Khánh Hòa: Các cơ sở bảo trợ xã hội chủ động phòng, chống dịch cho các đối tượng
- Dược liệu
- 22:13 - 04/08/2021
Đảm bảo an toàn cho đối tượng
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 136 đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mô côi và đối tượng bảo trợ khẩn cấp. Đây đều là những người có nhiều bệnh lý nền, có nguy cơ cao. Do đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đơn vị triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Các đối tượng được cấp phát khẩu trang và thường xuyên phải sử dụng; trang cấp nước sát khuẩn tại các khu vực ở cho đối tượng. Đồng thời, phân chia, bố trí các đối tượng theo khoảng cách, tránh tiếp xúc giữa các khu vực với nhau. Điều chỉnh hoạt động trị liệu, phục hồi chức năng để nâng cao sức khỏe cho đối tượng.
Bên cạnh đó, định kỳ phun thuốc khử khuẩn 2 ngày/lần bằng Cloramin B toàn bộ trung tâm. Với 31 cán bộ nhân viên được phân chia 50% thực hiện "ba tại chổ". Những người được bố trí làm việc ở khu vực nào thì giới hạn phạm vi đi lại và không được rời khỏi nơi làm việc, nơi ở đã được bố trí. Công tác kiểm soát người ra vào được siết chặt. Khâu tiếp nhận nguồn thực phẩm cho đối tượng được thực hiện khép kín, khử khuẩn trước khi nhận. Đến nay, trung tâm đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 66 đối tượng và 13 nhân viên đều có kết quả âm tính.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện đơn vị có 46 đối tượng là trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa. Để đảm bảo an toàn cho các đối tượng, trung tâm đã phân chia nhân viên phục vụ đối tượng tháng 2 ca. Mỗi ca có 6 người ở lại làm việc 24/24 giờ trong vòng 14 ngày. Trước khi đổi ca, nhân viên phải có xét nghiệm âm tính mới được vào làm việc. Khuân viên đơn vị được khử khuẩn 2 lần/ngày. Các đối tượng được bố trí nơi ở cách biệt, tránh tiếp xúc qua lại. Nguồn thực phẩm được khử khuẩn trước khi tiếp nhận. Hàng ngày, các đối tượng được bổ sung uống Vitamin C để giúp tăng sức đề kháng…
Còn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh hiện có 148 đối tượng. Công tác phòng chống dịch ở đây cũng được nâng lên mức độ cao nhất. Nhân viên được chia ca làm việc bắt buộc ở lại trung tâm 14 ngày. Đối tượng được chia làm 2 khu tách biệt để trách tiếp xúc. Thay vì hàng ngày nhận thực phẩm, trung tâm đã nâng lên 3 đến 4 nhận một lần để hạn chế tiếp xúc. Ngừng toàn bộ hoạt động người thân vào thăm hỏi đối tượng. Đối với những người đi điều trị tại bệnh viên trở về được cách ly tại 1 khu riêng biệt theo quy định…
Mong được tiếp sức
Ông Chu Văn Công – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, trước tác động của dịch Covid-19 khiến giá cả thị trường tăng cao, trong khi đó chế độ nuôi dưỡng còn hạn chế, trung tâm rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để giúp đơn vị có thêm điều kiện chăm lo cho các đối tượng yếu thế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các sở, ngành ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên và các đối tượng tại trung tâm. Đồng thời, quan tâm thực hiện việc xét nghiệm, test nhanh cho nhân viên trước khi vào thay đổi ca làm việc để kịp thời phát hiện, tránh lây lan dịch bệnh vào trung tâm. Với kiến nghị, mong muốn của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng là kiến nghị, mong muốn sự hỗ trợ của các cơ sở bảo trợ hiện nay trên địa bàn tỉnh…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và 13 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đang nuôi dưỡng 1.254 đối tượng chủ yếu là trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn, đối tượng bảo vệ khẩn cấp. Để đảm bảo an toàn cho các đối tượng, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn cho các cơ sở chủ động xây dựng các phương án, kịch bản và thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện. Đến nay, toàn bộ các cơ sở chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Hiện, các cơ sở đã tạm dừng tiếp nhận đối tượng mới. Riêng chỉ đối tượng lang thang, xin ăn vẫn tiếp nhận và được cách ly riêng. Tuy nhiên, trước sự diễn biến phức tạp của dịch, thời gian qua, công tác cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu gặp khó khăn do nguồn cung từ các chợ truyền thống đóng cửa. Cùng với đó, công tác hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm không có. Do vậy, các cơ sở bảo trợ xã hội đang rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, hảo tâm để góp phần chăm lo chu đao hơn cho đối tượng yếu thế.