THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:17

Khánh Hoà: Người khuyết tật có việc làm từ học nghề

 

Từ một xưởng mộc của NKT

           Chúng tôi tới xưởng mộc của anh Lê Viết Luận tại xã Diên An, Diên Khánh, vào những ngày tháng 4,  chứng kiến những người thợ mộc khuyết tật đang miệt mài làm việc. Đôi tay họ thoăn thoắt đục, đẽo tạo ra những đường nét, hoa văn uốn lượn, mềm mại trên những tấm gỗ. Thấy chúng tôi đến, anh Luận rất vui mừng, qua câu chuyện với chúng tôi anh Luận bùi ngùi kể: “Năm tôi 3 tuổi, cơn sốt bại liệt kéo dài đã khiến đôi chân tôi teo dần, rồi không thể tự đứng và bước đi được nữa. Từ đó, mọi sinh hoạt hàng ngày của tôi đều phải dựa vào bố mẹ và các anh chị. Lớn lên, tôi luôn day dứt rằng mình không thể dựa vào mọi người được mãi, thế rồi tôi quyết định xin vào một xưởng mộc gần nhà để học nghề”. Khi đã thành thạo nghề, anh vay vốn mở xưởng mộc của riêng mình, kể từ đó xưởng mộc của anh đã thu hút rất nhiều người tàn tật học nghề và làm việc.

          Cũng tại xưởng mộc này chúng tôi đã trò chuyện với một số NKT đang làm việc tại đây. Anh Nguyễn Quốc Lâm, vừa học vừa làm tại xưởng mộc tâm sự:  Nếu chú Luận không tạo điều kiện cho tôi vào làm việc ở đây thì tôi khống biết phải làm gì, khi đôi chân không thể bước đi được nữa. Tại đây tôi được làm việc đục đẽo hàng ngày, thoải mái lắm. Nhờ vậy cuộc sống tôi như sang một trang mới, tôi có thể lo cho mình bằng chính đồng lương hàng tháng”.

          Cùng hoàn cảnh như anh Luận, anh Vũ Phùng Toàn 45 tuổi đang làm việc tại xưởng mộc kể: Năm 6 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân lành lặn của anh. Trở thành NKT, anh như rơi vào tuyệt vọng vì không thể lo cho cuộc sống của mình. Lớn lên anh đi xin việc, những không có nơi nào nhận vào làm. Thế rồi anh quyết định đi học nghề mộc. Sau hơn 3 tháng học, được mẹ đầu tư cho bộ đồ nghề, tại xưởng mộc anh như quên hết những nỗi muộn phiền. "Tôi cảm thấy rất vui khi là người có ích, là người tàn tật chứ không phải người tàn phế".

Được biết, xưởng mộc đang thu hút hàng chục NKT đến đây học nghề và làm việc.

Đến tuyên truyền nghề vót đũa

          Cũng là NKT, ông Đinh Công Thạnh, 62 tuổi, xã Diên Phú, Diên Khánh cho biết: “Học được nghề rồi, nhưng kinh phí để hỗ trợ vốn ban đầu lại không có. Trước tình cảnh đó, tôi lại phải “lên đường” đi vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ vốn”. Kiên trì, cần mẫn, ông đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ được gần 100 triệu đồng. Có kinh phí, ông bắt tay tổ chức lớp truyền nghề vót đũa tre, dệt thảm chùi chân, mộc, trồng hoa Tết cho 40 hội viên. Nhờ đó hàng chục NKT đã có việc làm, có thu nhập, tạo được niềm vui trong cuộc sống.

Anh Lê Viết Luận đang lam việc tại xưởng mộc

           Không chi tạo việc làm là đủ, mà để có đầu ra cho sản phẩm, ông Thạnh đã đi khắp nơi liên hệ với các đầu mối thu mua, cung cấp nguyên liệu. Nhờ đó, sản phẩm của hội viên làm ra đều đâu được các thương lái thu mua ngay tại nhà. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các hội viên di chuyển được thuận lợi, ông còn vận động các doanh nghiệp hỗ trợ được 11 xe lăn, 5 xe lắc và 11 cặp nạng bằng inox cho hội viên. Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, thôn 1, xã Diên Phú, Diên Khánh) thành viên câu lạc bộ NKT xã Diên Phú cho biết: “Chú Thạnh là người đã mang lại sức sống mới cho chúng tôi. Chú không chỉ giúp đỡ chúng tôi có nghề nghiệp, vốn làm ăn, lo đầu ra cho sản phẩm mà còn thường xuyên lui tới động viên, khích lệ tinh thần của mỗi hội viên sống lạc quan, vươn lên trong cuộc sống. Với nghề vót đũa tre và dệt thảm chùi chân, giờ đây mỗi tháng tôi đã có việc làm, có thu nhập. Ông Thạnh vui vẻ cho biết: “Cũng là NKT nên tôi hiểu được tâm nguyện của những người đồng cảnh ngộ. Những khó khăn mà bản thân phải trải qua, mong rằng các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến NKT”

Cần thêm các lớp học nghề cho NKT

          Để NKT có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống thì vẫn rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp, ngành, địa phương. Hiện nay, NKT vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận thông tin và các chính sách hỗ trợ của nhà nước như: vay vốn ưu đãi, cơ hội học tập, việc làm, bảo hiểm y tế... Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần xem xét lại chế độ trợ cấp cho NKT, bởi vì hiện nay vẫn còn rất nhiều NKT chưa được thụ hưởng những chính sách mà Đảng, Nhà nước dành cho NKT. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho NKT vượt qua rào cản, đặc biệt là rào cản về tâm lý. Cần mở thêm những lớp học nghề đặc thù cho NKT, có hình thức hỗ trợ cho NKT học nghề.  

          Ông Mai Xuân Trí – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hoà cho biết: Những năm qua các cấp, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện cho NKT tiếp cận học nghề, giải quyết việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của NKT trong xã hội dần được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy hệ thống các văn bản chưa thật sự đồng bộ, tính khả thi của một số chính sách chưa cao, công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát thực hiện chưa thường xuyên, nguồn lực về tài chính và nhân lực cũng chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. tới đây chúng tôi sẻ chỉ đạo các trung tâm bảo trợ xã hội đều tổ chức nhiều hơn các hoạt động như: Văn hóa, văn nghệ, biểu dương, khen thưởng, thăm hỏi tặng quà để động viên, khuyến khích NKT vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời tổ chức thêm nhiều lớp học nghề cho NKT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Xuân Hướng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh