Kỳ bí hang động núi lửa bậc nhất Đông Nam Á
- Văn hóa - Giải trí
- 14:39 - 21/02/2015
Sự kỳ bí hang động buôn Choah
Chúng tôi tới buôn Choah vào những ngày cuối năm, giữa bạt ngàn núi rừng, cảnh vật của vùng đất Nam Tây Nguyên thật tươi đẹp bởi các thác nước, những dải đồi trập trùng nở trắng hoa cà phê... làm cho cảnh quan thật nên thơ.
Theo các nhà khoa học, quần thể hang động núi lửa tại buôn Choah bao gồm 12 hang động, hiện nay các nhà khoa học đã khảo sát chi tiết được 5 hang động (ký hiệu C3, C7, A1, C8, C9).
Hang núi lửa buôn Choah.
Trong đó, hang động C7 là hang núi lửa dạng ống có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á (1.066,5m). Các nhà khoa học nhận định đây là quần thể hang động núi lửa kỳ bí và đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.
Từ ngoài đi sâu vào lòng hang, các nhà khoa học phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào của núi lửa như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm.
Trong lòng các hang C7, C3, A1, C8, C9 với đặc điểm lòng hang hình ống, trên tường có thạch nhũ dung nham, các kệ nham thạch, những dấu vết nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang thể hiện mức dung nham và hướng chảy của dòng nham thạch.
Thạch nhũ hình cung rất đẹp ở hang C3.
Sự có mặt của các cây hóa thạch ở trên vách hang, đã chứng tỏ sự hiện diện của một khu rừng khi núi lửa hoạt động dung nham trào ra.
Dọc đường vào hang là những viên đá sần lên những gai nhọn. Các chuyên gia cho biết đây chính là nham thạch từ miệng núi lửa phun ra nằm rải rác khắp nơi, con đường mòn dẫn trong hang cũng là dòng chảy của nham thạch.
Hang C8 là một trong những hang động được các chuyên gia Nhật Bản khám phá mới đây nhất. Từ miệng hang nhìn vào bên trong là một hình vòng cung với khối đá tuyệt đẹp, từ trên miệng hang đi xuống khoảng 18 - 20 mét có các tảng đá lớn chồng lên nhau tạo thành một lối đi.
Thạch nhũ, dung nham núi lửa tại hang C7.
Miệng hang hình bậc thang, nền hang là những khối đá lởm chởm. Trong hang rất ẩm ướt, khá tối và có nhiều sinh vật lạ sinh sống. Khác với hang C8, hang C9 là nơi trú ngụ của bầy dơi, chúng bám vào thành vách hang động tạo khung cảnh kỳ bí.
Trong hang còn có khá nhiều sinh vật khác như kiến, nhện, rắn... sống rải rác. Các nhà khoa học cho biết, quần thể hang động ở buôn Choah có thể còn nhiều hơn con số 12, còn nhiều hang động có thể còn chưa tìm thấy, để khám phá hết cần thời gian và kế hoạch cụ thể trong thời gian tới.
Điểm nhấn phát triển du lịch mạo hiểm
Tại buôn Choah nhiều người dân đã cho chúng tôi biết về chuyện nhặt được nham thạch và phát hiện hang động tại Krông Nô. Anh K’ Lơng cho biết: “Trước đây chúng tôi đi làm rẫy đã nhặt được các miếng thạch nhũ tại các bìa rừng, mang về nhà làm cảnh, một số người đã phát hiện các cửa hang, hiếu kỳ muốn vào tìm hiểu nhưng còn sợ “thần núi thần sông” phạt.
Hang động núi lửa hình ống, rất đẹp.
Từ khi tỉnh Đắk Nông công bố hang động núi lửa thì số lượng người đến địa phương tìm hiểu rất đông, nhiều người còn đi tìm dung nham hóa thạch đem bán...”.
Sau khi phát hiện ra quần thể hang động này, tỉnh Đắk Nông đã có kế hoạch bảo vệ nguyên trạng, đưa vào khai thác thu hút khách du lịch trong thời gian tới. Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH, ông Trần Phương, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết:
“Hệ thống hang động núi lửa này không chỉ là tài sản quý giá của Đắk Nông mà còn là của quốc gia. Tỉnh Đắk Nông đã giao Sở VH-TT&DL phối hợp với Bảo tàng Địa chất triển khai đề án, điều tra đánh giá di sản địa chất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, hướng tới xây dựng công viên địa chất cấp quốc gia.
Thám hiểm hang động núi lửa.
Hiện, tỉnh cũng đã bổ sung hệ thống hang động khu vực Krông Nô vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 và định hướng xây dựng quần thể hang động buôn Choah thành điểm nhấn thu hút và phát triển du lịch”.
Theo ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trước mắt địa phương sẽ huy động thêm các nhà đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu. Sau khi hoạt động nghiên cứu kết thúc, tỉnh sẽ có kế hoạch công bố với thế giới, xúc tiến thành lập công viên địa chất toàn cầu.
Hiện, UBND tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốc thành công viên địa chất toàn cầu.
Các nhà thám hiểm Nhật Bản tiến hành nghiên cứu thực địa quần thể hang động.
Ông Lê Khắc Ghi, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Nông cho biết: Hệ thống hang động núi lửa dọc sông Sêrêpốc nằm trong khu vực rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp, trong hang khô ráo, không có nước, rất thuận tiện cho việc đi lại thám hiểm.
Cùng với hệ thống thác hiện có, hệ thống hang động núi lửa C7, C3, A1, C8, C9 mới được phát hiện và khám phá, sẽ là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.