CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Khan hiếm lao động phổ thông sau Tết

Những ngày gần đây, dọc các tuyến đường ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai xung quanh các khu công nghiệp, người lao động (NLĐ) dễ dàng bắt gặp những tấm biển thông báo tuyển dụng của các DN. Hầu hết DN đều tuyển dụng lao động phổ thông, không đòi hỏi nhiều về tay nghề và bằng cấp; cùng với đó, kèm theo mức lương cao và nhiều ưu đãi như: thưởng tiền, môi trường làm việc tốt và tăng phúc lợi dành riêng cho NLĐ mới.

Ông Lê Nhật Trường, Trưởng phòng Nhân sự công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết, đầu năm mới, công ty rất phấn khởi vì công nhân đi làm trở lại đạt tỷ lệ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất các đơn hàng trong năm 2022 của DN. Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất cũng như tăng tốc làm việc nhằm đạt kế hoạch trong quý I của năm, công ty đang cần tuyển từ 6-7 ngàn lao động phổ thông. Công ty tạo điều kiện cho lao động cũ trở lại làm việc mới mức lương tương xứng và nhiều phúc lợi khác. Đối với lao động phổ thông chỉ cần biết đọc, biết viết, nếu trúng tuyển, công ty sẽ bố trí công việc ngay sau phỏng vấn và đào tạo nghề trực tiếp tại xưởng.

Nhiều doanh nghiệp ra đường để tuyển dụng lao động.

Nhiều doanh nghiệp ra đường để tuyển dụng lao động.

Trong khi đó, tại H.Nhơn Trạch, nhiều DN đã bố trí nhân lực đứng túc trực tại cổng công ty hoặc các góc đường vào các khu công nghiệp để tuyển dụng. Không khí tuyển dụng lao động tại đây những ngày qua khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, các DN cho biết, mỗi ngày chỉ tuyển dụng được vài chục lao động nên khó đáp ứng được nhu cầu cũng như kế hoạch sản xuất ngay từ đầy năm. Cụ thể: Công ty TNHH Hwaseung Vina tuyển dụng 2 ngàn lao động, Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam tuyển lao động phổ thông may mặc không giới hạn. Hầu như các DN đều đưa ra các chính sách hỗ trợ như: xăng xe, đi lại, nhà ở, chuyên cần và thưởng hằng tháng… để NLĐ tin tưởng, đầu quân vào làm việc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp “đỏ mắt” vẫn không tuyển đủ số lương LĐ, thậm chí nhiều DN về tận các tỉnh miền Tây để tuyển dụng lao động. Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã về tận các tỉnh ở miền Tây tìm lao động. Ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự công ty, cho hay nhà máy đang thiếu hơn 500 công nhân nhưng nhiều tháng qua chưa tuyển đủ số lượng.

Vì vậy, công ty Cholimex liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh. Doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu, chế độ lương thưởng như được đảm bảo thu nhập ít nhất 6 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ cao hơn. Công ty hỗ trợ chi phí đi lại, trả tiền xét nghiệm Covid-19, có nhà tập thể cho công nhân... Khi các trung tâm gom đủ số lượng từ 20 người, nhà máy sẽ tổ chức xe xuống tận nơi đưa lên thành phố. Nếu đi riêng lẻ, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tiền vé xe.

Nhiều doanh nghiệp đau đầu vì tuyển không đủ lao động cho hoạt động sản xuất năm nay.

Nhiều doanh nghiệp "đau đầu" vì tuyển không đủ lao động cho hoạt động sản xuất năm nay.

Sắp tới bộ phận nhân sự sẽ xuống tận nơi, làm việc với các địa phương để tiếp cận trực tiếp ứng viên. Việc này giúp nhà máy chủ động hơn trong tìm nguồn, không phụ thuộc nhiều vào các trung tâm do các đơn vị này còn hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác, "nguồn nhân lực bị chia sẻ nhiều", ông Toàn nói.

Không chỉ xuống tận nơi, các doanh nghiệp ở thành phố còn tham gia các sàn giao dịch trực tuyến do các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối với lao động ở tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết mô hình này được thực hiện khi Covid-19 bùng phát, đi lại hạn chế. Các địa phương sẽ mời ứng viên đến, phỏng vấn online. Sau Tết, sàn giao dịch trực tuyến mở trở lại, đáp ứng nhu cầu tuyển nhân sự của các nhà máy.

Theo ông Lâm, khi tuyển trực tuyến, các nhà máy sẽ tiếp cận nhiều hơn với lao động ở các tỉnh, thành. Việc tuyển dụng được thực hiện nhanh, nguồn lao động đa dạng, tiết kiệm được chi phí. Ngoài các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM còn hỗ trợ chỗ ở, xét nghiệm miễn phí khi công nhân mới đến nhận việc.

Theo số liệu ngành lao động thành phố, sau kỳ nghỉ Tết, hơn 1,9 triệu lao động quay lại TP.HCM làm việc, đạt tỷ lệ khoảng 96%. Ngoài ra, sau Tết, thành phố cần hơn 55.600 lao động mới, tập trung ở các ngành dệt may, giày da, sản xuất, thực phẩm, cơ khí, hóa chất, dược, cao su, dịch vụ lưu trú và ăn uống... Đây là những ngành nghề tăng trưởng mạnh, nhiều đơn hàng sau khi Covid-19 được kiểm soát.

Theo số liệu ngành lao động thành phố, sau kỳ nghỉ Tết, hơn 1,9 triệu lao động quay lại TP.HCM làm việc, đạt tỷ lệ khoảng 96%.

Theo số liệu ngành lao động thành phố, sau kỳ nghỉ Tết, hơn 1,9 triệu lao động quay lại TP.HCM làm việc, đạt tỷ lệ khoảng 96%.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho hay, trong ngày 25/2, trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp miễn phí đầu năm mới tại sàn. Đến nay, nhiều DN đã đăng ký tuyển dụng với số lượng cần tuyển lên đến hàng ngàn lao động. Trung tâm sẽ tạo mọi điều kiện để các DN tham gia tuyển dụng, vừa để NLĐ, nhất là lao động thất nghiệp, tìm kiếm được việc làm mới nhanh nhất. “Đồng hành với DN trong các hoạt động kết nối tuyển dụng lao động, trung tâm sẽ hỗ trợ tối đa các DN tuyển dụng lao động nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, trước Tết, trung tâm cũng ký kết hợp tác ghi nhớ với các trung tâm dịch vụ việc làm 10 tỉnh miền Tây Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên để hỗ trợ đưa NLĐ đến Đồng Nai làm việc sau Tết Nguyên đán” - bà Trâm cho hay.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh