi mới về nhận công tác ở đây được hơn một năm, nhà máy nước Tô Hạp công nghệ đã quá cũ, đường ống nước tự chảy làm bằng sắt đã hoen rỉ, nhiều đoạn bị móp nặng, thỉnh thoảng có đoạn bị thủng và xì nước ra ngoài. Nhà máy chỉ có duy nhất một bể lọc, một bể chứa nên không thể đáp ứng lượng nước cho gần 1000 hộ dân sử dụng như hiện nay. Chúng tôi đã khảo sát và đề nghị có phương án xây thêm bể lắng, nhưng hiện tại kinh phí chưa có nên chỉ biết chờ phê duyệt từ UBND tỉnh Khánh Hòa”.
Suối Gia Ôi hàng ngày bị “bức tử” vì thuốc bảo vệ thực vật.
Điều đáng nói nguồn nước cung cấp cho Nhà máy đang bị nhiễm độc do người dân thường xuyên sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Anh Nguyễn Văn Mạnh, công nhân nhà máy nước Tô Hạp cho biết: “ Mùa mưa đã đến, trực ở nhà máy vất vả lắm, chỉ cần một trận mưa là nước từ thượng nguồn đổ về đục ngầu, nhiều khi có cả mùi của thuốc bảo vệ thực vật. Nếu xả bể thì không có nước cung cấp cho các hộ dân, nhưng nếu không xả bể để nước như vậy sử dụng sẻ không đảm bảo được sức khỏe”.
Nói về các giải pháp khắc phục ô nhiễm nguồn nước Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp cho biết: “UBND thị trấn đã nhiều lần chỉ đạo đoàn thanh niên, phối hợp với hội phụ nữ vào tận thượng nguồn, đến tận nhà vận động, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ phù hợp, hợp vệ sinh tránh ô nhiễm nguồn nước, thế nhưng các hộ dân ở đây dường như không nghe, không thấy, không làm”. Người dân ở thị trấn Tô Hạp mặc dù biết nước sinh hoạt ở nhà Máy Tô Hạp không đảm bảo vệ sinh, nhưng vẫn phải chấp nhận sự dụng, bởi không có nguồn nước khác. Anh Nguyễn Duy, ở thị trấn Tô Hạp tâm sự: “Nước sinh hoạt gia đình tôi sử dụng ở nhà máy lúc đục, lúc trong tùy từng mùa, dù biết là không đảm bảo nhưng cũng phải đành chịu”. Nhiều hộ gia đình điều kiện kinh tế khá giả, ý thức được nước đối với sức khỏe, họ tự mua hệ thống lọc nước về lắp tại gia đình. Đa phần người dân lao động lại phó mặc số phận cho sự may rủi.
Để khắc phục tình trạng trên chúng tôi được ông Đinh Ngọc Bình, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Ban đầu UBND huyện tính phương án di rời 38 hộ dân ở thượng nguồn suối Gia Ôi đến nơi ở mới nhưng số hộ dân quá lớn, họ đã canh tác ôn định nên phương án nay không khả thi. Hiện nay, dự án hồ chứa nước Sơn Trung đã được HĐND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư, bổ sung vào danh mục các dự án Sơn Trung giai đoạn 2016 - 2020. Hồ chứa nước Sơn Trung sẽ được đầu tư để tích trữ nước cho sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực xã Sơn Trung, thị trấn Tô Hạp và một số khu vực lân cận. Vì vậy, huyện sẽ di dời Nhà máy nước Tô Hạp sang Sơn Trung”. Trong khi chủ trương di rời nhà máy nước chưa được thực hiện thì hàng nghìn người dân vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm độc. Tương lai của họ đang là câu hỏi lớn đặt ra cho các cơ quan chức năng.