THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

Khánh Hòa: Đề xuất cần có Nghị định về cai nghiện tự nguyện

 

Theo ông Lê Hữu Thọ-Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, hiện nay tỉnh chỉ có một cơ sở cai nghiện ma túy là Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội. Thời điểm tháng 12/2013, Trung tâm quản lý 225 học viên gồm cai nghiện bắt buộc 203 người, cai nghiện tự nguyện 06 người và sau cai 16 người. 

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, Trung tâm đã kiện toàn chức năng với nội dung đổi tên Phòng quản lý sau cai nghiện thành Phòng Công tác xã hội có chức năng nhiệm vụ chính là nghiệp vụ công tác công tác xã hội với người nghiện và quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian Tòa án xem xét ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Từ tháng 1/2014 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 86 người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc, 192 lượt người tham gia cai nghiện tự nguyện. Hiện nay Trung tâm quản lý 46 người nghiện ma túy bắt buộc, chiếm khoảng 5% người nghiện có hồ sơ quản lý trong tỉnh (chỉ tiêu của Đề án là 20%), 13 người tham gia cai nghiện tự nguyện, không có người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian Tòa án xem xét ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Từ tháng 01/2014 đến nay, đã tiếp nhận 62 người nghiện tham gia cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, bao gồm: 24 người cai nghiện tại gia đình, 38 người cai nghiện tại cộng đồng, hôc trợ vay vốn 14 người với số tiền là 335 triệu đồng. "Nhìn chung công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng đã đạt được những kết quả tích cực, tạo đà cho công tác đổi mới công tác cai nghiện ma túy giai đoạn 2016-2020. Người nghiện ma túy có thêm mô hình cai nghiện phù hợp với khả năng và nhu cầu thực tế của phần lớn người nghiện và gia đình người nghiện. Kiến thức về tác hại của ma túy, lợi ích của công tác cai nghiện, việc kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nghiện đã giảm đáng kể và nhận sự cảm thông, giúp đỡ của cộng động. Đặc biệt là tính xã hội hóa của công tác cai nghiện đã tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng"-ông Lê Hữu Thọ nhấn mạnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 3 cơ sở điều trị Methadone, 3 cơ sở cấp phát thuốc Methadone được đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, thành phố Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa với khoảng hơn 600 người đang tham gia điều trị Methadone.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, tồn tại của công tác cai nghiện hiện nay ở tỉnh Khánh Hòa là cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội đã xuống cấp và không phù hợp việc quản lý, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện theo quan điểm đổi mới công tác điều trị nghiện. Các dịch vụ hỗ trợ cho công tác điều trị nghiện còn hạn chế, chế độ hỗ trợ cho người cai nghiện tự nguyện thấp nên chưa thu hút người vào cai nghiện tự nguyện tại Trung tậm. Công tác quản lý sau cai nghiện tại các địa phương còn hạn chế, thiếu chặt chẽ, các dịch vụ hỗ trợ sau cai nghiện như tư vấn, dạy nghề, tạo việc làm chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ tái nghiện còn cao. Cán bộ làm công tác cai nghiện cấp huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo về nghiệp vụ kỹ năng nên hạn chế đến chất lượng công việc.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Bắc-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Chính phủ cần ban hành một Nghị định về điều trị nghiện tự nguyện cho người sử dụng ma túy. Trong đó, cần quan tâm hỗ trợ tiền thuốc điều trị, tiền ăn nhằm thu hút người nghiện tham gia cai nghiện. Cần có chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác cai nghiện ở cơ sở để phù hợp với lộ trình thực hiện Đề án đổi mới cai nghiện của Chính phủ là tăng cường điều trị nghiện dựa vào cộng đồng.


Ông Nguyễn Duy Bắc-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (ngoài cùng bên trái), khen thưởng có các tập thể, cá nhân có thành tích trong 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện tại Khánh Hòa.


Ngọc Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh