CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:13

Khách hàng tấp nập kéo đến showroom đặt cọc, chờ giảm phí trước bạ

Trước sự sụt giảm của thị trường ô tô trong nước tháng 4/2020, ngày 17/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đồng ý việc giảm 50% phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Tuy nhiên quyết định có giảm phí hay không vẫn phải chờ Quốc hội phê duyệt.

Thực tế cho thấy Nghị quyết của Chính phủ không đồng nghĩa với việc giảm giá xe mà nó giảm tổng chi phí khi khách hàng sở hữu xe, mức 50% được dự báo sẽ làm gia tăng làn sóng chuyển dịch mua xe nhập khẩu sang xe sản xuất, lắp ráp.

Khách hàng tấp nập kéo đến showroom đặt cọc nhưng để đấy chờ giảm phí trước bạ - Ảnh 1.

Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 21/5/2020, ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc đại lý VinFast Chevrolet Thăng Long (68 Trịnh Văn Bô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Sau khi có thông tin Chính phủ đồng ý giảm phí trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước, bất chấp thời tiết nắng nóng, khách hàng vẫn tấp nập kéo đến showroom để xem xét, hỏi giá mua xe.

“Giá mà Chính phủ ấn định luôn ngày áp dụng quyết định này thì tốt biết mấy. Đại lý của tôi giờ lâm tình thế éo le là khách hàng đã ký hợp đồng, đặt cọc rồi nhưng không chịu nhận xe, nghe ngóng đợi ngày chính thức giảm phí trước bạ”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, hiện showroom đã chật chỗ, phải thuê thêm bãi gửi xe, tốn thêm 600 nghìn đồng/xe/tháng để gửi xe mà khách đã đặt cọc nhưng “chưa thèm” đến nhận do thông tin giảm phí trước bạ còn phải chờ cơ quan thẩm quyền ấn định ngày có hiệu lực.

Nhân viên đại lý Hyundai Phạm Hùng cũng đang sốt ruột nghe ngóng thời điểm chốt giảm phí vì lượng khách hàng đến mua xe tăng đột biến nhưng chỉ đặt cọc để đấy chờ giảm phí mới lấy xe. "Bình thường mỗi ngày đại lý chốt được 7 - 8 hợp đồng mua xe thì thời điểm này tăng lên hơn 20 hợp đồng. Thế nhưng khách hàng nào cũng hỏi thời điểm chốt giảm mức phí và đặt cọc xe để đấy", nhân viên này cho biết.

Khách hàng tấp nập kéo đến showroom đặt cọc nhưng để đấy chờ giảm phí trước bạ - Ảnh 2.

Một nhân viên kinh doanh của Honda Hưng Yên cũng cho biết, sau đợt giãn cách xã hội, lượng khách đặt mua xe ô tô tại đại lý đã tăng 80% so với tháng trước, nhưng từ ngày 20/5 lại có tình huống khách quyết định mua xe lắp ráp trong nước như Honda City lại có tâm lý ngần ngừ “xem thế nào đã”, đợi ngày chính thức được giảm số tiền trước bạ tương đương 26 đến 35 triệu đồng khi mua các phiên bản của dòng xe này.

Mới đây, trong bài viết gửi đến Báo Giao thông, độc giả Đông La nêu quan điểm: Nếu khách hàng đã sẵn sàng tài chính và nhu cầu sở hữu xe thì ngay lúc này là thời điểm tốt nhất để ra quyết định mua xe lắp ráp trong nước, trước khi mức giá nhích tăng trở lại. Khi xe đã nằm trong showroom, khách hàng chỉ còn chờ ngày ấn định giảm 50% lệ phí trước bạ để "xuống tiền" lăn bánh.

"Như vậy nếu lùi ngày nộp phí trước bạ tức là hoãn nhận xe ít ngày, người tiêu dùng có thể tiết kiệm vài chục tới cả trăm triệu đồng, tùy theo giá trị từng mẫu xe và mức phí áp dụng ở địa phương", độc giả Đông La nhận định.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh