THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:02

Kê khai tài sản rầm rộ, hiệu quả… hình thức

Bản kê khai “trong vùng bí mật”

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, biện pháp kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, ít tác dụng và không có tác động nhiều cho công tác phát hiện tham nhũng. Thậm chí, “soi” vào bản kê khai tài sản, thu nhập, không ít cán bộ thuộc diện “vô sản”, nhưng người dân cho rằng, vẫn có rất nhiều “của chìm, của nổi”.

Khảo sát của Viện Khoa học thanh tra(Thanh tra Chính phủ), cũng chỉ ra: 35,6% người dân đánh giá tích cực về việc thực hiện qui định về kê khai tài sản, thu nhập, còn 17,5% cho rằng biện pháp này không có tác dụng. Trong khi đó, việc kê khai thiếu trung thực bị xử lý rất ít, chỉ vài vụ/năm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hơn 1 triệu bản kê khai tài sản. Tính đến 31/5/2015, trong số 1.225 người thuộc diện kê khai, tài sản, thu nhập được cơ quan chức năng xác minh chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực (chiếm 0,32%).

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào trả lời báo chí về việc kê khai tài sản của cán bộ.

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của TP Hà Nội còn cho thấy không có trường hợp nào phải xác minh và xử lý về kê khai tài sản thu nhập không trung thực(!?)Theo cán bộ, công chức và người dân được khảo sát, nguyên nhân là do qui định chủ kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, vợ (chồng), con chưa thành niên là chưa đủ; bản kê khai chưa được công khai rộng rãi để người dân biết, giám sát. Quan trọng, vẫn còn “nền kinh tế tiền mặt” và Nhà nước chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.

Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định Nguyễn Khắc Chanh thẳng thắn nhận định, kê khai tài sản mới chỉ áp dụng với cán bộ, công chức, người có chức vụ mà bản kê khai lại “trong vùng bí mật”, chỉ trong nội bộ cơ quan nên người dân không được biết mà giám sát. Bản thân cơ quan thanh tra được giao giám sát việc kê khai nhưng bản kê khai tài sản, thu nhập lại được coi như tài liệu mật nên chỉ khi có vấn đề, có đơn thư mới giám sát nên khó hiệu quả. “Đối tượng kê khai tài sản thì nhiều nhưng thẩm tra, xác minh ít nên dân vẫn than kê khai tài sản chỉ hình thức”, ông Chanh nói. 

Cần cơ quan quản lý bản kê khai tài sản

Hiện nay, việc quản lý bản kê khai tài sản đang phức tạp, khó khai thác và quản lý phục vụ cho công tác phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Đặng Hùng Sơn cho biết: “ Thanh tra Chính phủ không quản lý trực tiếp các đầu mối kê khai tài sản mà việc quản lý các đầu mối kê khai tài sản còn thông qua các cấp hành chính của 22 bộ, 63 địa phương, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Đảng, Quốc hội và các cơ quan tư pháp. Riêng chúng tôi đã phải quản lý 101 đầu mối kê khai tài sản”.

Theo TS. Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra: Ở nước ngoài, mua một điều thuốc phải có hóa đơn, thể hiện qua sổ sách. Nếu tất cả các hoạt động chi trả đều thể hiện qua sổ sách, thuế, tài khoản thì sẽ kiểm soát được. Được biết, hiện Thanh tra Chính phủ đã soạn thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và dự kiến sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc sửa đổi nhằm không chỉ ngăn chặn được tài sản bất minh, tẩu tán ra nước ngoài mà còn thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản khi có hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, phải thu hẹp đối tượng phải kê khai đồng thời, cần có cơ chế để các bản kê khai tài sản đều được xác minh về tính trung thực. Muốn vậy, cần có cơ quan quản lý tập trung bản kê khai tài sản để xác định rõ địa chỉ có trách nhiệm nghiên cứu, quyết định việc xác minh các bản kê khai nghi ngờ có sự không trung thực hoặc khi nhận được các thông tin, tố cáo về việc không trung thực của đối tượng phải kê khai.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào:

          “Hiện nay, tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ là có. Người dân và công chức đánh giá như vậy là đúng, dù các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều giải pháp làm sao để hạn chế thấp nhất. Mặc dù chúng ta đã có Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định khác nhưng theo tôi chưa đầy đủ. Việc sửa Luật Phòng, chống tham nhũng sau 10 năm thực hiện là rất quan trọng để chúng ta có thể vừa đánh giá thực tiễn thực hiện luật, vừa đánh giá phù hợp với giai đoạn phát triển thì mới có giải pháp đúng đắn, phù hợp.Tới đây, khi sửa đổi Bộ luật Dân sự và Luật Phòng, chống tham nhũng phải có những quy định cụ thể để làm thế nào có thể thu hồi được tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao nhất. Vấn đề kê khai tài sản, thu nhập cũng vậy chắc chắn sẽ không thể như hiện nay vì như vậy sẽ vẫn hình thức, không hiệu quả….”

Nguyễn Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh