Khán giả gay gắt với phim cổ trang Việt: Chuyện không dừng ở khuy áo, phông chữ
- Văn hóa - Giải trí
- 15:47 - 13/10/2020
Sau khi không ít những MV ca nhạc, phim chiếu mạng lấy bối cảnh phong kiến được ra mắt và nhận phản hồi tốt trong khâu phục dựng, chỉ trong một thời gian ngắn, có đến ba sản phẩm cổ trang Việt dài hơi và công phu cùng nhau khuấy động sự chú ý của công chúng. Một là bộ phim Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long vốn sản xuất từ năm 2010 và được “đắp chiếu” đến 10 năm hiện được đăng tải qua vài đoạn trích trên mạng, còn lại là hai dự án Quỳnh Hoa Nhất Dạ kể về cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga và Kiều dựa trên Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã trình làng những hình ảnh, teaser đầu tiên.
Quỳnh Hoa Nhất Dạ và Kiều vừa mới trình làng cũng đã vấp phải chỉ trích. Một mặt, khán giả đề cao việc nhà sản xuất dũng cảm cho ra mắt những sản phẩm quay về với 4000 năm lịch sử vàng son của dân tộc. Mặt khác, không ít khán giả lên tiếng bất bình khi phục trang trong những bộ phim này vướng phải lỗi sai cơ bản về niên đại mà chỉ cần một khảo cứu nho nhỏ là đã có thể tìm ra.
Với Quỳnh Hoa Nhất Dạ, lỗi sai sơ đẳng nhất có thể trông thấy đó là một trong năm lớp áo dành cho nhân vật thái hậu Dương Vân Nga (do Thanh Hằng đảm nhiệm) được NTK Thủy Nguyễn thiết kế lại mang đậm dạng thức Mãn Thanh – triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Phải biết rằng nếu tính theo niên đại lịch sử, thái hậu Dương Vân Nga sống ở thời Đinh - tiền Lê (thế kỉ thứ 10), còn triều Thanh của người Mãn ở Trung Hoa lại tồn tại ở khoảng thế kỉ 17 - 19. Khán giả không khỏi thấy khó hiểu khi những chi tiết phục trang Mãn Thanh lại “xuyên không” cả một ngàn năm để về đậu trên cổ bậc mẫu nghi thiên hạ có thật trong sử Việt.
Trường hợp của Kiều lại khiến khán giả… dở khóc dở cười khi việc “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” thậm chí còn có phần ngây ngô. “Truyện Kiều” là sản phẩm được đại thi hào Nguyễn Du diễn Nôm theo bản gốc Kim Vân Kiều Truyện bắt nguồn từ Trung Quốc, với yếu tố niên đại rất rõ ràng: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng”, với những nhân vật, địa danh Trung Quốc (Hồ Tôn Hiến, sông Tiền Đường…). Với mong muốn mang tới sản phẩm “thuần Việt”, nhà sản xuất Kiều đã mạnh dạn dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán – chi tiết mà bất cứ khán giả nào cũng thấy sai đến nỗi hài hước.
Một điều may mắn (hay là không may?) cho ekip thực hiện hai dự án nói trên, đó là khán giả Việt ngày nay có thể phản hồi ngay lập tức và chỉ ra lỗi sai của ekip từ rất sớm. Đáp lại điều đó, nhà sản xuất, đạo diễn cũng đã phản hồi lại quan điểm, góc nhìn của mình cho khán giả được rõ.
NTK Thủy Nguyễn – người trực tiếp làm ra trang phục thái hậu Dương Vân Nga cho biết:
“Rất tiếc hầu như không có một tư liệu nào về thời kỳ này còn tồn tại. Vì vậy, chúng tôi quyết định làm một bộ phim dã sử và sẽ phải sáng tạo rất nhiều về trang phục nói riêng cũng như thiết kế mỹ thuật trong phim nói chung. Với mỗi một sự sáng tạo này, chúng tôi đều có ý đồ và câu chuyện muốn truyền tải…”
Về phía Kiều, đạo diễn Mai Thu Huyền cũng trải lòng:
“Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta có thể thấy có rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau lấy cảm hứng từ Truyện Kiều như: múa ballet, múa rối, kịch nói, nhạc kịch... Đây đều là những tác phẩm phái sinh, không phải là bản sao của tác phẩm gốc mà mỗi tác giả sẽ sáng tạo về nội dung, hình thức, ngôn ngữ thể hiện theo góc nhìn riêng của mình. Ước vọng cao nhất của chúng tôi là làm ra một bộ phim thuần Việt, dành cho khán giả Việt. Do đó thiết kế bối cảnh và trang phục trong phim đều cố gắng sáng tạo theo phong cách của người Việt, chứ không như nguyên tác Kim Vân Kiều Truyện của Trung Quốc và chúng tôi chọn cách không xác định cụ thể thời gian và không gian xảy ra trong phim”.
Có thể thấy rằng dù trên quan điểm nào đi chăng nữa, cả hai người “cầm trịch” của 2 ekip đều tránh việc sát sử bằng cách quy những bộ phim sắp phát hành là “dã sử” và “sản phẩm phái sinh”, từ đó có thể sáng tạo những chi tiết trang phục, dựng cảnh không đúng hoặc không phù hợp với thời kì.
Không ai đòi hỏi cổ phục trong một bộ phim cổ trang phải chính xác đến từng chi tiết – điều này đến cả những “cường quốc cổ trang” như Trung Quốc, Hàn Quốc đều không thể đảm bảo 100%. Vấn đề đặt ra ở đây là với trang phục trong phim cổ trang Việt nói chung và phim cổ trang nói riêng, khi nào thì có thể sáng tạo hoàn toàn, khi nào nên “thêu hoa trên gấm” và khi nào cần sát sử?
Cùng mang yếu tố lịch sử, cách phân chia chính sử, dã sử và huyền sử từ xưa đến nay vẫn rất rõ ràng. Chính sử là những câu chuyện được ghi chép cẩn thận, có thể tra khảo được từ những tác phẩm sử ký được viết và tổng hợp bởi các sử gia qua từng thời kỳ. Bên cạnh chính sử, dã sử là những ký ức lịch sử được lưu truyền trong dân gian, kể về những nhân vật và sự kiện liên quan đến lịch sử. Những câu chuyện này có thể còn nhiều tranh cãi về độ xác thực và để lại nhiều chất liệu cho hậu thế phát huy tính suy đoán, tưởng tượng, thế nhưng điểm xuất phát là nhân vật và sự kiện là có thật. Huyền sử là những tích xưa mang yếu tố kì ảo, dùng sức mạnh siêu nhiên để lý giải hay giải quyết sự việc. Cùng là lịch sử, nhưng mức độ chính xác của chính sử, dã sử và huyền sử được phân bậc cụ thể, dễ dàng xếp loại và dễ dàng nhận thấy đâu là sản phẩm có niên đại đi kèm.
Từ trước đến nay, khán giả Việt chưa thể có một danh sách dài những bộ phim cổ trang Việt Nam để đem ra làm hệ quy chiếu cho những sản phẩm mới phát hành gần đây. Nhìn sang nền điện ảnh của các nước đồng văn (Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản) mà đặc biệt là Trung Hoa, chúng ta có thể nhìn thấy ngay cách các nhà làm phim ứng xử với trang phục cổ trang bất kể thể loại nào.
Đối với Hàn Quốc, phim cổ trang luôn được dùng chung một hệ thống trang phục của thời Joseon, tạo nên sự nhất quán cả với phim lịch sử lẫn những bộ phim tình cảm lấy bối cảnh cổ trang. Còn Trung Quốc là một quốc gia đồ sộ với mấy ngàn năm lịch sử, kéo theo vô số chuyện xưa tích cũ cùng một số lượng không nhỏ tác phẩm nghệ thuật của tác giả hiện đại có đề tài cổ trang, huyền huyễn. Dù là như thế, nền điện ảnh nước này vẫn có những “bản lề” phục trang, bối cảnh không đoàn làm phim nào dám đập vỡ khi làm phim có liên quan đến nhân vật thật.
Diên Hy Công Lược - Bộ phim làm mưa làm gió suốt năm 2018, Như Ý Truyện (2019) và... Hoàn Châu Cách Cách (1999) dùng chung một bối cảnh, một tuyến nhân vật để kể những câu chuyện khác nhau. Trang phục trong ba bộ phim này cũng được thiết kế sao cho phù hợp với mục đích của từng phim, thế nhưng những nét cơ bản trong trang phục của phụ nữ Mãn Châu (thời kì nhà Thanh) vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Ta có thể dễ dàng nhận thấy cùng một kiểu cúc áo, cùng là những chiếc khăn Long Hoa đeo cổ đặc trưng, kiểu tóc và phục sức trên tóc của nhân vật dù có tính phóng đại như Hoàn Châu Cách Cách hay trau chuốt như Như Ý Truyện cũng đều đi theo một phom dáng cố định.
Sự nhất quán này mang tới cho khán giả ấn tượng sâu sắc sắc về kiểu cách trang phục trong cùng một thời đại. Thử tưởng tượng nếu như Hoàn Châu Cách Cách– vốn là một sản phẩm được nhà văn Quỳnh Dao viết sau khi nghe một câu chuyện dã sử - được cho mặc trang phục nửa ngực đời Đường để “đảm bảo tính thẩm mỹ”, sau đó Diên Hi Công Lược cho nhân vật mặc trang phục nhà Tần để “tăng tính uy nghi” và rồi Như Ý Truyện chốt hạ bằng trang phục nhà Thanh với mục tiêu “sát sử”, thì hệ thống nhân vật cố định (hoàng đế Càn Long, Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu, kế hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị...) sẽ cùng dắt tay nhau dạo hết bề dày phong kiến Trung Hoa và khiến khán giả không biết đâu là điểm dừng chân của họ trong lịch sử phong kiến.
Nói đến sáng tạo trang phục trong phim cổ trang Trung Quốc thì không phải là không có, thậm chí còn có nhiều bộ phim sáng tạo trang phục đến mức khiến khán giả kêu trời. Tuy nhiên, trừ những bộ phim tình cảm lấy bối cảnh cổ trang với triều đại giả tưởng, nhân vật giả tưởng, thậm chí quốc gia giả tưởng, những bộ phim được ấn định vào thời kì lịch sử nào đều có trang phục mang dáng dấp của thời kì lịch sử đó. Điển hình phải kể đến “tắc kè hoa” Phạm Băng Băng, nữ thần thường “chơi trội” với trang phục cổ trang, cả trên phim lẫn đời thường.
Năm 2014, bộ phim Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ do Phạm Băng Băng đóng vai chính phải chỉnh sửa năm lần bảy lượt cũng vì lý do trang phục. Theo đó, trang phục của nhân vật nữ trong phim được đánh giá là quá gợi cảm vì để hở ngực rất sâu, buộc nhà sản xuất sau này phải “chữa cháy” bằng cách dùng kĩ xảo che chắn cho nhân vật hoặc… cắt ngang khung hình. Tuy nhiên, nhìn vào những bộ trang phục lộng lẫy hoặc quá gợi cảm trong Võ Mỵ Nương Truyền Kỳ, người ta vẫn dễ dàng xác định được rằng nhân vật chính – nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Hoa sống ở thời Đường với đặc trưng là kiểu cổ áo hở ngực.
Có thể thấy rằng, việc thiết kế phục trang cho phim cổ trang luôn xoay quanh một tôn chỉ duy nhất: sáng tạo trên khuôn khổ có sẵn. Và “khuôn khổ” này là điều cần nghiên cứu kĩ càng, vì không phải sản xuất những bộ phim đầu tiên thì có thể tự mình đặt ra khuôn khổ. Quy chuẩn trang phục trong phim cổ trang xuất phát từ thời điểm lịch sử sản sinh ra nhân vật có thật, đây là điều không thể thay đổi, NTK chỉ có thể dựa vào mảnh gấm đó để thêu hoa.
Anh Phan Thanh Nam (Ấm Chè), một nhân vật có tiếng trong việc phục dựng cổ phong Việt Nam chia sẻ: "Nói rằng thời Tiền Lê hạn chế tư liệu, nhưng Đại Việt Sử Ký đã nhiều lần nhắc việc triều đình Đại Việt tham khảo chế độ y quan nhà Tống. Xét theo lịch sử thời trang thì kiểu áo của những tộc du mục phương Bắc Trung Hoa xa xôi như người Mãn Thanh chưa thể du nhập sâu rộng đến triều đình Đại Việt, nên đặc điểm thời trang của 700-800 năm sau xuất hiện ở thời Tiền Lê là hoàn toàn không hợp lý."
Anh Nam cũng chia sẻ thêm:
“Tôi nghĩ các yếu tố chính là chất liệu căn bản thuộc về sự kiện và mốc thời gian lịch sử là những thứ người làm phim cần bám sát. Các yếu tố có thể thay đổi như là gia vị có thể là những tình tiết, nhân vật hư cấu thêm nhằm bổ khuyết cho những đoạn thiếu hụt trong sử liệu. Về mặt phục trang thì yếu tố thẩm mỹ, liệu cũng là hoa văn đó ta có thể làm cho nó chi tiết, cầu kì hơn không, những đồ cụ đó ta có thể làm nó sang trọng hơn về chất liệu hay không, những cảnh quan đó ta có thể bày biện đẹp mắt hơn không?"
Cùng chung quan điểm đó, tiến sĩ Đoàn Thành Lộc (tiến sĩ ngôn ngữ học, văn hóa Trung Quốc) cho biết:
“Quan điểm cá nhân của mình là bám sử, được càng nhiều càng tốt, để làm nổi bật đặc trưng giai đoạn lịch sử lúc đó. Còn nếu làm phim thần thoại, yếu tố ma mị không rõ niên đại thì cũng nên dựa vào 1 giai đoạn nhất định để triển khai, chứ không quy bạ đâu lấy đó, mỗi thời 1 chút như cái nồi lẩu thập cẩm. Điều tối kỵ là lồng ghép, đặt để 1 thứ nào đó sai lệch thời gian, không gian, ví dụ như cái gương soi mặt tráng thuỷ ko thể xuất hiện vào thời Lý-Trần, vì đây là sản phẩm phương tây vào thế kỷ 17.”
Nàng Kiều không phải là cô Tấm. Cô Tấm có thể mặc váy lụa “buông chùng cửa võng”, chít khăn mỏ quạ; có thể mặc áo giao lĩnh, lúc lên ngôi thái tử phi có thể mặc Địch y… và lấy lí do rằng “mỗi thời đại lịch sử Việt Nam đều có sự hiện diện của hình ảnh cô Tấm” để hợp thức hóa điều này. Nhưng nàng Kiều thì không. Đại thi hào Nguyễn Du đã đặt Kiều vào trong một bối cảnh cụ thể, bối cảnh không bao giờ có sự xuất hiện của kí tự phương Tây.
Anh Phan Thanh Nam cho biết:
“Để phù hợp với đối tượng xem hiện đại" là một cách bao biện "cảm tính" của nhà sản xuất khi bị chất vấn. Thực tế tôi không thích cách trả lời này, vì nếu đồng ý thì vô tình nói rằng "những người đang quan tâm chất vấn về việc phim chưa làm đúng mốc thời gian lịch sử không phải là khán giả mà nhà sản xuất muốn hướng đến". Dù rằng phim điện ảnh không phải là sử liệu, nhưng việc bám sát các yếu tố cốt lõi như mốc thời gian lịch sử thể hiện sự tôn trọng với nguyên tác, ở đây là tôn trọng những giá trị văn hóa và lịch sử của cha ông.”
Nói đến đây, ta có thể thấy rõ vai trò quan trọng của nhà thiết kế phục trang trong phim cổ trang lớn đến thế nào. Bởi vì chỉ cần sai một ly – một chiếc cúc áo, một mẫu mấn đội đầu, một đoạn hoa văn là nhân vật lịch sử đã “du hành thời gian” đến một niên đại khác cách họ cả mấy ngàn năm về sau hoặc về trước. Rất tiếc là với phong trào phục dựng cổ phong vừa mới nở rộ vài năm trở lại đây cùng phần lớn phim ảnh chỉ gói gọn trong bối cảnh hiện đại hoặc là dòng phim giả tưởng, những bước đi chập chững của phim cổ trang Việt lại được đồng hành cùng nhà thiết kế thời trang – vốn là một mảng khác hẳn với thiết kế phục trang.
Giám đốc thiết kế phục trang ở Hollywood - Ken Shapkin nhận định:
“Công việc của thiết kế thời trang và thiết kế phục trang điện ảnh đòi hỏi những kỹ năng vô cùng khác nhau. Có rất nhiều vấn đề trong thiết kế phục trang điện ảnh mà nhà thiết kế thời trang vốn không bao giờ cần quan tâm đến. Với tôi, khi làm phim mang yếu tố thời đại lịch sử thì việc tìm hiểu khảo cứu là sống còn, và nếu bạn chưa có sẵn kiến thức về thời kỳ đó thì hãy tìm mọi cách để nắm rõ về nó nhanh nhất có thể. Bạn phải nắm rất chặt chẽ những đặc trưng cơ bản của thời kỳ đó để cân nhắc sẽ bám chặt đến đâu khi tái hiện và sáng tạo”
Thái hậu Dương Vân Nga có thể là một nhân vật còn khá bí ẩn trong lịch sử Việt Nam với nhiều giai thoại xoay quanh bà, nhưng bà là một nhân vật có thật, xác định niên đại thời kỳ vô cùng rõ ràng. Việc những chi tiết nhãn tiền trong Quỳnh Hoa Nhất Dạ hay Kiều có sai sót đã được cộng đồng mạng chỉ ra. Tuy nhiên, lời đáp trả của nhà thiết kế, nhà sản xuất lại vô tình trở thành một “nút chết” khác: nếu dùng “sợi dây nút thắt giản dị” thì không có được “sự trang trọng cần có” của trang phục hoàng hậu; trang phục trong phim không thể chỉ hợp lý mà còn phải “tăng tính uy nghi”. Cảm quan của nhà thiết kế là vấn đề không ai nhận xét đến, nhưng những phát ngôn kể trên chẳng khác nào nói rằng trang phục Việt cổ dành cho hoàng hậu là thiếu trang trọng, thiếu tính uy nghi?
Phải biết rằng, những bộ Hanbok (Hàn phục) lộng lẫy ngày nay mà chúng ta nhìn thấy không phải là từ thời Joseon “xuyên không” về. Nhìn vào hình ảnh tư liệu từ thời phong kiến Triều Tiên, có thể thấy chất liệu của trang phục thời kì này rất dễ nhăn, với dân chúng thì tuyệt đại đa số không sử dụng màu sắc sặc sỡ. “Tính uy nghi”, “tính trang trọng” của trang phục chính là nơi để các nhà thiết kế phục trang phát huy sở trường “thêu hoa trên gấm”. Giữ nguyên hồn cốt trang phục và đẩy tính mĩ thuật của trang phục lên một cấp bâc mới chắc chắn sẽ khiến khán giả và giới nghiên cứu không thể vui mừng hơn.
Nếu như là mười năm, thậm chí sáu, bảy năm về trước, chuyện một chiếc cúc áo nhầm niên đại lịch sử tưởng như chỉ là chuyện của các chuyên gia văn hóa thì những năm gần đây, việc phục dựng cổ phục lại là câu chuyện mà giới trẻ vô cùng ủng hộ và hưởng ứng.
Các bạn trẻ đã biết rằng ngoài áo dài, áo tứ thân và những bộ trang phục “giống Trung Quốc”, chúng ta còn có áo Nhật Bình, áo Tấc, Giao Lĩnh, áo ngũ thân…cho mỗi thời đại lịch sử, và không tiếc lời đáp trả những ai buông ra câu cổ phục Việt Nam “toàn đồ Trung Quốc” hay quê mùa. Sách ảnh nghiên cứu cổ phục được phát hành rộng rãi, những cá nhân, tổ chức tìm hiểu và tuyên truyền cổ phục một cách có bài bản, những người trẻ nghiên cứu để mang hoa văn, phom dáng cổ phục vào ứng dụng trong đời sống hiện đại ngày một nhiều. Có thể nói rằng vàng son một thuở của cổ phục Việt Nam đã dần dần quay trở lại trong dáng dấp mới, được giữ gìn và phát triển với những tư duy mới mẻ hơn.
Chính vì lẽ đó, những bước đi đầu tiên của các nhà làm phim Việt trong việc tiến vào thế giới cổ trang – lịch sử rất đáng được quan tâm. Dẫu rằng trang phục chỉ là một yếu tố trong phim, còn nội dung, diễn xuất… mới là yếu tố níu chân khán giả, nhưng trang phục, tạo hình lại là thứ đầu tiên đập vào mắt khán giả khi nội dung và diễn xuất vẫn chưa được trình làng. Cổ phục nói riêng hay tạo hình nói chung là thứ tạo ấn tượng nhãn tiền cho một bộ phim sẽ được khán giả có kiến thức đem ra mổ xẻ quyết trả nhân vật về đúng thời kì lịch sử.
Nếu đã làm ra một bộ phim thuần lịch sử thì việc hoàn toàn tôn trọng lịch sử là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, nếu là một bộ phim được sản xuất với mục đích giải trí và chỉ “có yếu tố cổ trang”, thì việc đặt trang phục của nhân vật vào đúng niên đại, thiết kế trang phục với sự tìm hiểu kĩ càng về phom dáng, hoa văn... cũng là điều cần thiết.
Bởi lẽ, dù thành công hay thất bại, một bộ phim cổ trang gắn liền với nhân vật, sự kiện lịch sử có thật cũng sẽ ghi lại một dấu ấn trong tiềm thức của khán giả về trang phục, văn hóa trong thời đại nhân vật đó sống. Việc dắt khán giả gõ cửa nhầm thời đại về lâu dài sẽ càng làm rối loạn thêm nền cổ phục chỉ vừa mới sống lại thời gian qua. Ta từng thấy không ít cư dân mạng cho rằng áo ngũ thân là trang phục giống… Ấn Độ, hay là những cuộc chiến sở hữu nguồn gốc áo dài giữa cư dân mạng Việt Nam và Trung Quốc. Những bộ phim cổ trang không thể thay đổi nhận thức về cổ phục trong ngày một ngày hai, nhưng cũng là một “mặt trận văn hóa” để giúp thế hệ sau định hình dáng dấp nguồn cội.
Khán giả Việt không hề làm khó dễ, tẩy chay những sai sót trong khâu thiết kế trang phục cổ trang. Quỳnh Hoa Nhất Dạ được hoan nghênh rất nhiều khi có thiện chí lắng nghe và sửa chữa lỗi sai, có thể thấy rằng khán giả cũng rất mong chờ diện mạo mới hoàn hảo hơn sau khi đoàn làm phim nghe góp ý. Trong khi đó, “Kiều” vẫn là một ẩn số. Có thể thấy rằng, khán giả có thể kiên nhẫn chờ một bộ phim dù thiếu kiến thức phục trang nhưng có tinh thần cầu thị hơn là những từ khóa “dã sử”, “giả tưởng”, “phóng tác” để biện bạch cho sự tùy tiện và cẩu thả ngay từ trong lần “chạm mắt” đầu tiên. Nhất là với những bộ phim tuyên bố rằng sản xuất để “tôn vinh nhân vật”, “tri ân tác giả”, sai ngay từ những kiến thức sơ đẳng, phổ thông làm sao có thể là tri ân, là tôn vinh?
Việc làm phim cổ trang Việt trong bối cảnh hiện nay không chỉ tồn tại nhiều khó khăn mà cũng có không ít thuận lợi. Khó khăn là điều ai cũng trông thấy được: tài liệu chưa đủ nhiều để bám sát dù đã nhiều hơn giai đoạn trước; không có tiền lệ để học hỏi theo, khán giả đổ dồn sự chú ý vào và không cất xó vấn đề chừng nào vấn đề chưa được giải quyết. Tuy nhiên, từ trong khó khăn đó, những thuận lợi bày ra cũng đủ hấp dẫn để lôi kéo nhà sản xuất dấn thân một lần: Thuận lợi đầu tiên có thể nói tới là việc khán giả đổ dồn sự chú ý vào nhất cử nhất động của đoàn làm phim, tạo được hiệu ứng tốt trong mặt truyền thông mà không cần phải dùng bất cứ chiêu trò nào khác. Mặc khác. khán giả chưa thể hình dung ra bối cảnh thời đại phong kiến Việt Nam là như thế nào, nên việc sai sót một hoặc vài chi tiết (không quá nhãn tiền) hoàn toàn có thể được cho qua. Cuối cùng, một bộ phim được làm đẹp đẽ, chỉn chu có thể trở thành “sách mẫu” cho phim cổ trang Việt sau này. Đời sống của bộ phim sẽ không chỉ gói gọn trong một mùa công chiếu rồi xa rời khán giả.
Quỳnh Hoa Nhất Dạ, Kiều, Lý Công Uẩn: Đường Tới Thành Thăng Long… và hàng loạt những bộ phim, những MV…sử dụng chất liệu trang phục cổ phong sau này dù được sản xuất với mục đích gì, có muốn hay không thì cũng mang thêm sứ mệnh giúp khán giả hiểu thêm về cổ phục Việt. Đây là một mảnh đất màu mỡ nhưng cần “khai hoang”, và những bước “khai hoang” đầu tiên dù khó khăn nhưng sự cầu toàn, xét nét của khán giả lẫn nhà thiết kế trong việc tôn trọng bộ khung lịch sử là điều vô cùng đáng mừng. Một dáng áo, một chiếc bảng hiệu lạc thời đại không chỉ là vấn đề của riêng cúc áo hay phông chữ. Đó còn biểu hiện cho tư duy của nhà thiết kế, nhà làm phim; biểu hiện cho sự qua loa đại khái hoặc cẩu thả dù cố ý hay không. Và đáng sợ nhất không phải là khi khán giả bắt bẻ chi ly, đáng sợ nhất là khi khán giả phẩy tay bảo rằng “sao cũng được”, Triệu Đinh Lý Trần, Hán Đường Tống Nguyên… cùng ở trong một bộ phim cổ trang cũng không sao hết. Sự không quan tâm của khán giả mới làm một sản phẩm nghệ thuật mất giá trị, đến lúc đó nhà sản xuất có hô hào sát sử, tuyên bố mất hàng năm ròng tìm hiểu thì cũng đã muộn màng.
Ảnh: Tổng hợp