CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:52

Khai thác hiệu quả các FTA - động lực quan trọng tăng tốc xuất khẩu năm 2022

Khép lại năm 2021, dù nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn đạt 336,31 tỉ đô la, tăng 19%, tương ứng tăng 53,68 tỉ đô la so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%).

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6- 6,5%, năm nay ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.

Trên thực tế, năm 2021, góp phần vào tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là từ sự thực thi và tận dụng ưu đãi từ các FTA. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA kể cả song phương và đa phương, trong đó có FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, FTA Việt Nam-Anh (UKVFTA)…

Cụ thể sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Đơn cử, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25-30%/năm.

Với EU, theo Bộ Công Thương, sau một năm rưỡi thực thi, EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại cả châu Âu và Việt Nam.

Riêng năm 2021 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ đô la, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỉ đô la, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỉ đô la, tăng 16,5% so với năm 2020.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỉ đô la, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.

Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia các FTAs. Trong đó, các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.

Đáng chú ý, từ 1-1-2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh