Khai thác thị trường xuất khẩu khẩu trang, nhưng đầu tư quy mô lớn cần thận trọng
- Huyệt vị
- 13:49 - 13/04/2020
Trước nhiều câu hỏi của phóng viên, "Việt Nam có trở thành "công xưởng" sản xuất khẩu trang không chỉ trong mùa đại dịch COVID-19 mà còn trong tương lai hay không?", Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố.
Bộ Công Thương cho biết, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.
Công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.
"Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích.
"Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít", Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh thêm.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp dệt may, hiện nay Chính phủ chỉ cho phép dùng trong nước 75% sản lượng khẩu trang y tế và 25% còn lại thì phải có chỉ định, hợp đồng, điều này sẽ “bó” các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh khẩu trang.
Về điều này, Bộ Công Thương cho hay, theo quy định tại Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ, khẩu trang y tế chỉ được xuất khẩu trong trường hợp viện trợ, hỗ trợ quốc tế được Chính phủ Việt Nam cho phép. Và nếu được cấp phép thì cũng chỉ cho xuất khẩu tối đa 25% sản lượng của doanh nghiệp.
"Quy định trên được đưa ra để dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở trong nước, đảm bảo có đủ trang thiết bị cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế trên tuyến đầu chống dịch", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh và khẳng định, hiện nay, chúng ta vẫn chưa lường được hết diễn biến của dịch bệnh nên vẫn phải luôn đề phòng khả năng dịch bệnh bùng phát, số ca nhiễm tăng cao.
"Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang thực hiện mua dự trữ khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch về lâu dài, vì vậy việc quản lý chặt chẽ xuất khẩu khẩu trang y tế là cần thiết", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trong trường hợp Việt Nam và các nước khác khống chế được dịch Covid-19, khả năng cung ứng và dự trữ trong nước đối với mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu, Bộ Công Thương cho biết, các Bộ ngành có thể phối hợp xem xét, kiến nghị Chính phủ biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác đi làm việc tại các doanh nghiệp dệt may, nắm tình hình và năng lực sản xuất khẩu trang vải.
Bộ đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước.
Hiện nay, trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng trong khi thị trường trong nước đang dần bão hòa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải.
Các thông tin này Bộ Công Thương đã đưa lên Cổng thông tin của Bộ tại địa chỉ www.moit.gov.vn để doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có thể đăng ký tham gia kết nối với các Thương vụ và nhận thông tin về người nhập khẩu nước ngoài.