Kết nối du lịch đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM
- Văn hóa - Giải trí
- 01:24 - 05/07/2020
Lần đầu tiên, liên kết du lịch vùng được chính quyền các địa phương ký kết thoả thuận hợp tác, chỉ đạo sâu sát, đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong kết nối và tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các hoạt động liên kết.
Thời gian qua, tuy ngành du lịch chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo các tỉnh thành và hoạt động nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch/Sở Du lịch, các tỉnh, thành trong liên kết đã tổ chức thực hiện các nội dung được ký kết tại thỏa thuận chung của vùng; trong đó tập trung cho các vấn đề về xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh thành, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các nội dung của thỏa thuận, xây dựng sản phẩm du lịch vùng, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong 2 tháng (không dịch) của 6 tháng đầu năm, 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã khai thác thành công các chương trình tour mới với 50.000 du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. Liên kết cũng giúp thu hút được du khách từ miền Bắc và Trung vào với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long trong 2 tháng không chịu tác động của dịch đạt 12,9 triệu lượt, tăng khoảng 14% (so với 2 tháng cùng kỳ), trong đó số lượng khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Đông đồng bằng sông Cửu Long đạt 436.890 lượt, số lượt khách du lịch nội địa đạt 2,7 triệu lượt. Số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Tây đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 289.814 lượt, số lượng khách du lịch nội địa là 9,6 triệu lượt.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tham mưu cơ chế chính sách phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; đẩy mạnh liên kết hợp tác; chú trọng công tác quảng bá xúc tiến; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; nâng năng lực cạnh tranh của các điểm đến và dịch vụ du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch đồng bằng sông Cửu Long với du khách trong và ngoài nước.
"Việc phát triển du lịch của đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế của vùng. Tiềm năng phát triển du lịch của khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nhưng hiện nay không gian du lịch vùng bị gián đoạn, nhiều địa phương làm du lịch còn tự phát, thiếu chuyên nghiệp và tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch giống nhau, dễ gây nhàm chán, chưa thực sự tạo ra điểm nhấn để thu hút và giữ chân khách du lịch.", ông Hiển chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng: "Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” mỗi tỉnh, thành cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ du khách khi đi du lịch nội địa, cụ thể, cần có những chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên đi du lịch dịp hè 2020 nhằm kích cầu và khôi phục hoạt động du lịch sau hậu Covid-19. Chính sách trên vừa có tác dụng thúc đẩy nhu cầu nội địa, khuyến khích người dân đi du lịch, vừa đem lại nguồn thu cho nhà nước”.
Liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa trong phát triển du lịch trở thành đòn bẫy kinh tế xã hội của các địa phương, và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới.
Đặc biệt, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi TP.Hồ Chí Minh vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối 2 vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.