Khám phá “Chợ quê - Ký ức tuổi thơ” tại Hà Nội
- Văn hóa - Giải trí
- 22:17 - 01/07/2021
Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam cho biết, căn cứ theo tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam sẽ chính thức mở cửa trở lại với chuỗi hoạt động tháng 7 với chủ đề "Chợ quê - Nét văn hóa độc đáo dân tộc." Theo đó, từ ngày 1-31/7, khách tham quan sẽ được tham gia hoạt động hàng ngày của đồng bào các dân tộc tại đây bao gồm trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu ẩm thực, trò chơi dân gian, dân ca dân vũ…
Các hoạt động tháng 7 có sự tham gia của hơn 100 người thuộc 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày của các nhóm cộng đồng dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Huy động khoảng 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc Kinh tại làng cổ Đường Lâm ngày 23,24,25/7/2021. Huy động khoảng 10 thiếu nhi, 10 thanh niên dân tộc hỗ trợ cho các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống. Hoạt động hằng ngày theo điểm nhấn chủ đề tháng của đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng – cùng các nghệ nhân đồng bào dân tộc trải nghiệm những trò chơi dân gian truyền thống. Giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu. Các hoạt động phải đảm bảo công tác phòng chống dịch để giữ gìn sức khỏe cho đồng bào và du khách.
Điểm nhấn của các hoạt động tháng 7 là không gian "Chợ quê-Ký ức tuổi thơ" diễn ra vào ngày 23-25/7 nhằm tái hiện lại những nét văn hóa xưa với không gian ký ức giản dị, mộc mạc thông qua các cảnh mua bán, các trò chơi dân gian, biểu diễn dân ca dân vũ, mang đậm sắc màu quê hương Bắc Bộ. Theo đó, không gian chợ quê là một con đường có vòm tre và nón lá sẽ dẫn vào không gian chợ quê. Khoảng 15 gian hàng với các bộ bàn ghế tre tạo không gian riêng cho các sản vật đồng bằng Bắc Bộ như bánh đa, bánh nếp, bánh tẻ, kẹo lạc, kẹo dồi, ngô luộc, nước vối, nước chè xanh, bánh cuốn, lợn mẹt... Ngoài ra, khu chợ cũng sẽ có các gian hàng giới thiệu đồ chơi truyền thống và hàng thủ công như bút tre (Hoài Đức), tò he (Phú Xuyên), nón lá làng… Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm cũng phụ trách mời 20 nghệ nhân đồng bào dân tộc Kinh tham gia các hoạt động giới thiệu, trình diễn nghề thủ công. Có thể nói, xuyên suốt những ngày chợ phiên, khách tham quan có thể được tham gia các trò chơi dân gian như bắt trạch trong chum, đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, đi cà kheo…
Bên cạnh đó. Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam vẫn đang nỗ lực giới thiệu, tái hiện các nghi lễ quan trọng của 54 dân tộc anh em thông qua các hoạt động tại Làng. Đó sẽ là một số hoạt động trẻ thơ với "Trải nghiệm văn hóa truyền thống". Tại đây, các em nhỏ sẽ tham gia tương tác "Một ngày làm nghệ nhân", tham gia cuộc thi viết chữ đẹp "Nét chữ, nết người", cuộc thi vẽ tranh "Em yêu làng em" và một số các trò chơi dân gian của trẻ thơ như chơi ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, làm diều tại Nhà triển lãm làng dân tộc II.
Đặc biệt có Lễ dâng y tắm mưa hay còn gọi là Lễ nhập hạ là nghi thức có từ thời đức Phật còn tại thế, trước khi chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận "Y tắm mưa" để sử dụng trong thời gian ở hạ. Vào ngày lễ này, các gia đình Phật tử tập trung tại chùa dâng cúng đến chư tăng các tứ vật dụng cần thiết và lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to được các Phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục trong 3 tháng nhập hạ, ngày này đánh dấu thời điểm an cư bắt đầu tại một ngôi chùa.
Hay như Lễ cúng ché của đồng bào Ê Đê tỉnh Đắk Lắk. Đối với đồng bào Ê Đê, ché không chỉ là tài sản thể hiện sự giàu có, sung túc mà còn mang tính linh thiêng. Ché có mặt trong các nghi lễ, lễ cúng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Ê Đê. Do vậy, mỗi khi gia đình sắm được chiếc ché quý hay khi bán hoặc cho ché đi, gia chủ sẽ làm lễ cúng ché để thông báo các thần linh và dòng tộc được biết. Đồng bào Ê Đê quan niệm, vạn vật đều có linh hồn. Ché được xem là một vật thiêng vì ché đựng rượu cần là lễ vật không thể thiếu trong bất kỳ một lễ cúng nào. Mặt khác, rượu cần cũng thể hiện văn hóa giao tiếp của người Ê Đê, được gia chủ dùng để tiếp đón khách quý đến nhà; dùng làm quà tặng trong những dịp đặc biệt và là hiện vật có giá trị góp vào khi một gia đình trong buôn có lễ, tiệc…
Ngoài ra là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam.